ChatGPT đang được nhiều người dùng săn lùng để trải nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng trí tuệ nhân tạo (AI) này có phiên bản ứng dụng trong khi thực tế ChatGPT hiện chỉ hoạt động trên nền web. Đây cũng là nhầm lẫn phổ biến hiện nay và được các nhà phát triển nhỏ lẻ tận dụng triệt để nhằm câu kéo lượt tải cho ứng dụng của mình.
Trên một số hội nhóm Facebook liên quan tới công nghệ, không ít người vẫn đặt câu hỏi làm sao để tải và cài ứng dụng ChatGPT, hoặc đâu mới là ứng dụng "đúng" trong số hàng loạt chương trình xuất hiện khi tìm kiếm với từ khóa "ChatGPT" trên kho phần mềm cho di động.
Anh Hoàng Tú - chuyên viên phòng IT của một công ty tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết nhiều đồng nghiệp ở cơ quan đã mang điện thoại lên nhờ anh cài ứng dụng ChatGPT để họ trải nghiệm vì không biết tải phần mềm nào trên mạng. "Tôi nhiều lần phải nhắc mọi người rằng trí tuệ nhân tạo kia được cung cấp dưới dạng web, tức là họ dùng trình duyệt và truy cập vào địa chỉ của OpenAI để sử dụng chứ không có ứng dụng cụ thể nào vào thời điểm này", anh Tú nói.
Thậm chí, một số người còn tải phần mềm từ trước đó, tới khi không sử dụng được hoặc có trục trặc mới tìm hỗ trợ. Trên 2 kho ứng dụng Play Store (Android) và App Store (iOS), nhiều chương trình đã tận dụng trào lưu và sự tò mò tìm hiểu ChatGPT của người dùng để mạo danh. Người dùng tìm kiếm sẽ trả về hàng trăm kết quả khác nhau với những cái tên gây nhầm lẫn và đều xuất hiện chữ "ChatGPT", trong đó có cả những phần mềm đã có lên đến hàng triệu lượt tải.
Ngoài việc mạo danh AI đang "tạo cơn sốt" ở cộng đồng, một số chương trình còn tìm cách thu tiền của người dùng dù chưa sử dụng. Các phần mềm này đều cho phép tải về miễn phí, nhưng trong lần sử dụng đầu tiên, người dùng sẽ phải đồng ý với các điều khoản về thuê bao và thanh toán trước. Đây là điểm người dùng cần đặc biệt lưu ý bởi ChatGPT chưa có ứng dụng trên di động. Bên cạnh đó, việc đồng ý với gói thuê bao từ chương trình mạo danh có thể khiến nạn nhân mất tiền theo chu kỳ (ngày, tuần, tháng hoặc năm) và cần phải gỡ thuê bao trước khi xóa ứng dụng khỏi máy.
"Nếu chỉ xóa ứng dụng mà không gỡ đăng ký gói thuê bao thì đến kỳ thu cước, người dùng vẫn mất tiền dù họ có sử dụng được chương trình hay không", anh Tú tư vấn.
Tờ The Guardian ngày 3.2 dẫn thống kê của hãng phân tích dữ liệu Similarweb cho biết chatbot AI mang tên ChatGPT đã thu hút 590 triệu lượt truy cập từ 100 triệu người dùng. Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư UBS (Mỹ), đây là tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có đối với một ứng dụng dành cho người dùng. Làm phép so sánh với TikTok và Instagram - đều là những ứng dụng thu hút trên toàn cầu có thể cho thấy sự khác biệt: TikTok mất 9 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Intagram tốn 2 năm, theo hãng phân tích ứng dụng Sensor Tower.
Bình luận (0)