Đến nhà tác giả Thi sĩ máy
Nhà thơ Trương Thiếu Huyền đưa tôi đến nhà thăm tác giả
Thi sĩ máy cách đây không lâu. Vượt qua đỉnh dốc thì vào nhà riêng của thi nhân Ngô Như Mai. Ông càng vui hơn khi có bạn văn chương đến chơi nhà. Những chuyện xưa cũ bao năm đã gói lại vào một vùng ký ức xa xăm, bây giờ
sức khỏe là quý nhất với một người đang vào tuổi gần bách niên như ông. Ông kể, tối đến, 9 hay 10 giờ thì đi ngủ. 5 hay 6 giờ sáng dậy, rồi đi bộ trên dốc Nhà Thờ. Hằng ngày vẫn xem tivi, đọc báo theo dõi tin tức. Còn thời gian, ông lại đọc truyện cười, truyện ngụ ngôn.
"An nhiên tự tại" có lẽ là liều thuốc tinh thần để ông luôn giữ được một tâm hồn tươi trẻ khi gánh trên lưng mình gần một thế kỷ thời gian với vài bận được cuộc đời “quăng lên quật xuống”.
Hơn 60 năm về trước, Ngô Như Mai từng tiên đoán có "thi sĩ máy" thì bây giờ những thi sĩ máy đang hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày hằng giờ. Tôi mê mải ngắm “nhà tiên tri” Ngô Như Mai và nhà thơ Trương Thiếu Huyền đang cùng nhau lướt mạng để xem tin tức, xem cả bộ phim tài liệu Tôi là ai - xây dựng chân dung thi nhân Ngô Như Mai. Không biết ông đang nghĩ gì, còn tôi lại nghĩ đến những người có tầm nhìn vượt thời gian của thế hệ ông. Họ đã thấy quá sớm. Và họ chịu nhiều thiệt thòi vì tầm nhìn vượt thời gian của mình.
Tác giả Thi sĩ máy và nhà thơ Trương Thiếu Huyền cùng nhau lướt mạng
|
Truyện vui Thi sĩ máy đăng báo gây khó cho tác giả
Báo Nhân văn, số 5, ra ngày 20.11.1956, đăng truyện vui có nhan đề Thi sĩ máy, tác giả ký tên Châm Văn Biếm.
Nội dung tóm tắt như sau: Đầu năm 2000… Các báo chí xuất bản đều sổi nổi đăng tin tức quan trọng về máy “viết văn” dưới những đầu đề “giật gân” lớn… Hơn một năm sau, hàng loạt văn sĩ máy, thi sĩ máy, kịch sĩ máy được tung ra thị trường. Một số cán bộ phụ trách về văn chương sính máy móc thi nhau mua về sử dụng. Còn văn nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt thì bị gạt ra ngoài: Nữ sĩ Trong Trắng ném bút làm nghề đỡ đẻ. Thi sĩ Mây Nước ra Bờ Hồ làm nghề bói Kiều, tán dóc về thành phần giai cấp cho những người còn đầu óc mê tín dị đoan. Văn sĩ Đắng Văn Cay phải ra chợ trời làm nghề bán văn kiêm bán săm.
Một bộ phận văn nghệ sĩ tơi bời rối loạn. Ai cũng thù ghét lũ người máy mới ra đời kia, nhưng ai cũng chịu thua. Vì cứ công bằng mà nói thì “máy móc” quả là kịp
thời sự, thông kinh sử, lại đúng khuôn phép, “tốt ăn tốt ở” hơn người thực ở cõi đời này.
Tờ Công thức trong bài xã luận Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sĩ máy! đã giới thiệu như sau: “Nhờ áp dụng những khả năng mới nhất của khoa học điện tử, máy “viết văn” đã thỏa mãn được nhu cầu văn nghệ ngày một tăng của loài người. Những tác phẩm của nó, vừa kịp thời vừa minh họa đúng chính sách, sẽ giải quyết được mọi khẩu hiệu phức tạp của cuộc sống. Mỗi giây đồng hồ máy đó có thể sản xuất được từ 7.000 đến 8.000 dòng văn thơ. Nếu dùng sức óc và tâm hồn người thì phải hàng ngàn văn nghệ sĩ với một trình độ sách vở rất cao, cặm cụi hàng trăm năm mới làm nổi… Do tính chất “nhân văn” của máy nên ta tạo cho nó cái vỏ bọc ngoài, hình dáng một anh chàng trẻ, khoẻ, đẹp, chỉ khác người “thật” là đứng nguyên một chỗ, không nói, cười, chạy nhảy, nhất là không yêu đương lãng mạn lôi thôi…”.
Với truyện ngắn vui giả tưởng
Thi sĩ máy này, không lâu sau đó, tác giả gặp biết bao rắc rối. Bút danh Châm Văn Biếm được xác định rõ nhân thân là Ngô Huy Bỉnh, công tác tại Sở Báo
chí Trung ương, còn có bút danh khác là Ngô Như Mai. Không chỉ riêng ông gặp rắc rối, mà một người khác có tên giống vậy cũng liên lụy, đó là Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Trung ương Hoàng Như Mai (sau này là GS.NGND Hoàng Như Mai).
Sau truyện vui Thi sĩ máy trên báo Nhân văn, từ năm 1958, Ngô Như Mai được điều về Quảng Ninh – hồi đó còn tên gọi Quảng Yên làm báo Vùng mỏ (sau là báo Quảng Ninh).
Sinh hoạt văn nghệ ở vùng mỏ, Ngô Như Mai lần lượt tham gia tờ nhật báo Quảng Ninh – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh rồi Tuần báo Hạ Long – tiếng nói của văn nghệ sĩ Quảng Ninh. Ông kinh qua đủ vị trí từ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, thư ký tòa soạn, thậm chí có lúc còn được giao sửa mo-rát, chữa bản bông nhà in… Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành.
Nhà báo Vũ Điều, nguyên Trưởng ban Kinh tế báo Quảng Ninh, kể rằng, biết hoàn cảnh riêng của nhà thơ Như Mai có những gập ghềnh nên đồng nghiệp vùng mỏ hết sức bao bọc, sẻ chia. Nhưng trong thơ, ông như khách lữ hành cô độc: “Tôi đảo đá... trầm tư góc bể/ Đứng thương vay ai kẻ mất chân trời/ Đứng nghe nhìn sóng réo mây trôi/ Bạc mắt/ bạc đầu/ nỗi đau nhân thế”. Văn nghiệp của ông gói ghém một đời trong tập thơ mỏng duy nhất mang tên Ngẫu hứng cũng do Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh xuất bản.
Ngô Như Mai, tác giả Thi sĩ máy, tên thật là Ngô Huy Bỉnh. Chữ Bỉnh tên ông được giải thích là viên ngọc. Ông sinh năm 1924, tuổi Giáp Tý, tại Hải Phòng, còn quê ông ở Hưng Yên, sinh trưởng và học tập tại Hà Nội. Nhà thơ Như Mai, tạ thế lúc 0 giờ 15 phút rạng sáng ngày 29.2.2020, tại nhà riêng, hưởng thọ 97 tuổi.
|
Bình luận (0)