Nhìn lại Iraq 20 năm sau cuộc chiến do Mỹ phát động

20/03/2023 06:00 GMT+7

20 năm sau khi Mỹ đưa lực lượng vào Iraq, đất nước giàu dầu mỏ này vẫn đang gặp khó khăn vì tham nhũng và không thể đảm bảo an toàn cho công dân của mình.

Nhìn lại Iraq 20 năm sau cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ - Ảnh 1.

Iraq vật lộn với tình trạng thiếu điện dai dẳng và nhiều cư dân thủ đô Baghdad phụ thuộc vào hệ thống dây cáp chằng chịt nối với máy phát điện

CHỤP MÀN HÌNH THE NEW YORK TIMES

Hôm nay đánh dấu 20 năm Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Tuy nhiên, sự chết chóc và tàn tật vẫn phủ bóng lên mọi cá nhân ở Iraq - ngay cả những người muốn bỏ lại quá khứ phía sau.

Mỹ đưa quân vào Iraq như một phần của "cuộc chiến chống khủng bố" do Tổng thống George W. Bush phát động sau vụ tấn công ngày 11.9.2001 của al-Qaeda. Tổng thống Bush và các thành viên trong chính quyền của ông cho rằng Tổng thống Hussein đang chế tạo và che giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt, mặc dù không tìm thấy bằng chứng cho những lời buộc tội đó. Một số quan chức Mỹ cũng nói ông Hussein có liên hệ với al-Qaeda, cáo buộc mà các cơ quan tình báo sau đó đã bác bỏ.

20 năm sau khi đưa quân vào Iraq, Mỹ chật vật với hậu quả

Những vết sẹo của cuộc chiến

Ngày nay, Iraq là một nơi rất khác và có nhiều lăng kính để nhìn thấy sự khác biệt này. Iraq hiện là một xã hội tự do hơn nhiều so với dưới thời ông Hussein và là một trong những quốc gia cởi mở ở Trung Đông, với nhiều đảng phái chính trị và nền báo chí gần như là tự do.

Tuy nhiên, tờ The New York Times đã phỏng vấn hơn 50 người Iraq trong dịp này và các cuộc trò chuyện vẽ ra một bức tranh không mấy sáng sủa. Một quốc gia giàu dầu mỏ như Iraq lẽ ra phải phát triển tốt. Song, hầu hết mọi người ở đây không cảm thấy an toàn và chỉ xem chính phủ của họ là một bộ máy tham nhũng.

Nhìn lại Iraq 20 năm sau cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ - Ảnh 2.

Một tòa nhà ở Falluja đã bị phá hủy khi các chiến binh Iraq giành quyền kiểm soát thành phố từ tay IS vào năm 2016

CHỤP MÀN HÌNH THE NEW YORK TIMES

Nhiều người Iraq nhìn thấy một tương lai kinh tế ảm đạm. Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nguồn thu từ năng lượng của Iraq chủ yếu được chi cho khu vực công, vốn thua lỗ vì tham nhũng hoặc lãng phí cho các dự án lớn còn dang dở. Tương đối ít nguồn thu được dùng để chuyển đổi cơ sở hạ tầng công cộng hoặc cung cấp dịch vụ, như nhiều người Iraq đã hy vọng.

"Điều kiện sống không tốt. Điện vẫn không ổn định", ông Mohammed Hassan, kỹ sư truyền thông 37 tuổi và là cha của 3 đứa con, cho biết. Ông Hassan giám sát việc lắp đặt đường dây internet tại một khu dân cư trung lưu ở thủ đô Baghdad và được trả 620 USD/tháng. "Tôi hầu như không đủ tiền dùng đến cuối tháng, vì vậy tôi không thấy tương lai ở đây", ông Hassan nói thêm.

Iraq vẫn còn vết sẹo không thể xóa nhòa của một cuộc nội chiến, một cuộc nổi dậy và những biến động gần như liên tục mà cuộc chiến của Mỹ gây ra ngay cả sau khi quân Mỹ rút quân vào năm 2011. Iraq trải qua hết làn sóng giao tranh này đến làn sóng giao tranh khác rồi lại vướng vào xung đột chính trị. Đất nước này chưa bao giờ ổn định hoàn toàn. Hai thành phố lớn - Mosul và Falluja - đã bị phá hủy phần lớn và thiệt hại có thể nhìn thấy ở hầu hết các thị trấn lớn trên khắp miền trung và miền bắc Iraq.

Vụ phục kích Falluja tác động ra sao đến cuộc chiến của Mỹ ở Iraq?

Và khó tìm được một người Iraq chưa từng mất đi người thân yêu. Theo dự án Thiệt hại Chiến tranh của Đại học Brown (Mỹ), khoảng 200.000 dân thường Iraq đã chết dưới tay lực lượng Mỹ, chiến binh al-Qaeda, quân nổi dậy Iraq hoặc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ít nhất 45.000 thành viên của quân đội và cảnh sát Iraq cùng ít nhất 35.000 quân nổi dậy Iraq cũng thiệt mạng, và hàng chục nghìn người khác bị thương.

Về phía Mỹ, khoảng 4.600 binh sĩ và 3.650 nhà thầu Mỹ đã thiệt mạng ở Iraq. Nhiều người sống sót, nhưng mang những vết sẹo về thể chất và tinh thần.

Sự yếu kém của nhà nước Iraq sau cuộc chiến của Mỹ đã khiến nước này trở thành mảnh đất màu mỡ cho các cường quốc trong và ngoài khu vực nuôi dưỡng tham vọng địa chính trị của mình. Trong số đó có nước láng giềng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với chính nước Mỹ.

Nhìn lại Iraq 20 năm sau cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ - Ảnh 3.

Một bảng quảng cáo có ảnh tướng Qassim Suleimani của Iran. Ông bị ám sát vào năm 2020 khi một máy bay không người lái của Mỹ bắn tên lửa vào đoàn xe của ông ở Baghdad.

CHỤP MÀN HÌNH THE NEW YORK TIMES

Song, Iran gần như lão luyện nhất trong việc khai thác khoảng trống quyền lực do việc lật đổ ông Hussein để lại. Iran đã thúc đẩy việc thành lập một lực lượng quân sự song song nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Iraq. Các lực lượng dân quân chủ yếu là người Shiite này có hàng chục ngàn chiến binh, trong đó có một số người trung thành với Tehran.

Không có việc làm

Ngày nay, Iraq đã khác xa so với đất nước mà người Mỹ nhìn thấy vào năm 2003.

Khoảng một nửa trong số gần 45 triệu người Iraq sinh ra sau năm 2000. Vì vậy, họ không phải trải qua cuộc sống dưới thời Tổng thống Hussein, người đã bị lực lượng Mỹ bắt giữ vào cuối năm 2003 và bị hành quyết sau một phiên tòa ở Iraq.

Nhận thức của những người Iraq trẻ tuổi được hình thành từ tình trạng bạo lực xảy ra sau cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo cùng với sự thất vọng rằng đất nước của họ vẫn chưa thể trở thành xã hội cởi mở hơn.

Nhìn lại Iraq 20 năm sau cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ - Ảnh 4.

Người Iraq mua sắm tại khu phố Karada sầm uất của thủ đô Baghdad vào tháng trước

CHỤP MÀN HÌNH THE NEW YORK TIMES

Dù vậy, ông Barham Salih, Tổng thống Iraq giai đoạn 2018-2022 và là thành viên lâu năm của phe đối lập Iraq, nói nếu đặt mọi thứ trong bối cảnh thì đã có rất nhiều diễn biến tích cực.

Trong số đó là mối quan hệ giữa Iraq với quân đội Mỹ. Lực lượng Mỹ đã trở lại vào năm 2014, lần này theo yêu cầu của chính phủ Iraq, và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến đánh bại IS. Khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ vẫn đang đóng quân tại Iraq.

Iraq ám ảnh với cuộc tìm kiếm người mất tích sau hàng chục năm xung đột

Với nhiều người Iraq, thật khó để đánh giá cao những diễn biến tích cực khi tình trạng thất nghiệp tràn lan. Theo Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế, hơn 1/3 thanh niên Iraq thất nghiệp. Iraq có rất ít việc làm trong lĩnh vực tư nhân. Điều này nghĩa là hầu hết mọi người muốn làm công chức. Tuy nhiên, không có đủ vị trí trống để đáp ứng nhu cầu dân số đang tăng nhanh của Iraq.

Bộ Kế hoạch Iraq cho biết khoảng 1/4 dân số nước này sống ở hoặc dưới mức nghèo khổ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với cả thanh niên và người già là tình trạng tham nhũng ngày càng ăn sâu của chính phủ. Tình trạng này bắt nguồn từ hệ thống phân bổ quyền lực mang tính bè phái và sắc tộc mà Mỹ đã buộc Iraq phải áp dụng sau khi ông Hussein bị lật đổ.

Nhiều người nhận định hệ thống chia sẻ quyền lực giữa người Shiite, người Sunni và người Kurd mà Mỹ đưa ra đã dập tắt các hy vọng về việc có một nền quản trị tốt. Khuôn khổ do Mỹ áp đặt đó đã trở thành cơ sở cho hệ thống chính phủ Iraq hiện tại, nơi các phe phái cạnh tranh giành quyền lực, tiền bạc và sự che chở.

Trong những năm qua, tham nhũng ở Iraq đã thể chế hóa đến mức không chỉ các vị trí của các bộ trưởng mới bị đảng phái ảnh hưởng. Các đảng cũng kiểm soát nhiều ghế và hợp đồng liên quan đến một bộ và sử dụng chúng để thưởng cho những người trung thành hoặc thu hút sự ủng hộ chính trị.

Người Iraq từng ném giày vào Tổng thống Mỹ Bush hiện giờ ra sao?

Theo The New York Times, đối với nhiều người Iraq, để có được một công việc trong chính phủ, họ phải quen người ở vị trí cấp cao trong một bộ hoặc đảng phái, chi tiền cho người trong đảng hoặc trong bộ mà họ muốn làm việc, hoặc cả hai. Các quan chức chống tham nhũng và nghị sĩ cho biết điều này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây và đã khiến nhiều công việc có "mức giá" trên trời.

Bất an và bất ổn

Ngay cả yêu cầu cơ bản nhất mà người dân đặt ra đối với chính phủ - đảm bảo an toàn cho họ - cũng không được đáp ứng ở mọi nơi trên đất nước Iraq mà phụ thuộc vào nơi họ đang sống.

Nhìn lại Iraq 20 năm sau cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ - Ảnh 5.

Lực lượng đặc nhiệm Iraq năm 2017 trong cuộc giao tranh với IS ở thành phố Mosul

CHỤP MÀN HÌNH THE NEW YORK TIMES

Ở Diyala, tỉnh rộng lớn và phần lớn là nông thôn ở phía đông bắc Baghdad, giao tranh phe phái vẫn tiếp diễn. Chỉ một tuần trước, 8 người đã thiệt mạng do giao tranh. Kể từ tháng 1, hơn 40 người đã chết trong các vụ giết người có liên quan đến giáo phái.

Theo các quan chức an ninh cấp cao của Iraq, mối đe dọa từ IS có thể đã lắng xuống nhưng không biến mất. Một phân tích của các chỉ huy quân đội Mỹ vào tháng 12.2022 cho thấy có "hơn 20.000 thủ lĩnh và chiến binh IS đang bị giam giữ tại ở Iraq". Mỹ cũng gọi đây là "đội quân IS đang bị giam giữ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.