Nhìn sông nhớ phố

23/09/2019 07:00 GMT+7

Sài Gòn là mảnh đất kênh rạch chằng chịt, khó mà thống kê được có bao nhiêu đoạn kênh, rạch, lạch, xẻo, mương, cống với tên gọi đầy đủ…

Vi thực tế, chỉ là một con kênh chạy ra sông hay con sông đổ ra biển, cứ chảy qua địa bàn nào là lại có tên gọi khác nhau. Ví thử như đoạn thủy lộ chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt đổ ra sông Sài Gòn ở cửa Bến Nhà Rồng, đoạn đổ ra sông là rạch Bến Nghé, trước đấy là kênh Đôi rồi kênh Tàu Hủ, trước nữa gọi là rạch Ruột Ngựa rồi còn góp thêm nước từ kênh Lò Gốm và rạch Ụ Cây nữa ... Hay như Kênh Đôi sau khúc hòa dòng cùng kênh Tàu Hủ thì tách dòng riêng với cái tên Kênh Tẻ (đoạn cù lao Nguyễn Kiệu đầu cầu Nguyễn Văn Cừ) đổ ra cửa Tân Thuận. Mọi thứ chẳng theo quy luật nào mà chủ yếu là thuận miệng, gọi miết thành quen.

Sông Sài Gòn

Ảnh: Độc Lâp

Sài Gòn, mảnh đất mới khai khẩn hơn 300 năm, nghĩ rằng đâu có gì bí ẩn trong lịch sử ngắn ngủi như vậy, ấy thế mà như cái tên Chợ Rẫy, hẳn xưa là có cái chợ tên là Rẫy, nhưng đố sách sử nào chứng minh được cái chợ đó ở đâu, tồn tại khi nào, đến khi người Pháp xây nhà thương Chợ Lớn, mà dân không chịu cứ gọi là Chợ Rẫy, gọi riết thành tên, người Pháp cũng đành chịu. Hay chính xác Chợ Lớn (Grand Marche) có hay không, nằm ở đâu mà sau này không thấy ghi lại, chỉ có địa danh Chợ Lớn ngày nay là một khu vực hành chính chứ không đơn thuần là một cái chợ lớn nữa.
Năm 1879 Thống đốc Nam Kỳ đã công nhận thành phố Chợ Lớn (ville du Cholon) với quy mô ngang với Tourane (Đà Nẵng) và Phnompenh (Campuchia). Sau khi hợp nhất với thành phố Sài Gòn (biên giới hai thành phố là đường Nguyễn Văn Cừ- Nguyễn Thiện Thuật bây giờ) thành khu Sài Gòn- Chợ Lớn (1931) rồi Đô thành Sài Gòn (1956) rồi TP.HCM (1976), Chợ Lớn giờ chỉ còn là cái tên trong hoài niệm. Sài Gòn có lắm điều hay như thế, nghe thực tế mà thấy tựa giấc mơ vậy.

Người dân đi xe buýt sông tại TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Nếu hồn cốt của Sài Gòn xưa ở quận 1 hay quận 3, thì với Chợ Lớn xưa nằm cơ bản ở hai bên bờ kênh Tàu Hủ, địa giới giờ ở quận 5, quận 6 và quận 8. Các công trình văn hóa kiến trúc ảnh hưởng nhiều của người Minh Hương (người Hoa) trong sự giao thoa với người Việt. Chùa chiền không nhiều bằng các hội quán hay đền thờ Quan Đế, bảng hiệu viết chữ Hán, thoang thoảng mùi thơm khói nhang dọc các con phố nhỏ ngăn nắp sạch sẽ. Rất nhiều tên tiệm ăn có âm cuối là "ký" thể hiện gốc gác Minh Hương.
Dù có đi qua nhiều biến động thời gian, cung cách làm ăn thay đổi, cái mới ưu việt thay thế dần cái cũ lạc hậu nhưng văn hóa không dễ mất đi như thế. Vẫn còn nhiều thứ vương lại như những nhân chứng vượt thời gian. Tượng đài Phan Đình Phùng, chợ Bình Tây, bưu điện Chợ Lớn, cầu Chà Và, bến Bình Đông, đại lộ Hải Thượng Lãn Ông bán thuốc, nhà thờ Chợ Quán ... vẫn có nguyên đó. Và hơn hết là cái dáng phố, cái hình nhà, cái mùi vỉa hè, cái âm sắc nôn nao đèn lồng đỏ, chưa kể cái hấp dẫn thơm ngon dọc lối đi với nào mì vịt tiềm nào hoành thánh xá xíu nào hủ tiếu sa tế bò kho nào bánh canh phá lấu ... Tất cả hòa quyện lại với nhau cho ta thấy lại phần nào nét vàng son Chợ Lớn. Mà thực tế không thể nào tách biệt được vì dù đã cố nhiều cách, miền đất này trước sau vẫn là nơi quần tụ của các tộc người Hoa, đó đã là bản sắc của Chợ Lớn và tạo nên sự đa dạng văn hóa đặc biệt của Sài Gòn không giống ở bất cứ đâu.
Sài Gòn - Chợ Lớn như một cặp tính trạng, bổ khuyết cho nhau và vun đắp cho nhau vì sự hoàn thiện của một đô thành. Sài Gòn không thể hoàn thiện nếu không còn tinh thần Chợ Lớn.
Hãy nghe chia sẻ của một người phụ nữ sống ở mảnh đất này hơn bốn chục năm.
"Sài Gòn như một người đàn ông từng trải, phong cách hào hoa phong lưu nhưng tâm hồn chân tình và đa cảm, dù cuộc đời lúc sang trọng khi nghèo khó "lên xuống" bầm dập nhưng không làm mất đi lòng nghĩa hiệp và nhân ái. Từ mọi vùng miền đến làm ăn kiếm sống và không ít người trở nên giàu có, nhưng nếu ai đó trong số những người "lỡ dĩ" ở lại đây mà không đủ nghĩa tình để nhận ra Sài Gòn là một phần đời mình, chưa đủ yêu thương để thấy mình là một phần của Sài Gòn, chưa đủ mở lòng để thấy Sài Gòn như một quê hương ... thì cũng có sao đâu, Sài Gòn không lấy đó làm điều ...
Chỉ khi đã đi xa rồi, có người mới nhận ra rằng mình đã gửi lại thành phố một phần trái tim"(*).
(*) lời nhà văn Nguyễn Thị Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.