Nhớ bánh trôi, bánh chay tết hàn thực 3.3

26/03/2020 10:18 GMT+7

Bánh trôi, bánh chay tết hàn thực 3.3 những năm xưa có một vị khác lạ. Có lẽ những món ăn xưa cũ ngon, đậm vị hơn vì có thêm 'mùi ký ức'?

Hôm nay 26.3 (ngày tết hàn thực, mùng 3.3 âm lịch), nhiều người trẻ xa quê hương đang nhớ về ngày tết năm xưa, với những món ăn ngày cũ.
Những ngày tháng 3 năm ấy, khi Hà Nội tiết trời còn se lạnh, thoang thoảng trong gió mùi hương hoa bưởi thơm ngan ngát một chị hàng xén đẩy trên chiếc xe đạp thong thong, chúng tôi thức giấc thật sớm, chạy ra đầu ngõ đã thấy nhộn nhịp những người bán bột, người luộc bánh. Thật kỳ lạ, không phải nơi nào cũng ăn tết hàn thực ngày 3.3

Cô gái bán bánh trôi bánh chay ở khu chợ Nghĩa Tân, Hà Nội nhiều năm về trước

Ảnh Lê Nam - Nhật Trường

Ở Hà Nội, tết hàn thực 3.3 là một ngày nhộn nhịp từ trước đó vài ngày. Những chị bán trái cây, đồ ăn vặt ngày thường thì dịp đó cũng nhồi thêm ít bột nếp, sẵn sàng bán theo cân cho người mua về chỉ việc viên và nấu. Trong con ngõ nhỏ nơi chúng tôi ở trọ thời sinh viên, cứ cách vài căn nhà lại có một nồi bánh trôi bánh chay nghi ngút khói, đi từ xa đã thấy mùi thơm. Nếu bánh trôi thì cho thêm viên đường mía sắt hạt lựu. Bánh nổi lên mặt nước là vớt ra đĩa, rắc chút vừng, dừa, chờ nguội là phần đường chảy ra, ăn tan trong miệng. Nếu là bánh chay, nặn bánh to hơn, có nhân là đậu xanh hấp chín nghiền mịn, bỏ thêm ít cơm dừa bào sợi. Bánh chay ăn kèm với cả nước đường, gừng.
Bọn sinh viên vốn thường... đói khát, món gì ăn chẳng ngon. Những năm đầu, nghèo, mấy đứa còn tụ tập ở nhà trọ một đứa nào đó, mua bột về viên viên, nấu nấu. Mấy năm cuối, đỡ nghèo hơn, mua “mạnh dạn” được vài đĩa bánh trôi, cả mấy ly bánh chay ngồi ăn tám chuyện với nhau. Đó vẫn là hương vị những món ăn tuyệt ngon thời xưa cũ, bây giờ không thể nào tìm thấy.

Ông Thanh, chủ tiệm chè Mười Sáu múc bánh chay cho khách trong tết hàn thực 3.3.2015

Ảnh Lê Nam

Những năm trước, ngày tết hàn thực 3.3 luôn đông nghịt người xếp hàng

Ảnh Lê Nam - Nhật Trường

Sống ở Hà Nội, ít người không biết quán chè Mười Sáu, nằm ngay số 16 đường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng. Quán chuyên những món chè đặc trưng của miền Bắc, như đậu đen, đậu xanh, hạt sen. Dưới tán lá sấu xanh rì và những chiếc ghế nhựa đỏ rải đều trước hiên nhà, lúc nào cũng có nam thanh nữ tú ngồi bên nhau, ăn quà vặt và nói chuyện phố phường. Muốn ăn chè ở quán chè Mười Sáu vào ngày tết hàn thực 3.3 thì khó hơn. Những buổi sáng sớm từ mùng 2.3 hay mùng 3.3 âm lịch người ta đã xếp hàng dài để chờ tới lượt mua bánh trôi bánh chay về cúng.
Ông chủ tiệm, tôi nhớ tên là Thanh, liên tục xách những nồi bánh chay lớn vừa nấu chín mang ra để nhân viên bỏ vào bịch cho khách mang về. Lúc ấy, Hà Nội còn mờ sương, cái se lạnh đủ để người ta thấy hương gừng thơm trong mùi đường, toả trong gió nhẹ cái vị thật là thích thú. Việc chờ đợi, xếp hàng đứng cạnh nhau cũng chẳng khiến ai thấy khó chịu, người ta được thấy nụ cười của nhau, cả tiếng giục ý ới mấy đĩa mấy ly.

Tết hàn thực 3.3 của mùa Covid-19 khác hơn, nhưng cũng là cơ hội để mỗi gia đình sống chậm hơn

Hoàng Thanh Hoài

Tết hàn thực 3.3 năm nay, khi Covid-19 đang là nỗi phấp phỏng, sẽ chẳng còn đâu cảnh xếp hàng đông nghịt chờ đợi mua chè nữa. Quán xá bớt đông vui, người dân sống chậm, ở nhà tự quây quần làm bánh, nấu chè bên nhau. Âu đó cũng là một cách hay để thành viên trong gia đình kết nối với nhau nhiều hơn, người lớn dạy trẻ con làm bánh trôi bánh chay, kể trẻ nghe vì sao có tên tết hàn thực, cùng pha nước ép củ quả này vào bột để cho màu đẹp, khác biệt hẳn màu trắng của bánh đơn thuần...
Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Hàn Thực nghĩa là "thức ăn lạnh". Ngày tết này xuất hiện tại Trung Quốc, miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.