Tưởng chừng sẽ bị xóa sổ nhanh chóng trong cuộc xung đột với Nga, nhưng không quân Ukraine đến nay không chỉ sống sót mà còn chuyển mình thành lực lượng tấn công tầm xa giúp định hình thế trận.
Ở thời điểm xung đột bùng nổ vào tháng 2.2022, lực lượng không quân Ukraine sở hữu khoảng 125 máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô, gồm khoảng 50 chiếc MiG-29, 30 chiếc Su-25 cũng như vài chục máy bay Su-27 và Sukhoi -24.
Một số nhà quan sát khi đó cho rằng sức mạnh tên lửa và không quân Nga sẽ loại bỏ hoàn toàn các phi đoàn máy bay của Ukraine trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.
Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Theo Forbes, ngay sau khi được cơ quan tình báo của NATO thông báo về cuộc tấn công sắp xảy ra, quân đội Ukraine đã phân tán nhiều máy bay chiến đấu đến các sân bay nhỏ và đường băng chuyên dụng. Sau đó, không quân Ukraine áp dụng chiến thuật bay ở độ cao rất thấp để tránh tên lửa Nga.
Dù vậy, sau 18 tháng xung đột, không quân Ukraine đã mất hơn 69 máy bay, chủ yếu là vì các hệ thống phòng không mặt đất của Nga. Tuy nhiên, Kyiv vẫn nỗ lực duy trì lực lượng không quân bằng cách phục hồi máy bay cũ và được NATO cung cấp thêm 18 máy bay chiến đấu Su-25 và 27 chiếc MiG-29.
Quan trọng không kém, không quân Ukraine đã đưa vào sử dụng các loại đạn dược do phương Tây sản xuất với tầm bắn lớn hơn nhiều so với các loại đạn của Liên Xô trước đây.
Ví dụ, những chiếc Su-25 được trang bị tên lửa Zuni do Mỹ sản xuất có thế tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách 8 km. Những chiếc MiG-29 và Su-27 có thể bắn tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công hệ thống radar Nga từ khoảng cách gần 130 km.
Hơn nữa, tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP do Anh và Pháp cung cấp giúp máy bay Su-24 của Ukraine tấn công nhiều mục tiêu Nga ở khoảng cách lên đến 250 km.
Như vậy, trừ Su-25 , các máy bay của không quân Ukraine đều có khả năng tấn công từ ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không mặt đất của Nga. Việc chuyển sang tấn công tầm xa đã giúp Ukraine bảo toàn lực lượng tốt hơn.
Theo Forbes, năm 2022, Ukraine tổn thất hơn 60 chiến đấu cơ phản lực. Tuy nhiên, tổn thất trong năm 2023 tính đến nay chỉ bằng ⅕ so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, không quân nước này đã mất 4 chiếc MiG-29, 1 chiếc Su-24, 1 chiếc Su-25 và 1 chiếc Su-27.
Hơn thế nữa, nhiều khả năng Ukraine sẽ dần đưa các máy bay chiến đấu do NATO cung cấp vào hoạt động.
Hồi tháng 5 vừa qua, Anh và Hà Lan tuyên bố sẽ hợp tác để cùng đào tạo các phi công Ukraine lái máy bay Lockheed Martin F-16 của Mỹ.
Theo Forbes, sau khi khóa đào tạo phi công kết thúc, Hà Lan có khả năng sẽ tặng cho Ukraine một phần trong số 30 chiếc F-16 dùng trong thời gian huấn luyện.
Tuy F-16 không phải là máy bay mới, nhưng hoàn toàn tương thích với nhiều loại vũ khí hiện đại cũng như có khả năng phóng tên lửa diệt radar ở chế độ chính xác nhất.
Vì vậy, dù không phải là một loại vũ khí kỳ diệu nhưng F-16 sẽ giúp không quân Ukraine bắn được nhiều loại tên lửa tốt hơn, xa hơn và chính xác hơn so với thời điểm hiện tại.
Với sự chuyển mình của không quân Ukraine ở thời điểm hiện tại, tổn thất của lực lượng này có thể còn giảm hơn nữa, kể cả khi bước sang năm thứ 3 của cuộc xung đột.
Bình luận (0)