Khó khăn vì dịch bệnh còn bị nợ tiền công
Phán ánh với PV Báo Thanh Niên tại công trình, bà Trần Thị Hà (48 tuổi, ngụ xã Quới Sơn, H.Châu Thành, Bến Tre) nói, mỗi ngày bà phải đi về gần 60 km để đến đây làm phụ hồ, kiếm tiền về nuôi 2 đứa con ăn học. Làm cả tháng 7, đến nay vẫn chưa được trả tiền công ngày nào, nên hiện bà còn nợ người ta mấy triệu đồng tiền đổ xăng, ăn uống, đi lại. “Tui là nữ, xin được vô công trình làm là mừng dữ lắm vì có tiền để nuôi mấy đứa nhỏ. Ai ngờ bị quỵt tiền công để ra nông nổi như vậy”, bà Hà bật khóc.
|
Vợ chồng chị Phan Thị Sương và anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ H.Châu Thành, Bến Tre) cũng phản ánh, đã cùng làm thợ hồ và phụ hồ cho công trình này gần 1 tháng (từ đầu tháng 7 đến ngày 27.7) để kiếm tiền lo cho 3 đứa con vào năm học mới, nhưng đến nay cũng không được trả tiền công, mất thời gian đi đòi vẫn chưa đòi được.
|
“Tôi đứng ra đại diện kêu hơn 20 nhân công trong xóm đi làm thuê cho ông Trung tại công trình. Làm mấy tháng trời, tổng số tiền công của tôi và anh, chị, em đã lên đến 109 triệu đồng, nhưng từ cuối tháng 7 đến nay, ông Trung tắt điện thoại không liên lạc được nữa. Qua Tiền Giang tìm thì người nhà bảo không biết ông Trung đi đâu. Trong khi đó, gần tháng nay, vợ chồng tôi không dám về nhà vì bị các anh, em thợ, phụ hồ kéo tới nhà chửi bới đòi tiền công. Quá khốn khổ khi vướng phải công trình này. Giờ còn uy tín gì nữa mà tập hợp anh, em đi tìm công trình khác nhận làm kiếm sống”, anh Nguyễn Lê Nguyên (ngụ ấp 3, xã Sơn Đông, TP.Bến Tre), một trong những “Đội trưởng” nhận khoán việc công trình, bức xúc.
|
Cùng cảnh ngộ, Đội trưởng Nguyễn Văn Út Đẹt (ngụ xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm, Bến Tre) cũng phản ánh, đưa gần 20 thợ, phụ hồ từ quê lên TP.Bến Tre làm thuê ở công trình này nhưng đến nay không được trả lương. Theo danh sách tập hợp từ các đội trưởng, thì tổng cộng công nhân làm ở công trình này còn bị nợ hơn 375 triệu đồng tiền công (?).
Chủ đầu tư, chủ thầu nói gì?
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Chính, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển đô thị Singapore (gọi tắt là: Công ty Singapore - trụ sở tại Q.3, TP.HCM, là thầu chính của Dự án “Đầu tư xây dựng mới 2 dãy phòng học Trường cao đẳng Bến Tre”), cho biết giữa Công ty Singapore và Công ty HCT có ký kết 2 hợp đồng dịch vụ thi công gồm dãy 1 và khối lượng phát sinh dãy 2, sơn… với tổng giá trị gần 1,55 tỉ đồng. Vật tư, trang thiết bị thi công do phía Công ty Singapore cung cấp. Tính đến cuối tháng 7.2020, tổng khối lượng thi công của Công ty HCT được phía Công ty Singapore ký nghiệm thu và thanh toán được tổng cộng 548 triệu đồng.
|
“Từ ngày 31.7 đến nay, chúng tôi cũng đã nỗ lực liên lạc với ông Trung nhưng không hiệu quả và ngày 5.8, Công ty Singapore đã thông báo chấm dứt hợp đồng với Công ty HCT do lỗi từ phía công ty HCT. Chúng tôi không thuê những người đến công trường đòi nợ hôm nay làm, nên đương nhiên không có nghĩa vụ trả tiền. Hiện nay, Công ty Singapore đang thực hiện các vấn đề pháp lý còn lại với Công ty HCT”, ông Chính cho biết.
Cùng ngày, ông Bùi Văn Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý các công trình dân dụng và công nghiệp Bến Tre, đơn vị đại diện UBND tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư dự án nói trên, cho biết: “Dự án có tổng mức đầu tư 34,6 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, được khởi công vào tháng 8.2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3.2021. Đến nay, Dự án này đã được giải ngân gần 50% theo tiến độ đã hoàn thành và tôi khẳng định chủ đầu tư không nợ chủ thầu. Từ thông tin của Báo Thanh Niên, tôi sẽ làm việc trực tiếp với chủ thầu và kết quả sẽ thông tin sau. Tôi khẳng định đến ngày 24.8, tôi chưa nhân được bất kỳ báo cáo nào về việc công nhân công trình bị nợ lương”, ông Hiệp nói.
|
Theo luật sư Bùi Trung Linh, Đoàn luật sư TP.HCM, tại Điều 99 bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động, thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho người lao động. Và người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Tương tự, nếu Công ty HCT không trả thì người lao động có thể yêu cầu chủ thầu chính (Công ty Singapore) trực tiếp trả lương cho mình. Trong trường hợp nhà thầu chính không trả lương, người lao động có quyền khởi kiện ra tòa án. Do bên nhà thầu chính có ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ, do đó nhà thầu chính có quyền làm đơn trình báo đến Cơ quan CSĐT Công an (nơi Công ty HCT có trụ sở) về hành vi bỏ trốn, trốn tránh nghĩa vụ của nhà thầu phụ.
Ngoài ra, nếu người lao động nhận thấy thầu phụ đã bỏ trốn để "quỵt" tiền công thì có quyền nộp đơn tố giác tới Cơ quan CSĐT Công an TP.Bến Tre (nơi xảy ra vụ án) để tố giác hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Bình luận (0)