“Ngay cả khi qua đời, họ vẫn cần được giúp”
Cách đây chục năm, anh Bùi Nhật Huy (41 tuổi, ngụ Long An) nghe tin có một cụ bà nghèo trong xóm qua đời mà không có áo quan. Không đành lòng, anh và vài người cùng trong đạo Cao Đài quyết định lên Tòa thánh Tây Ninh, xin hòm về lo đám tang cho cụ.
“Ngay cả lúc qua đời, họ vẫn phải cần được giúp. Đã có nhiều mạnh thường quân chọn cách hỗ trợ người nghèo lúc sinh - lão - bệnh, vậy tụi mình sẽ giúp lúc họ đã nhắm mắt xuôi tay”, anh Huy tâm sự.
|
|
Nhóm từ thiện Thiện Tâm ra đời, được UBND xã Thanh Phú Long (H.Châu Thành, Long An) xác nhận đơn xin thành lập cơ sở vào tháng 11.2015. Cho đến nay, cơ sở đã hỗ trợ miễn phí áo quan, tẩm liệm, nhạc lễ gần 200 trường hợp người mất nghèo khó. Căn nhà tôn nhỏ của nhóm chất đầy quan tài, đồ tẩm liệm… thường xuyên đóng cửa im ỉm. Nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại gọi báo có tang gia hoàn cảnh khó khăn, hơn chục thành viên nhóm lại nhanh chóng tụ về, tất tả chuẩn bị trợ giúp.
Anh Huy kể: “Ban đầu chỉ có mình và vài người trong xóm gom góp tiền túi, bỏ công sức ra để thuê người đóng hòm giá rẻ. Sau đó, hoạt động lan tỏa, nhóm càng đông. Càng bất ngờ hơn khi các bạn tham gia đều trẻ. Chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và mọi người ủng hộ, nhóm lại càng có thêm động lực”. Gần 20 thành viên nhóm, ngoài vài phụ nữ lớn tuổi lo công việc hậu cần, còn lại đều là những bạn nam 9X, người nhỏ nhất sinh năm 2000 vẫn còn đi học. Có người nhà cách cơ sở đến 30 - 40 km nhưng bất kể ngày đêm, nghe tin có tang gia khốn khó là tất cả lại lên đường.
|
Gia đình phản đối vẫn không từ bỏ
Tình cờ thấy hoạt động của nhóm Thiện Tâm trên mạng xã hội, chàng trai Nguyễn Hữu Kiệm (24 tuổi) quyết định tham gia. Những ngày đầu theo phụ, Kiệm còn chẳng dám nhìn, huống chi là chạm vào thi thể người đã mất. Nhưng sau vài lần phụ giúp các anh em đi trước, Kiệm giờ đã tham gia tẩm liệm cùng các thành viên khác mỗi khi có tang gia cần giúp.
“Mất vì bệnh đau còn đỡ sợ, những ca chết trôi hoặc mất vì tai nạn giao thông không còn nguyên vẹn nữa... Lần đầu sợ chứ, nhưng lần 3 lần 4 lại thấy ấm lòng. Mình giúp người ta tươm tất trước khi về thế giới bên kia, làm việc tốt thì không có gì sợ hết”, Kiệm tâm sự.
Không chỉ vậy, Kiệm còn phụ trách đánh nhạc lễ tang vì từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Nhưng gia đình chẳng ai ủng hộ việc anh suốt ngày làm chuyện liên quan đến người chết. “Mẹ mình phản đối gay gắt, phải mất rất lâu mình mới thuyết phục được. Chuyện tình cảm lại càng tệ hơn, cô nào đến rồi cũng đi vì không chấp nhận được việc mình làm. Nhưng nhìn người ta mất không hòm, không nơi chôn cất, mình lại chịu không nổi”, Kiệm bộc bạch.
|
|
Tấm lòng của nhóm được đáp lại đôi khi chỉ bằng một lời cảm ơn, một món quà quê từ phía người được giúp nhưng lại là động lực lớn lao để họ tiếp tục công việc ý nghĩa này.
Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Châu Thành, nói với PV Thanh Niên: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Thiện Tâm trong công tác thiện nguyện. Các anh em của nhóm đều là những người trẻ hết sức nhiệt thành, dù ở nhiều nơi chứ không phải một chỗ. Nhóm được các ban ngành đoàn thể từ ấp, xã, huyện… rất tin tưởng, khi ra sức chăm lo giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là khi họ không may qua đời”.
|
|
|
Bình luận (0)