Chỉ thấy cây mà không thấy rừng
Trong cuộc hội thảo khoa học quốc gia về dạy - học lịch sử ở trường phổ thông mới đây, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học, chỉ ra rằng lịch sử chống ngoại xâm không phải là toàn bộ lịch sử dân tộc. Trái lại, sự phát triển kinh tế, những thành tựu về văn hóa, xã hội… lại chính là cơ sở tồn tại và phát triển của đất nước, là sức mạnh vật chất và tinh thần để dân tộc VN vượt qua những thử thách hiểm nghèo, làm nên những chiến công thần kỳ trong sự nghiệp chống ngoại xâm.
|
Các bộ sử phong kiến trước đây thực chất chỉ là lịch sử của vương triều và chỉ tập trung vào các sự kiện chính trị, quân sự lớn của triều đình. Trong thời gian gần đây, một số công trình nghiên cứu lịch sử đã cố gắng đi sâu vào lịch sử làng xã, nông nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công nhân… nhưng dường như lại thiếu tầm khái quát, mới chỉ thấy cây mà không thấy rừng.
|
Đồng quan điểm, PGS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho rằng trong điều kiện cả dân tộc phải tập trung vào cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập thì lịch sử chống ngoại xâm cần được đề cao. Trong bối cảnh một nước thuộc địa thì lịch sử chống chủ nghĩa thực dân cần được nhấn mạnh. “Vẫn biết rằng cuộc đấu tranh chống ngoại xâm chiếm phần lớn thời gian trong lịch sử dân tộc và dường như không khi nào người VN không phải chăm lo sự nghiệp giữ nước, nhưng đó không phải là tất cả. Coi trọng chính trị, quân sự, nhưng không thể xem nhẹ kinh tế, văn hóa, đối ngoại”, PGS Hiển nói.
Thiếu hụt lịch sử văn hóa
GS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định sự thiếu hụt của lịch sử văn hóa trong sách sử hiện nay. Ông dẫn chứng nhiều công trình sử học của VN từ trước đến nay thường chỉ trình bày lịch sử dân tộc theo một dòng chảy chủ đạo là từ các nền văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Mậu - Gò Mun - Đông Sơn, dẫn đến sự ra đời của nước Văn Lang, u Lạc, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc đến Đại Việt, Đại Nam và VN mà không đề cập đến các dòng lịch sử Chăm Pa và Phù Nam ở phía nam. Mặc dù vẫn biết cách chép sử như vậy phần nào chịu tác động của hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt ở các thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, nhưng rõ ràng không tránh khỏi chủ quan, phiến diện; không phản ánh đúng tiến trình lịch sử đất nước, dẫn đến những quan niệm sai lệch rằng lãnh thổ phía nam là vùng đất mới được khai phá mà bỏ quên những di sản lịch sử, văn hóa hết sức quan trọng làm nên lịch sử dân tộc.
Trước thực trạng này, GS Vũ Dương Ninh, Hội Khoa học lịch sử VN, đề xuất: “Ở bậc THCS không nên ép nhiều kiến thức mang tính lý luận, khái quát hóa thành những quy luật… nội dung cơ bản của chương trình là lịch sử văn hóa VN. Ở chương trình dành cho học sinh lứa tuổi thiếu niên nên khai thác khía cạnh lịch sử từ góc độ lịch sử văn hóa, qua đó cung cấp kiến thức một cách hệ thống và in đậm nét nhận thức về quá trình phát triển và bảo vệ văn hóa dân tộc”.
Còn đồng nhất lịch sử với chính trị
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, lo ngại: “Có nhiều vấn đề, nhất là về phần lịch sử hiện đại, chưa được làm sáng tỏ, thảo luận đầy đủ. Tôi nghĩ ở đây có mối quan hệ giữa sử học và chính trị. Sử học và chính trị học là 2 khoa học khác nhau dù có mối quan hệ mật thiết. Vì vậy quan niệm đồng nhất sử học với chính trị, dùng sử học chỉ để minh họa chính trị là thu hẹp chức năng của sử học, làm mất tính độc lập và vai trò sáng tạo của sử học”. GS Lê cũng cho rằng, nhà sử học làm 2 trách nhiệm: ghi chép lại lịch sử một cách khách quan và trung thực đồng thời có nghĩa vụ công dân đối với đất nước.
“Nhà sử học đích thực trước hết phải khách quan nhưng trong quá trình nghiên cứu lịch sử, nhất là lúc công bố kết quả thì phải chú ý cả trách nhiệm công dân. Nghĩa là, có những sự thật nào đó, trong một bối cảnh nào đó chưa thể công bố được. Nhưng cái gì đã công bố thì phải đúng sự thật. Biết sự thật là như thế mà vẫn nói sai đi là không thể chấp nhận được đối với nhân cách nhà sử học”, GS Lê khẳng định.
Hình ảnh quần chúng còn mờ nhạt
PGS Vũ Quang Hiển nhấn mạnh: “Quần chúng là người làm ra lịch sử. Trong lịch sử VN hiện đại, có những bà mẹ một lần tiễn con đi không bao giờ gặp lại; những nông dân “một nắng hai sương” sẵn lòng dốc cả những hạt gạo cuối cùng cho chiến trường… Đó là những người làm ra lịch sử. Không thể phủ nhận sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng VN, nhưng hình ảnh những người làm ra lịch sử còn mờ nhạt trong SGK”.
GS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng quần chúng là chủ nhân chân chính và vĩ đại nhất của lịch sử đất nước. Đồng thời với việc chú ý vào những sự kiện chính trị lớn, sự thay đổi của vương triều, chế độ xã hội, lịch sử VN phải được trình bày là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, trong đó không thể thiếu phần đóng góp của những người dân ở những đơn vị cơ sở của xã hội. Còn GS Nguyễn Thị Côi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận thấy sách giáo khoa lịch sử VN còn quá thiếu vắng con người, nhân vật lịch sử tiêu biểu, tiến bộ và những đóng góp của họ.
Tuệ Nguyễn - Ngọc Hòa
>> Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phan Châu Trinh ?
>> Nhìn nhận lại môn lịch sử - Kỳ 4: Thiếu góc nhìn văn hóa và nhân học
>> Nhìn nhận lại môn lịch sử: Số liệu cần khách quan
>> Nhìn nhận lại môn lịch sử: Một nửa sự thật về nhà Hồ
Bình luận (0)