Sau khi đăng bài Nhiều tiền sẽ đem lại thành công ?, Thanh Niên nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, đa số cho rằng thành công phải được hội tụ từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó nhiều tiền chỉ là một phần rất nhỏ.
Nhiều bạn trẻ tại chương trình tư vấn dạng đa cấp giới thiệu làm giàu - Ảnh: Đ.N.T
|
Càng nói đến tiền, tiền càng không đến !
"Thành công là kiếm được nhiều tiền" là một mệnh đề sống không hoàn chỉnh của nhiều bạn trẻ. Những cách mà các bạn ấy nghĩ có thể giúp cho việc kiếm được nhiều tiền cũng rất sai lầm. Nếu có thể kiếm tiền dễ dàng nhờ mấy cuốn sách, dự mấy khóa học "Làm giàu không khó" thì ai chẳng làm được? Những người viết sách, dạy làm giàu đó biết cách làm giàu dễ thế thì sao họ không tự làm giàu luôn, mà lại đi viết sách, dạy học để kiếm tiền? Tiền là thứ quan trọng, giúp đáp ứng nhiều nhu cầu của bản thân và gia đình. Tiền cũng cho phép mỗi người đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Làm từ thiện cũng là nhu cầu tự nhiên của mỗi người khi có điều kiện kinh tế. Nhưng tiền không phải là thứ duy nhất để một người thành công. Rất nhiều người thành công, được thế giới ngưỡng mộ mà không có nhiều tiền. Mẹ Teresa chẳng hạn. Cô gái trẻ Malala Yousafzai cũng vậy. Có những người giàu, như một số tỉ-phú-tay-chơi Nga và Ả Rập, nhưng ít được ai trên thế giới biết đến, họ chết là hết, tôi cũng không ngưỡng mộ họ.
Tôi nghiệm thấy tiền là cái thứ rất kỳ lạ. Ta càng nghĩ nhiều đến nó thì nó lại càng không đến. Tôi chia sẻ quan điểm của tỉ phú Anh Richard Branson, rằng hãy cứ làm ra cái gì tốt cho xã hội, được nhiều người dùng thì tiền sẽ tự đến. Tôi làm được một số thứ như thế và đã thấy đúng như thế. Tôi cũng làm một số thứ khác chưa được nhiều người dùng và thấy tiền chưa "đến" thật. Việc gì tôi tin là có tương lai tốt thì tôi làm tiếp. Việc gì tôi thấy tương lai không sáng thì tôi dừng, dành tiền, thời gian và đầu óc cho việc khác. Tôi cũng thấy tỉ phú Phạm Nhật Vượng chẳng bao giờ nói về mục tiêu kiếm tiền. Ông ấy nói về ước mơ làm cho Hà Nội, TP.HCM hiện đại và văn minh như Singapore. Nhưng tôi biết rằng, khi ông ấy thực hiện được ước mơ đó, ông ấy sẽ còn giàu hơn nhiều. Với tôi, ông Phạm Nhật Vượng là "Richard Branson VN" và tôi ngưỡng mộ ông ấy.
Lương Hoài Nam
(Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu)
(Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu)
Thành công là đang sống
Đối với tôi, quan trọng nhất của cuộc sống hạnh phúc là cuộc sống “tỉnh thức”, tâm không đi về quá khứ hay tương lai quá nhiều, tập trung phút giây hiện tại và chấp nhận tuyệt đối. Không phải hạnh phúc có nhiều tiền, có nhiều giải thưởng.
Cũng như vậy, tôi quan niệm mục tiêu lớn nhất của sự thành công là có bao nhiêu thời gian tập trung hết vào hiện tại, sống là chính mình, đúng nghĩa là đang sống, không biến mất vào các kế hoạch, dự án... Có những người thành công vì tiền bạc nhưng họ mất hút, bị cuốn trôi vào một thế giới khác. Như vậy không phải là thành công!
Tôi nghĩ tiền chỉ là một phương tiện không hơn không kém, không phải là mục đích để hướng đến, để phải đánh đổi tất cả.
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa
(Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà Gió và Nước)
(Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà Gió và Nước)
Người ta không vì mục tiêu mà vì đồng tiền
Đồng tiền không phải là mục tiêu của cuộc sống, nhưng trong xã hội VN chúng ta hiện nay, đồng tiền là mũi tên xuyên toạc mọi lá chắn, nhất là lá chắn quyền lực. Do đó, người ta không vì mục tiêu mà vì đồng tiền.
Lê Túc
(ngụ Đồng Tháp)
(ngụ Đồng Tháp)
Hoàn toàn sai lầm
Quan niệm thành công là có nhiều tiền hoàn toàn sai lầm. Thử hỏi một người không nghề nghiệp, không có học thức, bỗng nhiên được "trời cho" bằng "trò chơi" vé số. Trúng vé số vài tỉ đồng, trở thành tỉ phú. Lẽ nào gọi người đó là người thành công?
Lê Phương Lan
(Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng)
(Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng)
Làm vì tiền hay làm vì công việc ?
Mình có một châm ngôn sống cho mình, đã áp dụng đến nay được 5 năm và thấy rất đúng, mọi người hãy suy nghĩ và áp dụng thử xem sao nha: "Làm vì tiền hay làm vì công việc, có tiền chưa chắc sẽ sinh ra công việc nhưng có công việc ắt hẳn sẽ sinh ra tiền".
Thanh Minh
(ngụ TP.HCM)
(ngụ TP.HCM)
Không nhận được sự tôn trọng
Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang lầm tưởng có nhiều tiền là thành công. Không phải vậy, tiền không mua được tất cả. Nhiều người có nhiều tiền nhưng không nhận được sự tôn trọng. Nhiều người có rất nhiều tiền nhưng không có được tình cảm gia đình hòa thuận... Và như thế thì không thể gọi là thành công được.
Trần Mạnh Hà
(doanh nhân ở TP.HCM)
(doanh nhân ở TP.HCM)
Nhiều tiền là thành công: không chính xác
Mỗi người có một định nghĩa về thành công khác nhau, và thành công với từng người mang lại ý nghĩa khác nhau. Với tôi thành công là tìm được những người bạn chân tình, có việc làm ổn định. Nhưng với người khác, thành công là phải có khối tài sản khổng lồ, phải có địa vị cao trong cuộc sống, hoặc phải nổi tiếng... Nói như thế để chứng minh rằng nhiều tiền đồng nghĩa với thành công là không chính xác.
Võ Linh Vương
(Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
(Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Phương tiện làm ra của cải mới quan trọng
Nói “thành công là có nhiều tiền”, “tiền là tất cả” là sai về bản chất. Khi giàu về tri thức, đạo đức, theo tôi đó mới là thành công. Như tôi đi làm, mở doanh nghiệp, tích lũy được lợi nhuận, sau đó mở trường ĐH theo ý mình. Thực ra là tôi có của cải. Nhưng các thầy cô ở trường giàu kiến thức hơn tôi. Tôi xem đó là thành công của họ. Tiền không phải là tất cả. Cần phải xét lại phương tiện nào đem đến tiền bạc. Nếu có tiền là có thành công thì những người buôn lậu, ma túy… cũng được gọi là thành công sao?
Mỗi người có cái nhìn khác nhau về tiền bạc. Nhưng trong xã hội bây giờ, nhiều bạn trẻ quan niệm “tiền là tất cả” thì không đầy đủ. Cứ thấy một người giàu có, có xe sang, nổi tiếng thì nhiều người nói là “có phước”. Nhưng chữ “phước” chỉ có ý nghĩa là có nhiều của cải vật chất. Những người làm ăn chân chính để tích lũy một số tiền thì không dễ.
Tôi đi từ xuất phát “âm” để đến được ngày hôm nay, có trúng có trật, lúc thua lúc được. Tôi thấy không gì bền vững bằng sự khiêm tốn, làm bằng sức lực, trí tuệ, trung thực, đường hoàng, không xa hoa, phí phạm. Có tiền rồi cần sử dụng vào việc có ích và trả lại một phần cho xã hội. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ. Làm được việc có ích, lúc ấy tôi mới thấy mình thỏa mãn, thấy mình thành công.
Nếu cứ so kè đồ hiệu này nọ, xe này xe kia… cứ lao vô rồi thì sẽ ít có thời giờ đọc sách, chiêm nghiệm, sẽ nghèo nàn trí tuệ. Đừng đo mọi thứ chỉ bằng tiền!
Chủ tịch HĐQT một công ty tại TP.HCM
Bình luận (0)