Nhớ về ông ngoại

19/02/2021 16:43 GMT+7

Vài ngày trước khi mất, ông ngoại còn hứa, năm nay sẽ dạy tôi cách gọt củ hoa thủy tiên chơi tết...

Thú chơi của ông

Khi những cơn gió đầu mùa mang theo hơi lạnh của mùa đông len lỏi khắp các ngõ phố của Hà Nội, tôi lại nhớ về ông ngoại. Ông tôi mất cách đây đã gần 40 năm, cũng vào dịp đầu đông như vậy. Vài ngày trước khi mất, ông còn hứa, năm nay sẽ dạy tôi cách gọt củ hoa thủy tiên chơi tết...
Ngày ấy, cứ gần tết Nguyên đán chừng hơn 1 tháng, ông lại nhờ người mua củ thủy tiên tận bên nước ngoài. Trong con mắt bé thơ của tôi thì củ tên thủy tiên mà ông quý như vàng ấy chẳng khác gì củ hành tây. Vậy mà ông nâng niu trên tay, nhẹ nhàng gỡ lớp đất ở đáy củ, bóc các bẹ khô và ngâm nước cho đến khi củ căng mọng. Rồi ông ngồi hàng giờ với con dao lòng máng tỉ mẩn lúc cắt, lúc gọt, lúc moi.
Có lần, khi ngồi cạnh xem ông gọt, tôi vô tình huých vào khuỷu tay ông. Thế là ông quát, khiến tôi tủi thân khóc òa. Để dỗ dành, ông kể đền tôi truyền thuyết về loài hoa này của cả phương Tây lẫn phương Đông. Phải chăng truyền thuyết của phương Tây quá thú vị nên đến giờ tôi vẫn không quên bi kịch của chàng Narcisse trong thần thoại Hy Lạp với vẻ đẹp kiêu hãnh đến ám ảnh đó?
Ông tôi gọt rất khéo, lần thì tạo hình thuyền buồm, lúc lại tạo hình thiên nga. Gọt xong, ông dùng panh, kéo làm sạch các mảnh vụn giắt trong các khe bẹ củ, sửa lại các vết cắt cho thật ngọt. Thủy tiên ưa sạch nên ông thường dùng nước mưa hứng từ mùa hè để dưỡng hàng ngày. Ông còn kén những bát thủy tinh, cũng đặt mua tận nước ngoài để bày những củ thủy tiên đã tỉa gọt và chăm sóc cầu kỳ ấy.

Tôi thường đi chợ tết Hà Nội...

Ảnh Lưu Quang Phổ

Đĩa bạc chén vàng

Ông tôi có nhiều bí quyết chăm sóc thủy tiên lắm. Ông gọt củ vào khoảng mùng 5 tháng Chạp để hoa nở vào đúng dịp tết. Ông bảo, hoa thủy tiên nở nhanh hay chóng là do thời tiết. Trời nóng ẩm thì nhanh nở hoa, trời lạnh thì chậm. Nếu muốn hoa nở nhanh thì thay nước sạch ấm, ban ngày phơi ra ngoài nắng trực tiếp, đêm đưa vào trong nhà thắp đèn chiếu sáng. Muốn hoa nở muộn thì phải thay nước lạnh, ban ngày để trong nhà, chỗ râm mát, ban đêm mới đưa ra ngoài trời.
Ông còn có một bí quyết đặc biệt, đó là ép hoa thủy tiên nở đúng phút giao thừa. Khoảng 28, 29 tháng Chạp, khi những đóa hoa đầu tiên sắp nở, ông lấy lòng trứng trắng bôi một lớp mỏng lên đầu những nụ hoa. Vào đêm giao thừa, khi những quả pháo đầu tiên nổ trước hiên nhà, hình như dưới sức ép của tiếng pháo, lòng trứng trắng bắt đầu nứt ra. Đến quả pháo cuối cùng là pháo cối, với sức công phá lớn nhất cũng là lúc lớp lòng trắng trứng bị vỡ hoàn toàn và những bông hoa nở bung. Hương hoa từ từ tỏa ra quyện với mùi hương trầm nơi ban thờ trong cái se lạnh đặc trưng của tiết xuân Hà Nội tạo nên một không khí thật tĩnh lặng, huyền bí và ấm áp.
Ông tôi thích chơi hoa thủy tiên vì đây là loài hoa có thể chơi được từ hoa, lá, thân, củ và đến cả bộ rễ. Vả lại, hoa còn là biểu tượng cho sự may mắn và trường thọ. Nhưng ông chỉ chơi hoa thủy tiên đơn, bảo rằng như vậy mới đúng là “đĩa bạc, chén vàng”. Mà càng ngẫm càng thấy đúng, sáu cánh hoa trắng muốt xòe ra như chiếc đĩa bạc đỡ lấy chiếc nhụy, dáng khum khum như chiếc chén bằng vàng. Ông không thích hoa kép, bởi nhiều cánh quá, lại không có chiếc nhụy vàng rõ rệt như hoa đơn.
Năm ông mất cũng là năm đầu tiên từ khi được sinh ra tôi không thấy trên ban thờ có bình thủy tiên cúng tổ tiên. Thời kỳ bao cấp, lại càng chẳng thấy loài hoa này xuất hiện trong nhà mỗi độ xuân về. Lớn lên, đi học, đi làm, ký ức về những ngày quanh quẩn bên ông xem gọt, tỉa, chăm sóc thủy tiên cùng dần phai mờ.
Cách đây độ hơn chục năm, khi đi qua chợ Bưởi để tìm bó lay ơn trưng tết, tôi bỗng bắt gặp đâu đó, mùi hương thoang thoảng, lạ mà rất quen. Tôi bất giác nhìn quanh và thấy ngay cạnh mình một dãy bình hoa thủy tiên. Quá khứ ùa về, tôi quyết định mua một bình 5 giò hoa, bày lên ban thờ.
Kể từ năm ấy, năm nào tôi cũng ghé qua chợ Bưởi, mua vài củ thủy tiên rồi tập tành gọt tỉa, chăm sóc. Bắt đầu khi đã đi qua quá nửa đời người, những bình hoa của tôi chưa bao giờ nở đúng ngày tôi muốn. Nhưng tôi vẫn tiếp tục học hỏi về thú chơi đẹp đẽ này qua từng năm. Bởi đây là cách tôi tìm sự bình an trong cuộc sống náo nhiệt, hiện đại, đồng thời nhớ về ông ngoại, một người Hà Nội xưa cũ lãng mạn và tinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.