‘Nhiều vụ án liên quan đến cán bộ đều có bóng dáng quản lý đất đai’

31/10/2022 12:12 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo ( Lâm Đồng ) cho rằng nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, nhiều vụ án liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng nhà đất.

Sáng 30.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

quochoi

Sân bay Cam Ly 53 ha, bị lấn chiếm 40 ha

Đại biểu Nguyễn Tạo nêu nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn. Đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

“Dễ nhận thấy là qua các vụ án gần đây, liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng của quản lý nhà đất”, ông Tạo nói.

Đại biểu Quốc hội: "Nhiều vụ án liên quan đến cán bộ đều có bóng dáng quản lý đất đai"

Theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát, có 28.000 ha của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án có vướng mắc đó là vấn đề đất để hoang hóa. Nêu ví dụ ngay tại Lâm Đồng, đại biểu Tạo cho rằng, có 2 sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm ngay giữa khu vực trung tâm 2 thành phố lớn là Đà Lạt và Bảo Lộc, nhưng đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí.

“Sân bay Cam Ly (TP.Đà Lạt) có 53 ha, bị lấn chiếm khoảng 40 ha. Sân bay P.Lộc Phát (TP.Bảo Lộc) có 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ. Kể cả khách sạn liên doanh như khách sạn Babyco ngay trung tâm P.1 Đà Lạt với diện tích 7.500 m2 là vị trí "đất vàng" nhưng các vi phạm, tranh chấp xử lý tài sản gắn với đất quốc phòng chậm được xử lý”, ông Tạo nói và cho biết, những việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được xử lý, gây bức xúc cho cử tri.

Theo ông, pháp luật đã quy định rất rõ ràng việc sử dụng không hiệu quả, hoặc không đưa vào sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng thì nên giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng. Ông Tạo cũng đề nghị vấn đề cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi luật Đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18 của T.Ư.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc)

quochoi

Cơ quan phải đi thuê trong khi trụ sở bỏ hoang

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) thì cho rằng việc bố trí trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 288 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 45 tỉnh, thành còn nhiều bất cập.

Một số địa phương, trụ sở làm việc cơ quan nhà nước bị phân tán, do vẫn duy trì 2 - 3 trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ở các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc vẫn còn tình trạng cơ sở làm việc thiếu thốn, chật chội. Địa phương không có kinh phí để bảo trì sửa chữa, dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hưu hỏng, gây lãng phí.

“Cơ quan phải đi thuê trong khi có trụ sở lại bỏ hoang. Ví dụ, ở một số chi cục thi hành án dân sự cấp huyện trên cả nước đã được xây dựng từ năm 2011, với quy mô cho 4 - 5 biên chế, nay do công việc nhiều hơn đã có 10 biên chế”, ông Mạnh nói và cho rằng, nhiều khu đất có vị trí đắc địa, là "đất vàng" ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực.

Đồng tình với nguyên nhân khách quan trong báo cáo, song đại biểu Mạnh nêu còn có nguyên nhân về thiếu quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của các cấp có thẩm quyền vẫn là chủ yếu.

Đại biểu Mạnh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có trụ sở dôi dư ở địa phương khẩn trương có phương án thu hồi, điều chuyển, bàn giao cho địa phương để đưa các trụ sở nhà đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực; kiên quyết xử lý tổ chức cá nhân chây ì không thực hiện.

Đại biểu Trần Hữu Hậu: "Lãng phí trách nhiệm đang phổ biến, gây thất thoát niềm tin của nhân dân"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.