Vườn nhà ông bà ở Đội Cung, đủ đầy từ cây khế, cây dừa, các loại rau dền, mồng tơi, rau muống tới quả ớt… Mùa nào thức nấy, một tay ông chăm bẵm vun trồng, con cháu chỉ việc cắp rổ qua xin về ăn và yên tâm về rau sạch.
Nhà một ông chú khác, cũng ở phường Đội Cung, vườn trồng mướp, bầu, bí, dâu… Hầu như hai khu vườn, cách nhau cả cây số nhưng không giống nhau loại rau nào. Và trong đầu đám cháu chắt chuyên đi xin rau, cứ nghĩ tới cải cúc, khoai lang, khế ngọt… sẽ qua nhà ông Thủy, nghĩ tới khế chua, bí, mướp… sẽ lại nhà ông Đính.
tin liên quan
Đâm đơn kiện hàng xóm vì nấu món cayChuyện thật như đùa vừa xảy ra ở khu Wandsworth, thủ đô London, Anh khi một người phụ nữ đã có hành động pháp lý nhằm ngăn chặn việc nhà hàng xóm thường xuyên nấu đồ ăn cay.
Tôi có kỷ niệm nhớ đời với giàn mướp nhà ông chú. Khi mướp trĩu quả, ông đi làm, rẽ ngang nhà, gọi cháu đến hái về ăn. Tôi hí hửng tới nhà ông, mắt to hơn bụng, chọn ngay quả mướp to nhất giàn để hái.
Đó là quả mướp già xác xơ ông để làm giống cho mùa sau. Quả mướp ấy hái về dĩ nhiên mẹ chẳng thể nấu canh vì toàn xơ. Đó là bài học nhỏ. Bài học lớn hơn là khi ông đi làm về, ra thăm vườn thì thấy đứa cháu ngốc xít ham ăn đã nẫng mất quả mướp giống liền bực mình chặt ngang gốc mướp.
Lúc ấy tôi chỉ nghe kể lại cũng đủ sợ khiếp vía, không dám tới nhà ông mấy tuần liền. Ông không nói, không trách gì cháu, hành động dứt khoát của ông cũng đủ để cháu có bài học nhớ đời về việc phải biết suy nghĩ, ý tứ trước khi làm điều gì, “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Thích nhất là mỗi lúc mẹ sai qua nhà ông xin khế chua về nấu canh riêu cá chép. Chỉ dăm quả khế, một nắm hành, thì là và hai quả cà chua là đủ một nồi canh chua cá nhưng bao giờ tôi cũng dành ra cả buổi để làm công việc nhỏ ấy.
Phần lớn thời gian là tôi sẽ ngồi trên chạc ba cây khế, đưa mắt nhìn ra mảnh ao con con sau nhà ông, nơi đám lục bình nở hoa tím rất đẹp. Thi thoảng bất thình lình chú chép chú trê quẫy đuôi vỗ nước nghe mát rượi.
Trên cây khế rộn ràng tiếng chim chích, chim sâu líu ríu rất vui. Có khi tôi còn mường tượng ra mình đang được dự một bữa tiệc của đám chim nhỏ, thử mường tượng lũ chim đang chuyền cành kia trò chuyện lời qua tiếng lại điều gì. Thế giới ấy luôn là điều bí mật thú vị với bất cứ cô nhóc nhiều chuyện nào.
Có khi, tôi còn bắt gặp tổ chim non trên cây khế. Chúng tha đâu đó về những sợi rơm, sợi cỏ và cành cây nho nhỏ kết thành một chiếc tổ con con cực dễ thương giấu trong vòm khế. Lũ chim lớn chim bé dạn tới mức, chúng coi cô nhỏ trèo trên chạc ba cây kia là một vị khách lạ, ngó nghiêng nhìn một chút rồi líu lo quay lại ngay với bài ca còn dang dở của mình. Chúng không bao giờ phải vỗ cánh bay đi khi từ bao giờ đó đã nghiễm nhiên coi cây khế ấy là nhà của chúng.
*
“Cắp rổ qua xin rau” là cách nói quen miệng. Quen tới mức chẳng ai thấy ngại ngùng mà chỉ thấy vui vẻ vì điều ấy. Người đi xin thấy vui, người trồng rau có người khách đến xin cũng vui nốt. Đó là câu chuyện nhỏ mà chồng tôi, rể xứ Nghệ nghe vẫn thấy rất lạ.
Ngày tôi còn bé xíu, ở nhà tập thể Trung Đô, nhiều nhà vẫn tận dụng những mảnh đất trống trồng rau bên con mương dẫn nước từ sông Lam vào. Mẹ cũng trồng một mảnh rau muống, vài vồng rau khoai ở đó. Cách hai ngày hai mẹ con lại xách xô, chậu ra hắt nước từ mương lên tưới rau. Bước vài bước là dậu mồng tơi nhà cô Hoa, vườn rau dền nhà cô Nguyệt. Không hiểu vì ly do gì, không nhà nào trồng đầy đủ các loại rau, chỉ trồng một hai loại. Ăn mãi một, hai loại rau đương nhiên là ngán.
Khi muốn ăn canh rau vặt, mấy đứa trẻ con lại cắp theo cái rổ, đội nón lụp xụp như cây nấm, chạy qua nhà hàng xóm xin rau. Lũ trẻ con đi xin nhưng nhất định phải cầu kỳ đủ mớ rau có màu đỏ của dền, xanh non mồng tơi, xanh thẫm rau khoai, lại thêm vài cành rau hao nhỏ rí ri thơm lừng cả rổ. Có khi đi qua ba, bốn nhà mới đủ mớ rau cho một nồi canh.
Có khi đang hái rau, cô Hoa hỏi, nhà cô có tép khô quê mới gửi vào, cháu đem về nấu canh cho ngọt nhé? Tay cô thoăn thoắt dúm tép vào bao ni lông nho nhỏ, vừa đủ dăm bữa nấu canh, dúi vào rổ rau rồi quay đi làm việc khác, chỉ kịp gật đầu khi tôi cảm ơn. Khi rảnh việc, cô còn hái hộ tôi vì tôi thấp bé, vừa hái vừa nhón trông thấy thương: “Để cô hái rau trên cao nhiều lá non hơn. Phía dưới hái nhiều, hết lá non rồi”.
Chợ Vinh có vài hàng rau vặt. Một trong những hàng rau vặt ấy của bác Hợi, một người chung khu tập thể ngày xưa với tôi. Mỗi lần tôi ra chợ, ngang hàng rau của bác lại phải… tìm cách né tránh. Bởi kiểu gì, nếu phát hiện ra tôi bác lại vẫy lại bắt cầm một mớ rau vặt về và dứt khoát không chịu lấy tiền. Thấy tôi ngại ngần, bác cười: “Con bé này, ngày xưa mày cắp rổ sang nhà bác xin rau mãi, có ngại đâu. Bác vẫn thích mày vô tư như hồi đó”.
Tôi vẫn nhớ khu tâp thể vì những bài học sẻ chia, những ân tình bé nhỏ như thế, dù khu tập thể ấy đã xa thật là xa, dấu vết còn lại chỉ là những con đường ngang dọc. Cả con mương ngày xưa và những vườn rau nho nhỏ cũng đã mọc nhà mọc cửa cao tầng san sát nhau. Tôi vẫn giữ thói quen mỗi lần về Vinh lại ghé khu nhà tập thể cũ, bên núi Quyết dòng Lam, đi dọc ngang những con đường có khi chỉ để nhớ những khu vườn nhỏ có những đứa trẻ lùn tè như cây nấm cắp rổ đi xin rau những ngày hè.
Bình luận (0)