Nhiều vi phạm về nhãn mác nước mắm

05/11/2016 08:08 GMT+7

Ngày 4.11, tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận), Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận và Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề về nước mắm.

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Bình Thuận, cho rằng hiện nay khái niệm “nước mắm” và “nước chấm" chưa được xác định tách bạch, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Trong nước mắm thì lại có hai loại là “nước mắm truyền thống” và “nước mắm pha chế”. Bởi lẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, phương pháp sản xuất và việc sử dụng các chất phụ gia là hoàn toàn khác nhau. Cần phải xây dựng quy chuẩn riêng cho từng loại sản phẩm trên, không được “nhập nhằng” thì nước mắm truyền thống mới sống nổi. Việc lấy các tiêu chuẩn của “nước chấm” áp dụng cho “nước mắm” như hiện nay là rất bất hợp lý.
Ông Lê Trần Phú Đức, giám đốc một doanh nghiệp nước mắm ở Phan Thiết, cho rằng theo quy chuẩn VN (QCVN 8-2:2011/BYT) thì chỉ tiêu asen trong nước mắm không quá 1 mg/lít. Nhưng đây là quy định cho nước chấm. Không thể đem quy chuẩn này so sánh với nước mắm truyền thống, vì asen trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ có sẵn trong cá rất cao. Asen trong cá không gây hại cho sức khỏe con người.
Ông Khúc Tuấn Anh, Phó giám đốc Cơ quan Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam bộ (Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản - Bộ NN-PTNT), cho biết hiện nay xuất hiện tình trạng vi phạm về nhãn mác rất nhiều. Thậm chí nhiều nhãn mác ghi độ đạm không đúng với thực tế. Có nhãn mác khiến cho mắt thường không thể đọc được là đánh đố người tiêu dùng. “Phải xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất nước mắm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực thẩm. Để bảo vệ người tiêu dùng, phải thay đổi tiêu chuẩn VN về nước mắm cho phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Có quy định riêng về nước mắm và nước chấm để người tiêu dùng không bị ngộ nhận”, ông Tuấn Anh kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.