Thành phố tôi yêu: Miền đất bao dung

07/09/2019 09:14 GMT+7

Thầy là người xứ Quảng vào Sài Gòn lập nghiệp. Ở thành phố này, thầy đã đi qua gần sáu mươi năm cuộc đời, với một câu chuyện tình lỡ dở, chịu cảnh “gà trống nuôi con”... Hà cớ gì, thầy yêu thành phố này quá đỗi vậy?

Kết thúc môn Tiếng nói, thầy thông báo: “Nói gì cũng được, kể gì cũng được nhưng hông được nói xấu Sài Gòn của tui à nghen”. Cả lớp trố mắt nhìn nhau, rồi đồng thanh “Sao vậy thầy?”. Thầy nói: “Ở đây, dễ thương vầy mà còn hông chịu, thì ở đâu nữa”, rồi thầy giảng giải một lần nữa với chúng tôi, cái điều mà hầu như buổi lên lớp nào thầy cũng nói.
Thầy không khuyên chúng tôi sau khi tốt nghiệp phải ở lại thành phố hay về quê, thầy chỉ dặn “Nếu chưa tìm được nơi nào thì hãy thử bắt đầu ở đây”. Với thầy, nơi này là miền đất dễ sống, dễ kiếm tiền và hơn hết nó luôn bao dung.
Dù cả gia đình nội, ngoại của tôi đều gốc gác ở ngoại ô thành phố, đi vào trung tâm mất khoảng 45 phút hoặc hơn chút, nhưng tôi cũng không hiểu và cảm nhận được hết những lời thầy nói ở thời điểm đó, ngược lại tôi thắc mắc nhiều hơn. Thầy đâu phải là người gốc Sài Gòn, thầy là người xứ Quảng vào đây lập nghiệp. Và ở thành phố này, thầy đã đi qua gần sáu mươi năm cuộc đời, với một câu chuyện tình lỡ dở, chịu cảnh “gà trống nuôi con”... Vậy thì hà cớ gì, mà thầy yêu thành phố này quá đỗi vậy? Tôi hỏi thế, thầy cười khà khà rồi trả lời: “Mày ra đời đi làm, sẽ có lúc ngẫm lại, rồi thấy điều thầy nói là đúng con à”.
Nghe thầy dặn không được nói xấu nơi này, không được nói xấu thành phố bao dung của thầy vậy là cả đám túm tụm lại, kể lể cho hết những nỗi niềm trong lòng với thầy mới chịu. Chứ tự nhiên khi không lại cấm hông cho người ta nói xấu, thì cũng ấm ức trong lòng lắm, bởi không ít lần những đứa trong chúng tôi gặp chuyện không hay ở thành phố này mà.
Một đứa kể, vô đây đi ngoài đường bị giật ba lô, chứ ở ngoài quê nó hông có chuyện đó. Thầy nói: “Bây chắc là ở ngoài quê bây hông có chuyện giựt đồ không”, vậy là cả đám im bặt, không dám phát biểu thêm gì. Thầy dạy chúng tôi, đừng vì một hai chuyện không hay rồi đánh giá cái thành phố này tồi tệ. Ở đâu trên trái đất này, cũng có người tốt và người chưa tốt, chứ không riêng ở đây.
Ở thành phố này, đi một vòng là nghe đủ giọng nói các vùng miền, chưa kể mấy công ty nước ngoài, giờ cơm trưa là tây ta ngồi ăn cơm, tám chuyện hồn nhiền… “Hông tốt thì người ta đến đây làm gì, phải hông?”, thầy nói rồi lại cười khà khà.
Với lý lẽ và dẫn chứng của thầy, thì cái đám hay cãi chúng tôi cũng không tìm được lý do nào để phản biện. Nhưng sâu thẳm trong lòng mỗi đứa, có chút thuyết phục lẫn không, và một nỗi niềm gì đó với thành phố này đang trỗi dậy. Vì sắp tới đây, sẽ có những đứa xa cái thành phố gắn bó suốt 4 năm trời để về quê làm việc, dù yêu thương hay đáng ghét thì nơi này vẫn là một phần thanh xuân của chúng tôi.
Sau này, lang thang qua nhiều con đường, ngõ hẻm, những xóm trọ của thành phố, tôi mới hiểu hết lời thầy nói về sự bao dung của nơi này. Có lần tôi cần gấp một chỗ ngồi để viết tin, ghé đại vào một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi (đoạn quận 1), xong việc rồi ngước nhìn xung quanh tôi mới thấy ngạc nhiên. Thì ra quán cà phê tôi ghé vào dành cho những bạn LGBT, không gian quán lịch sự, mọi âm thanh đều vừa phải và không hề ồn ào. Bàn trước mặt tôi hai bạn nam vừa cà phê vừa nói chuyện đúng kiểu những đôi tình nhân đang hẹn hò, thi thoảng nhìn nhau cười tủm tỉm.
Hai bạn nữ vừa bước vào quán cũng thế, khoác tay rồi vuốt tóc nhau, thỉnh thoảng họ cười với nhau rồi tiếp tục những câu chuyện riêng. Bàn phía sau lưng tôi, cũng hai bạn nam và hình như có một anh bạn đang thấy ngại “Thôi kỳ quá, ở đây là quán cà phê đó, nắm tay hoài người ta cười”, một lời đáp lại khe khẽ “Hông có đâu, trên này mọi người lịch sự lắm, không có dè bỉu như ở quê mình đâu”… Hóa ra thành phố của thầy bao dung thật, luôn chấp nhận những điều khác biệt như một phần của cuộc sống, vậy thôi!
Có bữa ngang qua đường An Dương Vương, dừng lại trước mấy xe đẩy trái cây, theo mùa nào thì người ta bán trái đó, cũng dân tứ xứ tụ về buôn bán. Tôi mua dưa hấu và xoài, nhưng dưa ướp lạnh hết sạch, cô lật đật cắt thêm để bán. Hỏi chuyện buôn bán, cô nói: “Ở đây dễ sống lắm, cái xe trái cây này cũng đủ để tui lo cho thằng út vô đại học, nay nó năm tư rồi. Hồi ở quê thì cực lắm, còn sợ mùa màng thất bát”. Miếng dưa cô còn chưa kịp xẻ mà tự dưng tôi thấy lòng mình ngọt ngào, mát lạnh, mảnh đất này dễ thương, bao dung thật mà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.