Cụ bà bán bánh mì giỏi 2 thứ tiếng, 'sợ khách không no nên giá nào cũng bán'

Lưu Trân
Lưu Trân
25/08/2019 12:12 GMT+7

Gánh bánh mì bà Hai nổi tiếng bởi bà có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng, và đặc biệt là lòng tốt của bà luôn sợ khách ăn không đủ no, ai muốn mua bánh mì giá bao nhiêu bà cũng bán.

Nằm nép mình trên vỉa hè trước căn nhà số 49 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1 (TP.HCM) là gánh bánh mì nhỏ xíu của bà Hai. Bà năm nay 75 tuổi, không chồng, không con, suốt 26 năm qua bà vẫn cặm cụi bán bánh mì để mưu sinh.

Bà Hai bán bánh mì trên vỉa hè với khả năng giao tiếp tiếng Anh lẫn tiếng Pháp

Ảnh: Lưu Trân

Bà Hai kể: “Tôi ở Cần Thơ lên Sài Gòn lâu rồi, từ hồi còn trẻ. Lên đây đi làm đủ thứ việc để kiếm sống, cuối cùng thì về bán bánh mì. Tôi không lập gia đình, chỉ ở chung với anh chị em thôi. Già rồi ngồi 1 chỗ không chịu được, buôn bán cực nhưng lại vui, mà nhờ vậy mới có tiền sống ở Sài Gòn”.
Gánh bánh mì của bà Hai gần như chưa bao giờ có cảnh tượng tấp nập khách ra vào, có lẽ phần lớn do tuổi cao sức yếu nên thao tác của bà hơi chậm, phần vì chỉ một mình bà tự vận chuyển nguyên liệu từ nhà ra nơi bán nên số lượng đem đi không được nhiều. “Ngày bán tầm 30 – 35 ổ là tôi vui lắm rồi”, bà cười hiền nói.

Tuy đã lớn tuổi nhưng bà Hai không muốn nghỉ ngơi vì buôn bán là niềm vui cũng là cơ hội để bà được trò chuyện với nhiều người nước ngoài

Ảnh: Lưu Trân

Trên cái bàn nhỏ vừa đủ để cái bếp gas mini, hộp bơ, vỉ trứng… bà Hai bắt đầu làm bánh mì bán cho khách. Bánh mì của bà có thể ăn theo 2 cách, bỏ tất cả nhân vào trong bánh để tiện đem đi hoặc làm nóng nhân trên chảo như ăn bánh mì ốp la thông thường. Một ổ bánh mì đầy đủ có giá 20.000 đồng, bao gồm trứng, thịt, pate, nem, phomai, vài lát dưa leo, cà chua và ớt. Nhưng với những ai không đủ tiền hoặc muốn mua với giá thấp hơn bà cũng sẵn sàng bán.

Một ổ bánh mì với đầy đủ tất cả nhân ở đây có giá 20.000 đồng

Ảnh: Lưu Trân

“Đâu phải ai cũng có tiền đâu, nhiều người ăn một bữa 15.000 – 20.000 đồng mà còn phải đắn đo suy nghĩ mãi, tôi thấy tôi thương. Ngày xưa lúc mới lên đây kiếm việc làm, tôi cũng từng trải qua cái cảnh ăn không dám ăn, uống không dám uống, tôi hiểu chứ. Khách tới mua ủng hộ mình nghĩa là họ cũng thương mình rồi, tôi phải tùy theo nhu cầu của mỗi người mà bán. Người ta muốn ăn giá bao nhiêu cũng được, 5.000 đồng, 10.000 đồng hay thậm chí mua bánh mì không với nước tương tôi cũng quý, cũng vui vẻ làm ngay”, vừa nói và Hai vừa lật trứng trên chảo.
Ngoài sự thân thiện và món bánh mì trứng giản dị, thân thương, gánh bánh mì của Bà Hai còn có sức hút đặc biệt đối với nhiều du khách ngoại quốc. Cũng không quá khó hiểu khi bà vốn nổi tiếng là rất giỏi tiếng Anh và còn có thể giao tiếp được bằng cả tiếng Pháp.
Theo lời bà Hai, khu vực bà ngồi bán có rất nhiều khách Tây nên để việc buôn bán được thuận lợi hơn bà vẫn tìm hiểu để học thêm những từ vựng liên quan đến đồ ăn, thức uống… để trò chuyện cùng khách.

Khách muốn mua bánh với giá bao nhiêu bà Hai cũng sẵn sàng bán

Ảnh: Lưu Trân

Laura, một nữ du khách Anh nhận xét: “Tôi khá bất ngờ khi bà ấy có thể nói chuyện bằng ngôn ngữ của chúng tôi một cách tự nhiên và thoải mái đến vậy. Điều đó làm tôi vui và thấy đất nước, con người Việt Nam thật sự thú vị”.
Khi được hỏi học ngoại ngữ có khó không và làm cách nào để bà vẫn nhớ được sau mấy chục năm rời ghế nhà trường, bà Hai chia sẻ: “Ngày xưa tôi cũng ôm mộng đi nước ngoài một lần, được du lịch đó đây nên tôi thích học ngoại ngữ lắm. Trường dạy tiếng Anh và tiếng Pháp nên tôi học cả hai. Giờ mình không có điều kiện để đi thì ngồi ở đây trò chuyện cùng người nước ngoài cũng được. Họ kể cho mình nghe về nước họ, mình kể lại cho họ nghe về nước mình, nói riết nó thành quen”.

Mỗi ngày chỉ bán trên dưới 30 ổ bánh mì, nhưng bà Hai vẫn rất vui vì đã kiếm được tiền bằng chính sức lao động của mình.

Ảnh: Lưu Trân

Nói đoạn, bà Hai quay sang rót nước mời chúng tôi uống, bà bảo đó là nước bà nấu ở nhà rồi đem theo uống cho tiết kiệm. Nhìn nụ cười hiền của bà, tôi buột miệng hỏi: “Mỗi ngày bán được ít bánh mì như vậy có đủ sống không bà?”.
Bà Hai nhấp một ngụm nước rồi đáp: “Mình làm nhiều thì chi tiêu nhiều, làm ít chi tiêu ít, tiêu trong mức mình làm ra thì được chứ đừng làm 1 mà tiêu tới 10. Như vậy thì mãi mãi không bao giờ đủ sống, người biết đủ thì thường sẽ vui”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.