Nhìn lại cuộc chiến ở Ukraine sau một tháng

24/03/2022 15:00 GMT+7

Tròn một tháng từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu tại Ukraine, tình hình chiến sự vẫn trong thế giằng co trong khi chưa đạt bước đột phá trên bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.

Điểm nóng thực địa

Một tháng từ khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga vẫn chưa thể kiểm soát các thành phố chủ chốt của Ukraine. Tại Kyiv, lực lượng Nga được cho là tìm cách bao vây từ nhiều hướng nhưng theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, lực lượng Nga có vẻ đang thiết lập vị trí phòng thủ tại khu vực 15 - 20 km bên ngoài Kyiv khi không thể tiến được nhiều về phía trung tâm thủ đô.

Một đoàn xe quân sự bị phá hủy tại thị trấn Bucha phía tây Kyiv

Reuters

Quan chức này nhận định có vẻ lực lượng Nga không còn cố gắng tiến quân vào thành phố và tại một số khu vực phía đông của Kyiv, binh sĩ Ukraine đã đẩy lui binh sĩ Nga ra xa hơn.

Thay vào đó, Nga được cho là đang ưu tiên chiến đấu tại vùng Donbass, đặc biệt là Donetsk và Luhansk, nhằm cắt đứt liên lạc giữa lực lượng Ukraine và ngăn lực lượng chi viện cho các thành phố.

Nhìn lại những sự kiện chính trong tháng đầu tiên chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine

Xem thêm: Quân Nga bị đẩy xa ở đông Kyiv, NATO ước tính thương vong

Quân đội Ukraine ngày 24.3 thông báo Nga vẫn đang tìm cách khôi phục chiến dịch kiểm soát Kyiv, Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol. Để giải quyết tình trạng thiếu binh sĩ, Nga đang điều các đơn vị mới đến gần biên giới Ukraine và huy động binh sĩ gần đây phục vụ tại Syria. Dù vậy, giới lãnh đạo Nga vẫn liên tục tuyên bố chiến dịch quân sự diễn ra đúng kế hoạch.

Tổn thất chiến sự

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 23.3 thông báo Nga đã phá hủy 184 máy bay và trực thăng của Ukraine, 246 máy bay không người lái, 189 hệ thống tên lửa phòng không, 1.558 xe tăng và các loại xe thiết giáp chiến đấu, 156 giàn phóng rốc két đa nòng, 624 khẩu pháo các loại và 1.354 xe quân sự, theo TASS.

Trong khi đó, quân đội Ukraine thông báo đến ngày 23.3, Nga thiệt hại 101 máy bay, 124 trực thăng, 517 xe tăng, 267 khẩu pháo, 1.578 xe thiết giáp, 80 giàn phóng rốc két đa nòng, 4 tàu, 1.009 xe quân sự, 70 xe tiếp nhiên liệu, 42 máy bay không người lái, 47 giàn phóng tên lửa phòng không và 15 xe hậu cần, theo The Kyiv Independent.

Xác xe tăng Nga bị bắn cháy tại vùng Sumy

Reuters

Về thương vong, Ukraine ước tính xấp xỉ 15.600 binh sĩ Nga tử trận nhưng con số chưa được xác nhận. Trong thông báo gần nhất ngày 2.3, Nga cho biết có 498 binh sĩ Nga tử trận và 1.597 binh sĩ bị thương.

Một quan chức quân sự cấp cao của NATO ngày 23.3 ước tính khoảng 7.000 - 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng chỉ trong 4 tuần tham chiến tại Ukraine, theo AP. Tính luôn cả binh sĩ thiệt mạng và bị thương, con số có thể lên đến 30.000 - 40.000 người.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 12.3 thông báo có khoảng 1.300 binh sĩ Ukraine thiệt mạng. Một quan chức Mỹ ngày 10.3 ước tính 2.000 - 4.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng.


Chuyến tàu đến chốn bình an của một gia đình Ukraine

Dân thường và người tị nạn

Văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền thông báo đến ngày 23.3, con số dân thường thiệt mạng là 977 người và 1.594 người bị thương. Con số chưa được cả Nga và Ukraine xác nhận.

Người tị nạn Ukraine tại cửa khẩu biên giới với Ba Lan

Reuters

Theo ước tính của Văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, tính từ ngày 24.2 đến ngày 24.3, có 3.636.546 người Ukraine sang các nước khác để tị nạn, trong đó hơn 2,1 triệu người sang Ba Lan. Bên cạnh đó, còn có 113.000 người khác di chuyển từ hai vùng Donetsk và Luhansk sang Nga từ ngày 21 - 23.2.

Hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa trong vòng một tháng qua.

Người dân tại Mariupol xếp hàng chờ nhận đồ tiếp tế ngày 23.3

Reuters

Tiến trình đàm phán

Hai bên đã trải qua ít nhất 5 vòng đàm phán và một cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10.3. Ba vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại biên giới Belarus với Ukraine trong đó phía Ukraine yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và rút binh sĩ Nga khỏi Ukraine. Nga yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ Nga, công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk, yêu cầu Ukraine phi quân sự.

Dù không đạt được thỏa thuận nào nhưng hai bên đồng ý mở các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.


Người dân Nga chuẩn bị thắt lưng buộc bụng vì các lệnh cấm vận

Vòng đàm phán thứ tư diễn ra từ ngày 14 - 17.3 theo hình thức trực tuyến. Tại đây, một kế hoạch 15 điểm được đưa ra, theo đó lực lượng Nga rút khỏi các vị trí tấn công tại Ukraine, quốc tế phải đảm bảo an ninh cho một Ukraine trung lập và đổi lại, Kyiv sẽ không gia nhập NATO.

Vòng đàm phán thứ năm diễn ra vào ngày 21.3 nhưng cũng không tạo ra đột phá. Tổng thống Zelensky đề nghị gặp trực tiếp Tổng thống Putin nhưng Điện Kremlin cho rằng cuộc gặp cấp lãnh đạo chỉ diễn ra khi đạt kết quả cụ thể trong những vòng đối thoại trước.

Xem thêm: Ông Zenlensky: không thể đàm phán kết thúc chiến sự nếu không gặp ông Putin

Phản ứng quốc tế, các bên hỗ trợ

Ngay khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi nước này ngay lập tức ngừng chiến dịch. Ngày 25.2, Nga phủ quyết nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chiến dịch này. Ngày 2.3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt cuộc chiến và rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine. 141 nước bỏ phiếu thuận, 5 nước bỏ phiếu phản đối và 35 nước bỏ phiếu trắng.

Những khoảnh khắc cảm động của cuộc chiến tại Ukraine

Xem thêm: Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết về Ukraine, Trung Quốc không cấm vận Nga

NATO đã tăng cường lực lượng đến sườn phía đông của khối để đề phòng và trong diễn biến mới nhất, Tổng thư ký Jens Stoltenberg thông báo sẽ triển khai thêm 4 nhóm tác chiến mới đến Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.

Xem thêm: NATO tính điều 4 nhóm tác chiến đến sườn đông

NATO và nhiều nước cũng đồng loạt viện trợ vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không. Theo ước tính trong chưa đầy một tuần đầu tiên, các thành viên NATO cung cấp hơn 17.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine.

Một số nước NATO còn có ý định cung cấp chiến đấu cơ, hệ thống tên lửa cho Ukraine nhưng kế hoạch chưa được thực hiện vì một số lý do. Ukraine đề nghị NATO thiết lập vùng cấm bay tại nước này nhưng bị bác bỏ vì nguy cơ xảy ra đụng độ NATO với Nga.

Thành viên lực lượng phòng vệ Ukraine tập sử dụng vũ khí chống tăng do nước ngoài viện trợ

Reuters

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 6.3 thông báo xấp xỉ 20.000 binh sĩ nước ngoài tình nguyện tham gia lực lượng phòng thủ của Ukraine. Phía Nga tuyên bố “lính đánh thuê nước ngoài” sẽ không được bảo vệ theo Công ước Geneva và sẽ bị coi như tội phạm.

Ngày 11.3, Nga thông báo 16.000 tình nguyện viên từ Trung Đông sẵn sàng gia nhập cuộc chiến cùng lực lượng ly khai tại Donbass. Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho những tay súng này tham gia chiến dịch.

Xem thêm: Ông Putin bất ngờ ủng hộ đưa tình nguyện viên nước ngoài tham chiến tại Ukraine

Cấm vận

Sau khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine, phương Tây và nhiều nước khác đã ban hành loạt cấm vận khổng lồ lên nền kinh tế Nga. Hàng loạt quan chức, giới tài phiệt, các công ty Nga và ngay cả cá nhân Tổng thống Putin bị cấm vận. Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng tài sản, nhiều ngân hàng bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, nhiều nước tước quy chế “tối huệ quốc” đối với Nga.

Nhiều công ty nước ngoài cũng rút khỏi Nga trong khi máy bay Nga bị cấm sử dụng không phận tại nhiều nước. Moscow cũng đáp trả bằng cách áp đặt lệnh cấm máy bay của nhiều nước sử dụng không phận Nga.

Nga cũng cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm đến hết năm 2022, ngăn chặn trả lãi cho nhà đầu tư nước ngoài giữ trái phiếu chính phủ Nga, cấm công ty Nga trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài, ngăn nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản tại Nga như cổ phiếu, trái phiếu.

Nga cũng cấm vận Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao. Mới nhất, Tổng thống Putin ra lệnh yêu cầu khách hàng nước ngoài thuộc danh sách “nước không thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Xem thêm: Ông Putin muốn các nước 'không thân thiện' trả tiền khí đốt bằng đồng rúp

Tác động đối với thế giới

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo xung đột Ukraine đặt ra nguy cơ kinh tế to lớn cho khu vực và quốc tế. IMF và Ngân hàng Thế giới thông báo đã dành ra những khoản hỗ trợ kinh tế tài chính cho Ukraine và các nước bị ảnh hưởng.

Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu thô, kim loại lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về ngũ cốc, khí tự nhiên và phân bón nên từ khi chiến sự xảy ra, giá dầu và các mặt hàng nói trên đã tăng vọt giữa lo ngại khan hiếm nguồn cung. Giá dầu Brent vượt mốc 130 USD/thùng lần đầu tiên từ năm 2008. Nga và Ukraine cũng là những nước xuất khẩu lúa mì, bắp thuộc tốp đầu thế giới nên cuộc xung đột đã đặt ra đe dọa về an ninh lương thực.

Xem thêm: Họa vô đơn chí, giá xăng dầu có thể sắp tăng cao

Tranh cãi về vũ khí hóa học, vũ khí bội siêu thanh

Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần qua thông báo đã sử dụng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal nhằm vào một kho vũ khí tại miền tây Ukraine. Hãng thông tấn Interfax đưa tin đây là lần đầu tiên Nga sử dụng vũ khí bội siêu thanh trong chiến dịch tại Ukraine. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ ngày 21.3 đánh giá việc sử dụng vũ khí bội siêu thanh không có ý nghĩa về mặt quân sự mà có thể là chủ đích của Nga nhằm gửi thông điệp để Ukraine nhượng bộ thêm trên bàn đàm phán. Hoặc cũng có khả năng Nga sử dụng vũ khí bội siêu thanh vì thiếu nguồn cung các loại vũ khí dẫn đường chính xác cao khác.

Mặt khác, Nga cáo buộc Ukraine có kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học đối với chính người dân nước này nhằm đổ tội cho Moscow.

Trước đó, Nga cũng triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bàn về việc Mỹ tài trợ cho những hoạt động sinh học quân sự tại Ukraine. Phía Mỹ cho rằng cáo buộc của Nga có thể là cái cớ để Moscow sử dụng loại vũ khí này tại Ukraine.

Trong khi đó, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Izumi Nakamitsu, Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị nói tại Hội đồng rằng Liên Hiệp Quốc không nhận thấy thông tin về chương trình vũ khí sinh học nào đang được thực hiện tại Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.