Nhiều thế hệ họa sĩ 'hội ngộ' trong Một vòng Việt Nam

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
29/04/2024 07:19 GMT+7

Từ ngày 27 - 30.4, tại Trung tâm nghệ thuật The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM), câu lạc bộ sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà và nhà đấu giá PI Auction House phối hợp tổ chức trưng bày, bán đấu giá 198 tác phẩm nghệ thuật mang tên Một vòng Việt Nam.

Các tác phẩm đặc sắc tại phiên đấu giá này khái quát một giai đoạn dài của mỹ thuật VN với nhiều thế hệ họa sĩ. Sự xuất hiện của các họa sĩ trong 2 bộ tứ quan trọng với những đóng góp mang tính bản lề của hội họa VN tại phiên đấu giá có thể kể đến: "Trí - Lân - Vân - Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Ngoài ra, các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng khác như Phạm Hậu, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Sỹ Ngọc, Đỗ Quang Em… cũng góp mặt trong phiên đấu giá.

Phiên đấu giá tại TP.HCM chiều 28.4

Phiên đấu giá tại TP.HCM chiều 28.4

Đ.T

Các họa sĩ khóa Kháng chiến - khóa học do họa sĩ Tô Ngọc Vân thành lập và trực tiếp giảng dạy, là lứa họa sĩ trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến đầy khó khăn của đất nước. Trong 22 họa sĩ của khóa này, 4 người trong số họ với những cá tính nghệ thuật mạnh mẽ và nổi bật đã tạo nên một bộ tứ là "Nhân - Hòa - Hậu - Kiệm" (Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm). Trong khuôn khổ phiên đấu giá, các tác phẩm của bộ tứ này cũng xuất hiện.

Tranh Phạm Hậu, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Gia Trí có giá cao nhất

13 giờ 30 ngày 28.4 tại Trung tâm nghệ thuật The World ArtSpace diễn ra phiên đấu giá đầu tiên do câu lạc bộ sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà và nhà đấu giá PI Auction House tổ chức.

Khoảng một nửa trong số 198 tác phẩm tham gia đấu giá đã được chuyển cho chủ mới qua hình thức đấu giá trực tiếp (với khoảng 250 người tham gia) và trực tuyến.

Bức Đón dâu của danh họa Phạm Hậu bán giá cao nhất với 44.000 USD (1,12 tỉ đồng) chưa bao gồm phí đấu giá. Một bức khác cũng của Phạm Hậu là Hai con nai có giá gõ búa là 34.000 USD (850 triệu đồng). Tác phẩm Chân dung của Nguyễn Sỹ Ngọc bán giá 30.000 USD (765 triệu đồng). Bức Chị em của Nguyễn Gia Trí được mua giá 19.000 USD (485 triệu đồng).

Bức Đón dâu của Phạm Hậu bán giá 44.000 USD

Bức Đón dâu của Phạm Hậu bán giá 44.000 USD

Đ.T

Bức Hai con nai giá 34.000 USD

Bức Hai con nai giá 34.000 USD

Đ.T

Bức Tĩnh vật của Đỗ Quang Em được bán giá 14.000 USD

Bức Tĩnh vật của Đỗ Quang Em được bán giá 14.000 USD

Đ.T

Trải qua nhiều lần đấu giá nhất là tác phẩm Tĩnh vật của Đỗ Quang Em. Giá khởi điểm là 5.000 USD, bức tranh nhanh chóng được người mua trực tiếp và qua internet lần lượt đưa ra mức 6.000, 7.000, 11.000 USD và sau cùng chốt giá 14.000 USD (357 triệu đồng).

Nhiều danh họa cũng có tranh bán thành công đợt này như Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Công Nhân, Lê Bá Đảng…

PI Auction House tiếp tục đấu giá và triển lãm tranh trong thời gian tới

CEO PI Auction House Nguyễn Đô Sơn cho biết PI Auction House là nhà đấu giá hiếm hoi trên thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật tại VN hiện nay. Hoạt động từ năm 2018, PI Auction House là công ty hoàn toàn thuần Việt.

Tháng 1.2021, PI Auction House mang lên sàn đấu giá quốc tế nhiều hiện vật nghệ thuật hết sức đa dạng, từ những tuyệt tác của các danh họa như Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Lê Bá Đảng… đến một số tác phẩm mang hơi thở đương đại của các tên tuổi Công Quốc Hà, Phạm Lực, Nguyễn Thanh Bình... Phiên đấu giá còn là sự "hội ngộ" của nhiều bộ hiện vật cổ quý hiếm ở những thế kỷ trước, mang bản sắc riêng của văn hóa VN.

Bức Chân dung của Nguyễn Sỹ Ngọc có giá 30.000 USD

Bức Chân dung của Nguyễn Sỹ Ngọc có giá 30.000 USD

Đ.T

Anh Đô Sơn nhận định: "Thị trường mỹ thuật VN mang tính đặc thù. Không như Mỹ, châu Âu thường người mua hay nhà sưu tập đều nhờ bên đấu giá định giá khởi điểm và bán giúp, thị trường VN sàng lọc hơn, nhiều nhà sưu tập đẩy giá các tác phẩm nghệ thuật lên cao, đặc biệt là tranh của các danh họa nên việc kinh doanh sẽ khó hơn. Đa phần người mua tranh ở VN mang tính đầu cơ nhiều hơn là yêu thích chất nghệ thuật của tác phẩm. Chúng tôi có mối quan hệ rộng với nhiều nhà sưu tập trong nước nên tương đối dễ tiếp cận và đưa tranh lên sàn đấu giá. PI Auction House không đơn thuần chỉ nhắm đến kinh doanh và lợi nhuận mà trên hết là quảng bá nghệ thuật Việt đến với thế giới. Chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc triển lãm và đấu giá tranh trong thời gian tới".

Theo anh Đô Sơn, người tham gia phải đặt cọc trước phiên đấu giá, ai tham gia phải đáp ứng yêu cầu này. Hàng bán đúng giá trị thì không ai bỏ nửa chừng. Các nhà đấu giá cung cấp thông tin xác thực nhất về tác phẩm, dựa trên uy tín và trách nhiệm.

"PI Auction House có sự thẩm định tranh theo quy trình nghiêm ngặt qua 4 bước với một hội đồng chuyên môn. Một là dựa trên phân tích trực quan liên quan đến chất liệu, bút pháp, niên đại…; hai là xác định nguồn gốc tác phẩm; ba là dựa trên phân tích chuyên môn của các chuyên gia; bốn là ứng dụng phương pháp khoa học như phân tích quang phổ", anh Sơn nói thêm.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: "PI Auction House có lẽ là nhà đấu giá hiếm hoi hoàn toàn của VN. Ngoài tranh của các danh họa, họ còn bán tranh của họa sĩ nhiều thế hệ sau này. Họ có phong cách làm việc như những nhà đấu giá chuyên nghiệp ở Paris, London hay New York. Đã có nhà đấu giá Millon (Pháp) mở văn phòng tại VN nhưng phải liên doanh với đối tác trong nước trong khi PI Auction House hoàn toàn của VN nên tính thanh khoản cao hơn, đặc biệt liên quan đến phí, pháp lý... Đây là tín hiệu vui cho thị trường nghệ thuật VN. Khi đặt uy tín và phong cách làm việc chuyên nghiệp lên hàng đầu, tôi nghĩ họ sẽ thành công".

Ngoài các tác phẩm của họa sĩ Việt, buổi đấu giá còn bán thành công nhiều tranh của họa sĩ Pháp như J.Goland, Jean Volang, Alix Aymé, Henri Mege, André Maire… với giá từ vài ngàn USD đến hơn chục ngàn USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.