Ngày 29.12.1987, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 227/HĐBT về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp. Từ đây bắt đầu một thời kỳ nặng nề trong các cơ quan hành chính sự nghiệp với bài toán khó về nhân sự. Mặc dầu theo Quyết định số 227, việc sắp xếp chỉ đến hết quý 1 năm 1998 là kết thúc, nhưng mãi rất nhiều năm tháng sau này, hiện tượng sợ hãi với chủ trương tinh giản biên chế để từ đó phản ứng tiêu cực vẫn tồn tại.
Cánh cửa trước hết là đóng lại với sinh viên mới ra trường. Nhiều cơ quan, địa phương áp dụng chiến thuật “cố thủ”. Dạo đó những sinh viên mới ra trường như chúng tôi, ôm hồ sơ đi tìm việc, chưa vô khỏi cổng cơ quan là đã nghe trả lời “giảm biên chế rồi em ơi”. Đi đến đâu cũng chỉ nghe bàn tán chuyện giảm biên chế mà thôi. Làn sóng giảm biên chế như một bóng ma bao trùm lên toàn xã hội lúc đó.
Có nhiều tỉnh thành kiên quyết không nhận sinh viên của các địa phương khác, để dành chỉ tiêu cho con em của địa phương mình. Ở Bình Thuận tôi gặp một trường hợp thế này: Đoàn địa chất thủy văn 705 là cơ quan trung ương trú đóng trên địa bàn tỉnh, nhiều năm liền không thể tuyển được người vì bị Ban tổ chức chính quyền tỉnh ép nhận người trong tỉnh. Cơ quan này như tên gọi của nó, họ chỉ cần những người có chuyên môn về địa chất thủy văn, nhưng tỉnh Bình Thuận ép họ phải nhận sinh viên con em trong tỉnh tốt nghiệp chuyên ngành thủy lợi với lý luận là “thủy nào cũng là thủy”. Ông trưởng đoàn Địa chất thủy văn 705 ngao ngán: “Hai chuyên ngành khác nhau một trời một vực, chỉ vì giống nhau cái chữ thủy mà họ ép chúng tôi như vậy đó”.
Giảm biên chế nhân viên thực sự là một việc khó với lãnh đạo cơ quan. Giá như có một cuộc thi để loại các đấu thủ thì dễ hơn nhiều. Làm sao để cho rằng cô A làm việc kém hiệu quả hơn cô B mà giảm cô A? Nếu không thể cân đong đo đếm như một cuộc thi thì khó có thể ra một quyết định mà không vấp phải sự phản ứng của người bị giảm biên. Vì lẽ đó, nhiều vị lãnh đạo phải nát óc tìm “chiêu” để giảm biên chế. Một trong những tuyệt chiêu hồi đó thường được các vị lãnh đạo áp dụng là ai nghỉ hộ sản hoặc nghỉ bệnh lâu lâu một chút thì cho… nghỉ luôn. Quả là vô nhân đạo nhưng không thể làm khác được.
Vào lúc đó, ở các tỉnh Tây nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai - Kon Tum, tình trạng thiếu giáo viên là căn bệnh trầm kha, nhưng một người ngoài tỉnh dù tốt nghiệp đại học cũng khó có thể xin đi dạy “cấp một trường làng”. Lý do cũng vì áp dụng chiến thuật “co cụm” trong cơn bão giảm biên chế 1988.
Đợt giảm biên chế năm 1988 tuy rằng là một bài toán khó cho nhiều ngành nhiều địa phương lúc bấy giờ, nhưng nó phải tiến hành vì chúng ta phải chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Nó như là một đợt “lột xác” của nền kinh tế, để thay đổi về “chất”. Vì lúc đó chúng ta có một bộ máy cồng kềnh, yếu kém hình thành suốt trong thời kỳ bao cấp, khi chuyển sang thị trường cần phải “edit” lại.
Còn bây giờ, chúng ta đang vận hành một nền kinh tế bình thường, trơn tru, không có gì đột biến nên tôi không hiểu vì sao lại có một “cơn bão giảm biên chế” đến hàng chục vạn người như vậy? Nên chăng chúng ta chỉ xây dựng một cơ chế thế nào đó để việc chọn lọc đào thải xảy ra một cách tự nhiên đúng quy luật phát triển hơn là hình thành những đợt “thanh lý”?
Trần Đình Thu (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo, đạo diễn sống tại TP.HCM
>> Có thật là giảm biên chế?
>> Giảm biên chế để cân đối ngân sách
>> Cà Mau: Giảm biên chế gần 1.100 giáo viên
>> An Giang: Năm học tới sẽ giảm biên chế 550 công chức giáo dục
>> Cải cách hành chính cho dân nhờ
>> Đột phá cải cách hành chính từ khâu cán bộ
>> Cải cách hành chính để thu hút đầu tư
>> Cải cách hành chính để thu hút kiều bào đầu tư
Bình luận (0)