Khi 'Giấc mơ trưa' thành 'ác mộng' bản quyền âm nhạc trên YouTube

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/11/2021 06:50 GMT+7

Bỏ tiền sản xuất, đặt hàng bản phối riêng nhưng lại không nhận được tiền tác quyền từ bản ghi khi nó được đưa lên YouTube kinh doanh …

Tiền bản quyền tác giả, tiền bản quyền bản ghi đi đâu ?

Khi được nhạc sĩ Giáng Son đặt hàng viết bản phối cho bài Giấc mơ trưa và cho nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh chính bản phối này, ông Q. đã không nghĩ sau đó sẽ có những rắc rối lớn như vậy. Nhưng cũng vì thế, đã có 2 CD ra đời vào năm 2007: một của Giáng Son vào tháng 6.2007, một của Thùy Anh vào tháng 9 cùng năm đó. Bản của Thùy Anh do Hồ Gươm Audio-Video (Công ty cổ phần Mỹ thuật và vật phẩm văn hóa Hà Nội) xin giấy phép lưu hành. Giấc mơ trưa sau đó được Hồ Gươm Audio-Video (Hồ Gươm) và BHMedia đưa lên kinh doanh trên YouTube.

Ca sĩ Khánh Linh biểu diễn Giấc mơ trưa

chụp màn hình

Bản ghi của Thùy Anh ra đời sau, sử dụng cùng bản phối của Giáng Son ở đĩa tháng 6.2007. Tuy nhiên, do bản ghi của Thùy Anh được BHMedia và Hồ Gươm đưa lên YouTube trước nên đã được xác định ContentID. Khi có mã ContentID này, tác phẩm đưa lên sau (ở đây là bản ghi của Giáng Son) sẽ nhận cảnh báo về bản quyền và chủ sở hữu có quyền phản hồi lại để chứng minh bản quyền của mình. Phía BHMedia cũng cho biết theo thỏa thuận giữa BHMedia và Hồ Gươm, Hồ Gươm có quyền sở hữu với các bản ghi, trường hợp có phát sinh vấn đề pháp lý phía Hồ Gươm sẽ chịu trách nhiệm.

Trong chuỗi diễn biến trên, bản ghi âm Giấc mơ trưa của Thùy Anh đóng vai trò quan trọng. Có nhiều câu hỏi cần được trả lời rõ. Thứ nhất, vì sao BHMedia và Hồ Gươm Audio không xin phép nhạc sĩ Giáng Son khi đưa bài hát này lên mạng kinh doanh? Theo luật Sở hữu trí tuệ, quyền công bố tác phẩm là quyền độc quyền của tác giả. Có nghĩa là người sở hữu quyền tác giả không cho phép thì không ai được công bố tác phẩm. Thứ hai, theo Thùy Anh, bản ghi do cô tự bỏ tiền ra sản xuất. Như vậy, thoạt tiên nó thuộc sở hữu cá nhân của nữ nghệ sĩ. Trong khi đó, Thùy Anh cho biết: “Tôi không biết và không hề nhận được bất cứ khoản thu nào từ bản ghi âm trên YouTube này”.

Vậy việc Hồ Gươm mang bản ghi âm này ra kinh doanh có đúng không? Thêm vào đó, hợp tác giữa Thùy Anh và Hồ Gươm là để xuất bản bản ghi vật lý. Thùy Anh cũng cho biết cô chỉ nhờ Hồ Gươm phát hành đĩa. Vậy việc Hồ Gươm mang đĩa ra chuyển thành bản số đưa lên mạng có phải là trái phép không? Việc Thùy Anh không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ bản quyền bản ghi Giấc mơ trưa trên YouTube có đúng luật hay không? Thứ ba, bản phối của nhạc sĩ Q. cũng là một tác phẩm âm nhạc. Do đó, khi bản ghi của Thùy Anh được phát trên mạng, cũng sẽ phát sinh quyền tác giả âm nhạc với bản phối này. Vậy quyền này sẽ do ai được hưởng? Là ông Q. - người sáng tạo ra bản ghi; hay bà Giáng Son, người đã trả tiền để ông Q. viết bản phối đó? Khoản tiền đó hiện được chi trả ra sao?

Bìa đĩa CD có bản ghi Giấc mơ trưa do Thùy Anh biểu diễn

TL

“Điểm mù” pháp lý

Hợp đồng giữa Dương Thùy Anh và Hồ Gươm do đó đóng vai trò quan trọng cho các vấn đề pháp lý phát sinh. Mặc dù chỉ có ý định nhờ Hồ Gươm phát hành đĩa CD, song Thùy Anh không dám chắc về các điều khoản còn lại trong hợp đồng. “Lúc ấy trong đầu tôi chỉ nghĩ ký để CD phát hành. Ngoài đồng ý việc Hồ Gươm sẽ phát hành hộ đĩa, còn điều khoản gì nữa không thì tôi cũng không nhớ”, Thùy Anh nói. Cô cũng cho biết do đã quá lâu, hiện cô không tìm thấy hợp đồng đã ký với Hồ Gươm nữa.

Lúc ấy trong đầu tôi chỉ nghĩ ký để CD phát hành. Ngoài đồng ý việc Hồ Gươm sẽ phát hành hộ đĩa, còn điều khoản gì nữa không thì tôi cũng không nhớ.

Nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh

Trong khi đó, cá nhân muốn xuất bản băng đĩa lại phải thông qua các công ty băng đĩa để nhờ xin cấp phép lưu hành băng đĩa. Trên giấy phép lưu hành sẽ ghi tên đơn vị được nhờ này. Tên các nghệ sĩ liên quan chỉ xuất hiện ở danh mục thông tin kèm theo giấy phép. Do đó, theo giấy phép này, họ cũng sẽ nắm quyền sở hữu bản ghi, từ đó có quyền ra các quyết định với bản ghi. Chính vì thế, nếu hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty đứng ra cấp phép không rõ ràng, công ty băng đĩa (với trường hợp đĩa của Thùy Anh là Hồ Gươm) sẽ được coi là đơn vị sản xuất chương trình.

Theo điều 30 luật Sở hữu trí tuệ, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quyền sao chép trực tiếp, gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Như vậy, với trường hợp bản ghi Giấc mơ trưa của Thùy Anh, nếu cô không chứng minh được mình đã bỏ tiền sản xuất, Hồ Gươm sẽ là đơn vị có quyền sao chép và phân phối bản ghi này. Tất nhiên, họ đồng thời cũng thu lợi từ đó.

Bản ghi của Thùy Anh còn làm phát sinh một quyền tác giả của bản phối. Ông Q. cho biết: “Quyền sở hữu bản phối này thuộc về Giáng Son”. Hiện tại, do nhạc sĩ Giáng Son đã bỏ tiền đặt hàng bản phối này, ông Q. cũng xác nhận điều đó, nên quyền sở hữu bản phối cũng như tiền tác quyền phát sinh từ bản phối sẽ thuộc về nhạc sĩ Giáng Son. Nói cách khác, với Giấc mơ trưa của Thùy Anh phát trên YouTube, nhạc sĩ Giáng Son sẽ nhận được 2 khoản tiền từ quyền tác giả: một từ việc sáng tác bài hát Giấc mơ trưa, và một từ bản phối cho bản ghi âm này. Về các khoản tiền này, nữ nhạc sĩ cho biết cũng chưa truy soát để biết đã nhận được hay chưa.

Thùy Anh cho biết cô đã liên lạc với Hồ Gươm nhiều lần để làm rõ về hợp đồng đã ký với đơn vị này hồi năm 2007. “Tôi có liên lạc với Hồ Gươm 3 lần thì toàn gặp bạn trực máy điện thoại. Bạn ấy nghe và nói phải gặp chị Nhung (Phó giám đốc Hồ Gươm - NV), người chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền, nhưng chưa gặp được chị Nhung. Tôi cũng để lại số điện thoại mà chưa thấy gì”, Thùy Anh cho biết.

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, PV Thanh Niên đã liên lạc với Hồ Gươm để làm sáng rõ và được hẹn tuần này liên lạc lại để làm việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.