Một thành phố nhỏ, hiền hòa đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc đáng nhớ, giờ đây tôi cảm thấy tự hào và danh dự khi trở thành công dân của thành phố Sa Đéc.
Phong trào giải cứu nông sản lan tỏa mạnh mẽ ở Sa Đéc khi dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện |
Tự hào thành phố hoa của miền Tây
Tôi tự hào vì được sinh sống ở một nơi được mệnh danh là thành phố hoa của miền sông nước bởi Sa Đéc nổi tiếng là một vựa hoa lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hoa kiểng gần 700 hecta, có hơn 2.000 hộ dân làm nghề sản xuất và kinh doanh hoa kiểng. Chủng loại hoa nơi đây cũng khá đa dạng với hơn 2.500 loài hoa. Ngoài việc cung ứng cho cả nước thì làng hoa Sa Đéc còn là điểm đến thú vị với du khách trong lẫn ngoài nước và được mệnh danh là nơi của 4 mùa khoe sắc. Xen lẫn trong những ruộng hoa là những khu, điểm du lịch, những homestay được mọc lên ngày càng nhiều đã góp phần làm cho Sa Đéc thêm phần quyến rũ.
Thành phố Sa Đéc không chỉ nổi tiếng với làng hoa trăm tuổi mà còn được biết đến nhiều với làng bột trăm tuổi khá nổi tiếng có hơn 200 hộ sản xuất. Từ bột gạo Sa Đéc người ta đã chế biến ra hàng chục sản phẩm sau bột xuất khẩu hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 món ăn nổi tiếng khắp cả nước đó là hủ tiếu Sa Đéc và bánh phồng tôm Sa Giang. Ở thành phố cổ Sa Đéc còn có một điểm thu hút khác mà nhiều người khó bỏ qua khi đến nơi đây đó chính là không gian cổ kính của những ngôi nhà cổ hàng trăm năm. Đặc biệt, Sa Đéc là địa phương đang sở hữu hai di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Điểm đặc biệt nữa là một thành phố nhỏ như thế nhưng Sa Đéc có đến hơn 50 ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau đã tạo nên một không gian của văn hóa tâm linh đặc sắc.
Vùng đất chan chứa tình người
Còn nhớ vào năm 2020, khi Việt Nam xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên thì việc đi lại, giao thương hàng hóa giữa các địa phương đã có phần hạn chế, cũng từ đó mà nông sản của Việt Nam bị ùn ứ, trong đó mặt hàng thanh long, khoai lang là những nông sản thế mạnh của địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong lúc khó khăn ấy, phong trào giải cứu nông sản được lan tỏa mạnh mẽ, ở Sa Đéc lần đầu xuất hiện “bánh mì thanh long” rồi những quầy, những điểm bán khoai lang giải cứu được mọc lên liên tục. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, những ngành nghề không thiết yếu bị yêu cầu tạm dừng, người bán vé số phải thất nghiệp, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lúc đó ở Sa Đéc lại xuất hiện những chiếc máy ATM gạo nghĩa tình. Có chiếc máy ATM hoạt động xuyên suốt 2 năm trời không ngưng nghỉ để hỗ trợ bà con.
Các tình nguyện viên đi phân phát nhu yếu phẩm đến từng nhà người dân trong mùa dịch |
tgcc |
Một dấu mốc lịch sử mà tất cả người dân Sa Đéc chắc có lẽ không bao giờ quên đó chính là ngày 24.6.2021, ngày thành phố Sa Đéc ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, đây cũng là ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vào thời điểm này. Từ ca bệnh này mà liên tiếp sau đó phát hiện ra hàng loạt ca mắc khác trên địa bàn thành phố Sa Đéc cũng như tỉnh Đồng Tháp.
Sau ngày Bệnh viện đa khoa Sa Đéc bị phong tỏa thì những ngày sau đó thành phố Sa Đéc cũng thực hiện các lệnh giới nghiêm “ai ở đâu ở yên đấy”, phong tỏa cả thành phố để chống dịch. Những ngày phố thị nhộn nhịp được thay thế bằng không gian trầm lắng, phố thị không một bóng người. Khi đó, với mọi người việc đi lại vô cùng khó khăn, việc mua sắm đồ ăn thức uống vô cùng vất vả. Trong lúc khó khăn đó, tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo của đồng bào ta đã được phát huy cao độ. Thời điểm đó, ở Sa Đéc đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh đẹp. Ngoài đường phố, bất chấp mưa gió, bão bùng, hàng trăm thanh niên tình nguyện, chiến sĩ công an vẫn dầm mưa dãi nắng để bám chốt trực nhằm kiểm soát không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, những bếp ăn từ thiện đã liên tục được mọc lên, mỗi ngày có hàng ngàn suất cơm miễn phí được mang đến trao cho các y bác sĩ, các lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu cách ly, các khu vực phong tỏa.
Bất kể ngày đêm, lực lượng tình nguyện viên vẫn luôn có mặt ở các khu phong tỏa |
tgcc |
Rồi ở đâu đó trên các tuyến đường lại liên tục mọc lên các điểm phát rau củ miễn phí, phát khẩu trang miễn phí, mì gói, trứng… với dòng chữ giản đơn và thấm đượm tình người “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”. Tùy vào khả năng của mỗi người mà có cách thể hiện tấm lòng khác nhau. Có chủ quán cơm, chủ nhà hàng bỏ công, bỏ tiền vận động chi phí nấu cơm ròng rã suốt mấy tháng trời để cung cấp miễn phí, rồi có những chủ vựa hoa kiểng tự lấy xe nhà đi hàng trăm km để thu mua chở rau củ về phát miễn phí cho bà con, rồi có người hằng ngày nấu hàng trăm chai nước chanh-sả- gừng mang đến cho lực lượng trực chốt, những người làm nhiệm vụ uống để tăng sức đề kháng, có thêm sức khỏe làm nhiệm vụ. Hay hình ảnh cụ ông 60 tuổi đi nhặt khẩu trang trên đường mang đi tiêu hủy để hạn chế dịch bệnh lây lan… tất cả đã vẽ nên bức tranh xúc động về tình người ở Sa Đéc trong cơn đại dịch.
Trong số những người thân quen tôi biết, có những y bác sĩ, khi dịch bệnh bùng phát, họ đã để lại cha mẹ già, con cái cho người thân chăm sóc rồi cuốn gói vô ở hẳn trong bệnh viện suốt mấy tháng trời không được gặp mặt nhau. Đôi lúc nghe tin con cái, người thân ở nhà đau ốm mà chẳng thể về thăm, họ cố gạt đi nước mắt vì lúc này tất cả đều cùng chung một nhiệm vụ “cứu người” và trong số đó đã có nhiều y, bác sĩ đã phải nhiễm bệnh trong quá trình tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân.
Ở thành phố Sa Đéc thời điểm đó còn có một biệt đội lái xe cứu thương chở bệnh nhân Covid-19 đó là anh Việt, anh Giang, anh Điền, anh Vẹn… Họ là những người tình nguyện viên, làm việc không công, cao cả hơn có người còn tự bỏ tiền túi ra hùn lại mua xe rồi đi làm công việc thiện nguyện. Bất chấp thời tiết, ngày hay đêm, có người mỗi ngày phải chạy đến 17 lượt từ Sa Đéc đi Cao Lãnh rồi ngược lại.
Dịch bệnh Covid-19 những ngày đầu mới xuất hiện, nước ta chưa có vắc-xin tiêm ngừa nên việc đi vào vùng dịch, tiếp cận người bệnh cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với những hiểm nguy nhưng thời điểm đó chúng tôi vẫn thấy khắp nơi nơi ở Sa Đéc vẫn có hàng trăm, hàng ngàn con người tình nguyện, xung phong vào tâm dịch với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh… và trong số đó cũng có người đã hy sinh! Xin cảm ơn tất cả những tấm lòng của những người con Sa Đéc.
Gần một năm chống dịch đi qua, giờ đây, trên khắp các con đường ở thành phố Sa Đéc không khí nhộn nhịp, rộn rã của phố thị trở lại; du khách từ khắp các nơi đã đến với thành phố hoa Sa Đéc, nhìn về quá khứ để thêm trân quý những tấm lòng và thêm trân quý về một vùng quê ta đang sinh sống, nơi đó không chỉ là một vùng đất đẹp mà còn là vùng đất hiền hòa, hào sảng, thân thiện, nghĩa tình mang tên Sa Đéc.
Bình luận (0)