Tai nạn giao thông đường thủy trên... đường bộ
Nghe qua thì rất kỳ lạ nhưng đó là chuyện thật. Khi nước lũ dâng cao, người dân dùng đò nhỏ (ghe) chở khách. Những ngày đầu thì đồng giá 50.000 đồng một chặng nhưng những ngày sau, khi bị ngập sâu thì giá tăng lên theo... mặc cả. Cũng đúng thôi vì đoạn đường sẽ dài hơn.
Khi các con đò nhỏ vào các đường hẻm (kiệt), nay đã thành sông, vì có sự giành khách nên đò va vào nhau, cũng có trường hợp bị lật, tai nạn không có gì đáng nói nhưng tai nạn đường thủy trên đường bộ thì cũng là chuyện hy hữu.
Hôm đợt rồi Huế lụt, tôi đứng bên đường, vẫy một chiếc ghe đến nhà bạn ở phường Xuân Phú, người điều khiển trong phút lơ đãng để va vào gốc cây, loay hoay thế nào làm chiếc ghe bị lật. Nước trên đường chỉ ngang bụng thôi nhưng áo quần giày tất thì ướt sũng, đành phải quay về.
Lần đi tiếp theo thì rút kinh nghiệm, mặc quần ngắn, áo cộc tay, ôm theo một bịch áo quần gói kỹ trong bao ni lông, đến nơi mới mặc vào cho chắc!
Nhờ vào xe... bánh mì
Đợt mưa lũ vừa rồi, hầu hết các con phố du lịch ở trung tâm Huế đều bị ngập. Du khách đến Huế trước đó bị mắc lụt nên chỉ biết ngồi trên khách sạn mà nhìn nước lũ. Một vài người trẻ và vài người nước ngoài có vẻ như rất hào hứng... lội nước. Hàng quán đóng cửa, chỉ có vài điểm bán bánh mì. Xe bánh được đặt lên cao, người bán, người mua đều lội trong nước.
Khi mắc lụt với nhau, mọi người trở nên thân thiện vô cùng. Đứng trước cửa khách sạn, thấy ai đi ngang, kêu nhờ mua thứ này thứ khác, họ đều vui vẻ nhận lời.
|
Thèm tô bún Huế
Khi lội nước lũ và cả khi ngồi lâu ngày trong nhà, phải công nhận là rất thèm được ăn tô bún Huế. Cứ ngồi mà tưởng tượng tô bún có khoanh giò, mấy viên chả cua, thịt bò... và hương vị của nó bay lên thì không thể kiềm chế nổi.
Khi đợt lũ đầu vừa rút, đường đi lại được, cái quán bún cạnh hàng rào Trường ĐH Khoa học Huế phía đường Lý Thường Kiệt, người đông đúc, không có chỗ ngồi, nhiều người phải bưng tô bún đứng ăn nhưng rất chi là... thú vị.
Bún Huế không ăn vài hôm là thèm. Cũng như Huế vậy đó, ở thì bực mình vì nước lụt nhưng xa vài ngày lại nhớ.
Cứ không phải chỉ là giãn cách xã hội vì Covid-19 mới mong kết thúc để tung tăng, mà mỗi đợt lũ qua, người ta lại có cảm giác như chim sổ lồng. Chạy ra đường, đến quán bún, sau đó thì tụ tập cà phê. Mới hay, ngoài bún còn một thứ cũng rất nhớ, đó là bạn bè.
Thấp thỏm với lụt
Mỗi khi nước bắt đầu rút, công nhân vệ sinh môi trường phải ra đường ngay để dội bùn đất, dọn lá cây. Nước rút đến đâu phải xịt nước dội bùn ngay đến đó, nếu chậm, bùn sẽ khô lại rất khó.
Nhưng Huế là thế, đợt lụt này vừa đi thì đợt kia lại đến nên công nhân cứ thấp thỏm trông... trời.
Suốt mấy tháng mùa mưa họ phải đánh vật với bùn đất, lá cây. Vất vả vô cùng.
Người nơi khác đến Huế thì lo cho người Huế, nhưng với người Huế thì lại... bình thường.
Có vẻ như, không lụt mới... khác thường.
Gửi điện thoại đi sạc
Nếu vượt qua cầu Khò Rèn, theo đường Trần Phú đi lên thì có một Huế rất khác cả ngay trong mùa lụt.
Ở đó, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Chợ búa vẫn tấp nập, hàng quán đông đúc, điện vẫn sáng trưng và wifi vẫn đầy sóng để cho mọi người lướt mạng.
Vùng đất này cao, không bao giờ bị lụt.
Hôm lên nhà người bạn, thấy điện thoại, cục sạc... cắm la liệt. Hỏi ra mới hay là người dưới vùng lũ bị mất điện nên tập trung điện thoại bỏ vào cái túi nhờ người khác mang lên để sạc.
Một người nói đùa nhưng nghĩ cũng rất có lý, là mùa mưa lũ, Huế nên tổ chức grab... ghe và dịch vụ ship điện. Ship điện là một cách nói, thực ra đó là dịch vụ nhận mang điện thoại đi sạc.
|
Bình luận (0)