Nhiều show diễn cố ý không trả tiền bản quyền

Nguyên Vân
Nguyên Vân
31/12/2022 07:19 GMT+7

Đó là một trong những thực trạng trong tình hình cấp phép các lĩnh vực, theo thông tin của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) tại buổi tổng kết hoạt động năm 2022 hôm qua 30.12.

Theo VCPMC, hiện nay, tình trạng nhiều show diễn cố ý không trả tiền bản quyền đang trở nên phổ biến và dai dẳng, thậm chí kháng cáo bản án mà tòa đã phán quyết yêu cầu bên sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền. Dù vậy, tổng kết, nguồn thu từ lĩnh vực này đã bắt đầu khôi phục kể từ sau dịch Covid-19.

Nguồn thu từ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, cà phê, khách sạn) giảm sút nhiều so với giai đoạn trước đây, phần nhiều có nguyên do từ việc nhiều đơn vị sử dụng đã cố ý né tránh nghĩa vụ trả tiền bản quyền theo chiêu thức đẩy trách nhiệm pháp lý cho công ty kinh doanh/phân phối bản ghi, thiếu ý thức tôn trọng bản quyền cũng như cố tình vận dụng sai quy định pháp luật.

Nhiều đơn vị truyền hình trả tiền truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số vẫn không có thiện chí trả tiền bản quyền. Do vậy nguồn thu ở lĩnh vực phát thanh - truyền hình năm 2022 bị giảm mạnh.

Trong năm 2022 (từ ngày 1.1 - 29.12) tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc VCPMC đã thu (chưa bao gồm thuế GTGT) là: 255.818.844.010 đồng, tăng 61% so với năm 2021. Trong đó, lĩnh vực biểu diễn tăng cao nhất (371%), kế đến là từ sử dụng nhạc nền, tiền bản quyền nhận từ quốc tế (hiện VCPMC đã ký thỏa thuận hợp tác với 86 tổ chức với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới), từ các website/ứng dụng nhạc.

Về xử lý, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, trong tổng số 30 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng mà VCPMC tiến hành, hiện đã giải quyết xong 14 vụ, còn lại 16 vụ đang trong quá trình giải quyết; một số vụ đang thu thập, hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.