Nhiều tỉnh miền Tây lo, tìm hỗ trợ cho gần 30.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng công việc

15/12/2022 13:36 GMT+7

Trong 2 tháng cuối năm 2022, nhiều công ty, doanh nghiệp ở miền Tây buộc phải cắt giảm lao động hoặc giãn thời gian làm việc của công nhân, người lao động do không có đơn đặt hàng từ đối tác…

Công ty không có đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất

Tại Vĩnh Long, 10 công ty, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động trong tháng 12.2022, khiến gần 10.000 người lao động bị ảnh hưởng. Nhiều nhất là Công ty TNHH Tỷ Bách (tọa lạc KCN Bình Minh, TX.Bình Minh - chuyên sản xuất giày da) với gần 9.000 lao động bị ảnh hưởng.

Trong đó, công ty dự kiến cắt giảm khoảng 200 lao động, số còn lại sẽ giãn giờ làm và được nhận hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng tùy điều kiện.

Công ty TNHH Tỷ Bách có nhiều công nhân bị ảnh hưởng nhất ở Vĩnh Long

NAM LONG

Cụ thể, theo phương án của Công ty TNHH Tỷ Bách, khoảng 1.000 lao động được cho tạm nghỉ sẽ hưởng đủ 100% lương hỗ trợ; hơn 7.000 lao động nghỉ thời gian 15 ngày sẽ nhận lương chính thức 15 ngày cộng với lương hỗ trợ 50% tối thiểu vùng 15 ngày nghỉ; số lao động còn lại gồm nhân viên văn phòng… có số ngày nghỉ ít hơn sẽ được lương hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng.

Đối với một số công ty khác, công nhân được cho tạm nghỉ chờ đơn hàng sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày khoảng 50.000 đồng/người/ngày.

Ngày 15.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Bá Long, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Vĩnh Long, cho biết nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp không có đơn đặt hàng từ đối tác, nguồn nguyên liệu thiếu hụt, không xuất khẩu được… LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án phù hợp, có sự thỏa thuận với giữa người sử dụng lao động và người lao động để thực hiện các chính sách có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

“Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở thường xuyên giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, đồng thời tuyên truyền đến công nhân có sự chia sẻ, đồng tình với công ty doanh nghiệp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Giám sát các chính sách tết của các đơn vị đối với công nhân theo thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Bên cạnh đó, công đoàn cũng nắm ở các doanh nghiệp đang tuyển lao động để điều tiết giữa đơn vị thừa lao động với đơn vị có nhu cầu lao động, giúp giải quyết việc làm cho công đoàn viên, người lao động”, ông Long thông tin thêm.

Cũng theo ông Long, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long đã có kế hoạch phấn đấu hỗ trợ khoảng 10% người lao động khó khăn trên tổng số lao động ở tỉnh, mỗi người 500.000 đồng. Ngoài ra, sẽ kết hợp với các đơn vị tổ chức Phiên chợ tết công nhân, bán hàng giảm giá theo chương trình phúc lợi đoàn viên.

Trong phiên chợ này sẽ bố trí các gian hàng “0 đồng” chia sẻ khó khăn với người lao động và một số hoạt động khác giúp làm sinh động phiên chợ công nhân. Phiên chợ dự kiến diễn ra ngày 6 - 9.1.2023 tại Nhà văn hóa lao động tỉnh Vĩnh Long.

Nhà văn hóa lao động tỉnh Vĩnh Long, nơi dự kiến tổ chức Phiên chợ tết công nhân từ ngày 6 - 9.1.2023

NAM LONG

Một công ty ở An Giang cắt giảm hơn 5.300 lao động

Công ty TNHH An Giang Samho (tọa lạc KCN Bình Hòa, H.Châu Thành, An Giang - chuyên sản xuất, gia công giày da) có 9.980 lao động.

Từ tháng 10 - 12.2022, công ty có kế hoạch cắt giảm hơn 5.300 lao động. Nguyên nhân là nhãn hàng Adidas (chiếm 40% đơn hàng của Công ty An Giang Samho) đã ngừng đặt hàng với công ty. Mỗi lao động bị cắt giảm được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng và các tổ chức công đoàn hỗ trợ 500.000 đồng/người.

Theo Sở LĐ-TB-XH An Giang, đến nay gần 2.700 lao động bị mất việc tại công ty này đã được giải quyết chế độ ổn thỏa.

Ngày 13.12 vừa qua, tại kỳ họp HĐND tỉnh An Giang, ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH An Giang, cho biết đến cuối tháng 11.2022, An Giang có 14 doanh nghiệp với 18.196 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc là 3.266 người; lao động bị giảm giờ làm là 13.728 người tạm hoãn hợp đồng lao động 1.202 người.

Cũng theo Sở LĐ-TB-XH An Giang, hiện nay, do khó khăn về kinh tế, một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm của người lao động hoặc thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động… dẫn đến thu nhập, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng. Dự báo tình hình còn khó khăn đến hết quý 1/2023.

Để giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH An Giang đã đề ra một số giải pháp. Trong đó, chủ động phối hợp LĐLĐ tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang và các ngành liên quan nắm bắt tình hình lao động, việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp; tham mưu cho lãnh đạo tỉnh bổ sung nguồn vốn ủy thác trong năm 2023 để tăng cường nguồn lực cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm…

Theo Sở LĐ-TB-XH Trà Vinh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, buộc phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc cắt giảm lao động và cho nghỉ luân phiên với hơn 4.200 lao động. Trong đó, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương 1.047 lao động; nghỉ việc, bị cắt giảm 369 lao động; nghỉ luân phiên (có lương) 2.828 người.

Dự kiến, đến hết tháng 12.2022, cơ bản các doanh nghiệp có đơn hàng đầy đủ thì số lao động bị ảnh hưởng giảm xuống dần, có một số doanh nghiệp qua Tết Nguyên đán sẽ khôi phục hoàn toàn sản xuất và có chính sách ưu tiên đối các lao động tạm hoãn lao động, cắt giảm trước đây.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với LĐLĐ tỉnh và các ngành tổ chức chương trình chăm lo tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến sẽ hỗ trợ 500 người lao động, mỗi người 500.000 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.