May khẩu trang, nấu bánh canh “ship” tận nhà
Trưa 27.3, cô giáo Nguyễn Phương, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại Q.11 (TP.HCM) đăng thông báo trên tài khoản Facebook: “Xin lỗi mọi người, xe chở nho từ Ninh Thuận vào TP.HCM tạm ngưng vì dịch Covid-19 nên mọi người thông cảm, em không thể giao hàng kịp cho các chị đã đặt nho sạch nhà trồng cuối tuần như đã hẹn”.
Tuy nhiên, vài phút sau, cô Phương rút thông báo và cho biết 50 kg nho vẫn được gửi xe từ Ninh Thuận vào TP.HCM đúng ngày chủ nhật này như đã hẹn. Chuyện là vài ngày trước, cô Phương thông báo nếu gom đặt mua đủ 50 kg nho (50.000 đồng/kg) sẽ cắt từ vườn nhà người thân ở Ninh Thuận vào bán.
Từ sau tết, trường đóng cửa chưa hoạt động trở lại do dịch Covid-19, các cô giáo tạm nghỉ việc về quê. Nhưng cô Phương, chủ hai cơ sở mầm non và nhà trẻ tư thục vẫn phải đóng tiền thuê 2 điểm đến 72 triệu đồng
Cô Phương kể, trong tháng 3 đã liên lạc chủ nhà xin giảm tiền thuê xuống 50% vì không hoạt động, nhưng đều bị từ chối. Thế là dù không hoạt động, không có nguồn thu cô vẫn phải trả 65 triệu đồng trong tháng 3.
|
Hai tháng trước trả đủ 72 triệu đồng. “Cả tháng nay tôi may khẩu trang kháng khuẩn từ nguồn vải của đứa cháu làm trong ngành thời trang mua về, đến nay cũng được hơn 1.000 chiếc. May mắn là ngoài nghề giáo, còn biết may vá thêu thùa… Rồi nấu thêm bánh canh lá hẹ giao hàng tận nơi, mỗi phần chỉ 25.000 đồng. Tuần trước, tôi mua nho đỏ từ Ninh Thuận ngâm đường phèn làm rượu nho bán cho bạn bè, lấy bánh tráng về làm gia vị trộn bán giao tận nơi. Trong tuần sau, khi người nhà ở quê gửi thịt bò ngon mổ tại quê vào, tôi nấu thêm món bò kho, hủ tíu bò kho cũng bán theo kiểu giao tận nhà. Cố gắng làm thêm bù đóng tiền nhà cho hai cơ sở, giữ mặt bằng để sau dịch làm tiếp”, cô Phương cho biết.
Còn cô Nhân Châu, giáo viên Trường THCS T.H (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) 2 tháng nay kiêm thêm bán hàng qua mạng, chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm. Cô Châu kể, bạn bè sau tết đến nay không đi dạy, không dạy kèm, thu nhập giảm thê thảm, nếu không làm thêm thì không đủ sống.
“Các bạn tôi làm từ bánh bột lọc, bánh kem, nấu chè bán, hàng giao tận nhà. Tôi con còn nhỏ nên chỉ mua tại chỗ bán sỉ, rao bán trên Zalo và Facebook, lấy công làm lời, tranh thủ đi lấy hàng và bán rẻ hơn các nơi khác; nhưng để lấy được đơn hàng vài ba trăm ngàn không đơn giản chút nào”, cô Châu nói.
Chẳng hạn, món hàu sữa cô Châu rao bán 140.000 đồng/kg, trong siêu thị bán cùng loại giá 160.000 đồng/kg; bộ sách cho trẻ 110.000 đồng/bộ 20 quyển trong khi các trang bán hàng trên mạng rao bán từ 140.000 - 160.000 đồng/bộ 20 quyển… Bán rẻ nhưng mỗi ngày có vài đơn hàng tầm vài ba trăm ngàn đồng mỗi đơn hàng, theo cô Châu là “vui lắm rồi”.
Hướng dẫn viên, môi giới bất động sản “chạy” hàng online
Phùng Tiến Đạt (22 tuổi) vừa tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm ngoái nhưng đã có kinh nghiệm dẫn tour được hơn 2 năm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đạt là hướng dẫn viên tự do, không thuộc biên chế của công ty nào nên không có lương cố định.
|
Đạt hợp tác với nhiều công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội, thu nhập tính theo từng lần dẫn đoàn. Ra trường, Đạt chủ yếu cộng tác với Công ty du lịch Sen Thanh vì đủ tour dẫn cả tháng.
Sẵn tài ăn nói, chàng trai này còn nhận thêm nhiều việc như dẫn chương trình sự kiện, tổ chức team building cho các doanh nghiệp, thu nhập 1 tháng dao động từ 15 - 18 triệu đồng, đủ trả tiền thuê nhà và tiêu xài tương đối thoải mái. Thế nhưng từ tết đến nay, thị trường du lịch “đóng băng”, Đạt phải về quê ở TX.Sơn Tây (cách TP.Hà Nội khoảng 40 km) “ăn bám” bố mẹ.
Đạt kể: “Quen đi rồi, giờ ngồi nhà chán quá. Được cái đầu em “nhảy số” cũng nhanh, có thằng bạn mời mua bánh (bánh bông lan bơ ruốc) nhà nó làm bán, em nảy luôn ý định bán bánh online kiếm thêm thu nhập. Thế là hằng ngày, em chạy xe cả mấy chục ki lô mét từ Sơn Tây sang Gia Lâm lấy bánh về bán. Em phải bắt đầu tương tác lại với bạn bè, làm quen thêm nhiều học sinh ở Sơn Tây để mở rộng lượng khách”.
Các sự kiện quảng bá, PR để bán hàng bị hủy; hàng trăm sàn giao dịch đóng cửa, môi giới bất động sản cũng tản mát khắp nơi. Trần Thị Lan là nhân viên kinh doanh môi giới bất động sản giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm tại Công ty CP địa ốc Đất Xanh Nha Trang.
Thế nhưng ngày 25.3 vừa qua, trên Facebook cá nhân, Lan đăng nhận làm đại lý phân phối độc quyền sản phẩm yến cho hai thương hiệu. Ngoài ra, Lan cũng thông báo phân phối các sản phẩm nhà bếp hiệu 3M (Mỹ) như bao tay, cây lau nhà, tấm lót, thảm, khăn…
Hỏi Lan đã có khách chưa, cô cho biết trước mắt giới thiệu cho chính khách hàng đã và đang mua đất, nhà trên sàn giao dịch bất động sản công ty. Tuy nhiên, số này không nhiều do đa số khách ở xa.
"Mắc kẹt" ở thủ đô
Nhưng mọi chuyện không đơn giản với những người rẽ trái mưu sinh trong mùa dịch. Chưa kịp chúc mừng Đạt có công việc mới suôn sẻ, cậu đã tiếp lời: “Mà em nghỉ chạy hàng online rồi! Bán được 1 tuần là nghỉ. Mỗi ngày em chạy đi chạy lại lấy hàng rồi ship đồ cả trăm ki lô mét, mỗi cái bánh lời được khoảng 15.000 đồng, chỉ lấy công làm lời, không lấy tiền ship. Kiếm được tiền, nhưng chẳng đáng bao nhiêu. Chạy rã rời cả ngày, ngồi xe ê người mà thu nhập thấp quá cũng nản lắm. Chưa kể giờ dịch kinh quá, chạy đi chạy lại cũng sợ nên em nghỉ luôn”.
Cũng vừa về Sơn Tây được 2 tuần, chị Hà Diệu Linh, cộng tác viên bán tour cho nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, than trời vì thất nghiệp 2 tháng nay. May mắn, ngoài bán tour, chị Linh còn phụ giúp gia đình quản lý 3 shop quần áo tại Hà Nội nên vẫn có việc, có tiền. Thế nhưng từ khi UBND TP.Hà Nội ra quy định đóng cửa các hoạt động dịch vụ, giải trí, “phao cứu sinh” của chị cũng mất luôn. “Shop đóng cửa, chúng tôi tập trung quản lý trang bán online trên Facebook nhưng chẳng ăn thua. Giờ kinh tế khó khăn, ai cũng thắt lưng buộc bụng thì còn mấy người lo mua quần áo mới nữa. Mọi năm cứ ra tết là mùa cao điểm, hàng chạy rất mạnh. Giờ lay lắt cả ngày chỉ được có 4 - 5 đơn, trong khi tiền mặt bằng cũng vẫn 35 triệu hằng tháng nộp đều không được giảm đồng nào. Chúng tôi đang tính hết tháng này trả mặt bằng nhưng lo bị mất tiền cọc”, chị Linh nói.
Thấy trang Facebook của Diệu Linh mới đăng tải nhiều hình ảnh bánh flan tự làm, hỏi chị có tính chuyện làm bánh bán online kiếm thêm thu nhập trong thời gian thất nghiệp này không, chị cười: “Cũng có tính tới nhưng bán không được đâu. Ở Hà Nội thì bao nhiêu hàng quán, dịch vụ, cạnh tranh sao nổi. Như nhà cô chị mở quán ăn ở đường Tô Hiệu, thường ngày đông khách lắm. Nay nhà nước yêu cầu tạm đóng cửa mùa dịch, cũng treo bảng có giao hàng tận nơi nhưng được mấy người khách quen gọi đặt đâu. Về Sơn Tây thì chỉ bán được cho vài người quen biết bởi trước mình cũng có bao nhiêu người bán đồ ăn, có mối, có mạng lưới khách quen. Hơn nữa họ đầu tư làm chuyên nghiệp, mình thì tay ngang, làm vất vả mãi được mẻ bánh bán cũng chẳng được bao nhiêu. Mệt lắm!”.
Cùng nằm trong nhóm hướng dẫn viên của Tiến Đạt còn có rất nhiều bạn trẻ từ miền Trung, các tỉnh Tây Bắc… đang “mắc kẹt” ở Hà Nội. Thất nghiệp, nhóm này rủ nhau làm shipper cho các hãng Grab, GoViet, AhaMove… Thế nhưng hiện tại hàng quán ngưng hoạt động. Nếu tình hình kéo dài thêm tháng nữa thì cũng phải tính đường về quê chứ không trụ nổi.
Biết bao người đang vất vả mưu sinh với nghề tay trái khi dịch Covid-19 đột ngột ào đến và kéo dài chưa biết đến bao giờ mới qua đi.
Bình luận (0)