Nhớ vị đắng canh lằng mùa nắng cháy

27/08/2022 21:02 GMT+7

Canh lá lằng lúc ăn vào thì đắng, đọng lại nơi cổ họng là vị ngọt thanh, đủ để những ai từng ăn thật khó thể quên.

Cây lằng (có nơi gọi là lá đắng) là loài cây thường mọc hoang dã ở vùng đồi, ven rừng hay sườn núi thấp ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Đây là loài cây thân gỗ, lá có màu xanh, càng già càng đậm màu. Lá từ cây mọc hoang nhưng bao đời nay được người dân H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) coi là món ăn không thể thiếu mỗi dịp hè.

Canh lằng với những nguyên liệu đơn giản

Tuyết Lan

Chế biến món ăn từ lá lằng cũng giản dị, chân chất như người con xứ Nghệ. Thông thường chỉ cần một nắm lá, thêm vài quả cà chua là đã có một bát canh lằng. Để ngon nhất, người dân xứ Quỳnh thường dùng cà kiu (một loại cà chua quả nhỏ, mọc hoang trong vườn, chua thanh) phi thơm với hành cho nhừ, thêm cá trích hoặc tép khô hay tép đồng tươi, cho nước vào đun sôi rồi thêm lá lằng tươi đã thái nhỏ vào nêm nếm vừa ăn thì tắt bếp.

Canh lằng ăn ngon nhất cùng cơm trắng, cá trích rán và vài quả cà muối. Canh có vị đăng đắng lạ miệng, mùi thơm, hậu ngọt thanh. Hương vị của canh lằng cực kỳ kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng.

Ngoài nấu lá lằng tươi, nhiều người còn tranh thủ hái lá lằng về thái nhỏ phơi khô để ăn dần quanh năm. Lằng khô nấu lên cũng có vị đăng đắng thơm thơm. Không chỉ là món ngon đặc trưng, lá lằng còn được xem là bài thuốc quý trong dân gian, có tác dụng giải độc gan, tốt cho hệ tiêu hóa.

Nhiều người lúc đầu ăn chưa quen, nhưng chỉ cần vài lần là xuýt xoa thèm húp lại bát canh lằng giải nhiệt. Bữa cơm nhà có bát canh lằng giúp những ngày gió Lào đổ lửa được dịu mát phần nào. Người xa quê dù có mấy mươi năm cũng không quên được vị đắng thanh thanh của bát canh ngày hè.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.