Nhiều tiềm năng trong thị trường carbon lâm nghiệp

Nhiều tiềm năng trong thị trường carbon lâm nghiệp

Phương Thúy
Phương Thúy
22/08/2024 22:18 GMT+7

Tại Tọa đàm "Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển" diễn ra ngày 22.8, các diễn giả cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc phát triển thị trường carbon lâm nghiệp.

Chiều 22.8, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phối hợp Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế và Đại học Adelaide từ Úc tổ chức Tọa đàm "Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển". Tại đây, các diễn giả cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc phát triển thị trường carbon lâm nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực này gặp nhiều thách thức.

Tại tọa đàm, tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết, các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, thủy triều, cỏ biển... đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rừng ngập mặn và đất ngập nước có khả năng hấp thụ carbon rất nhiều so với hệ sinh thái khác. Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi.

Nhiều tiềm năng trong thị trường carbon lâm nghiệp- Ảnh 1.

Tiến sĩ Vũ Tấn Phương - Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững chia sẻ tại tọa đàm

VÕ HIẾU

Tiến sĩ Vũ Tấn Phương, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững cũng cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng tạo tín chỉ carbon trong lâm nghiệp. Cụ thể, rừng ngập mặn khoảng 15.000ha, 80% phân bố ở phía Nam; bãi triều khoảng 18.000ha, chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; cỏ biển khoảng 15.637ha; trữ lượng carbon cao ở rừng ngập mặn, khoảng 8,7 triệu tấn carbon.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Thu Thủy, Đại học Adelaide nhận định, Việt Nam có nhiều ưu thế phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp. Có thể kể đến những yếu tố mà Việt Nam đang sở hữu đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới; 25 triệu người nghèo dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng; diện tích và chất lượng rừng ngập mặn, rừng trên cạn tiềm năng; có thể tiến hành nhiều loại hình dự án…

Cũng theo ông Phương, việc phát triển thị trường carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp đang gặp nhiều thách thức, như khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích. Ngoài ra còn vấn đề về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, cũng phải nói về vấn đề những hạn chế, như năng lực kỹ thuật trong xây dựng; về dữ liệu như minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải; thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp.

Theo tiến sĩ Vũ Tấn Phương, để có thể phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp, Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng: tiềm năng. Đồng thời, cần tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường carbon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.