Nhiều chuyên gia tham gia chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Công nghệ thông tin, những điều thí sinh chưa biết” được phát tại các địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên đều có chung những nhận định như vậy.
Chuyên gia tham gia chương trình cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho thí sinh quan tâm lĩnh vực công nghệ thông tin |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Nhóm ngành có nhiều tỉ phú trên thế giới ?
Nhắc đến những yếu tố khiến ngành công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng phát triển, tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng - Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết nhóm ngành CNTT hiện nay là nhóm ngành “hot” và được dự đoán là ngành lâu dài trong tương lai để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành nghề khác. CNTT là lĩnh vực nền tảng hỗ trợ cho rất nhiều ngành nghề, giải quyết bài toán nghiệp vụ cho mọi ngành nghề.
“Với việc đào tạo như hiện nay thì không thể đáp ứng đủ nhân sự CNTT trong khoảng 5 - 10 năm tới. Nên nếu các bạn học tốt ngành này thì ra trường chắc chắn sẽ có việc làm”, tiến sĩ Xuân Trường nhận định.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng đây là nhóm ngành đang có xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực rất cao. Luôn nằm trong tốp đầu những ngành có lương và thu nhập cao.
“Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều ứng dụng công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng thúc đẩy CNTT phát triển. Việc phát triển thành thành phố thông minh cũng cần lực lượng kỹ sư CNTT rất lớn, đặc biệt mảng trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu hình ảnh thị giác, robot…”, thạc sĩ Tư nhìn nhận và cho biết nếu sinh viên theo học nhóm ngành này có học lực khá thì ngay từ năm thứ 3 đã có việc làm và có lương, thậm chí các em còn được tham gia nhiều dự án lớn ngay khi học năm 2.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết CNTT là nhóm ngành có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng rất cao. Thạc sĩ Nguyên cũng hài hước: “Có một thực tế chúng ta thấy là gần như các tỉ phú đều tập trung vào nhóm ngành này. Có thể làm giàu từ nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, tuy nhiên đây là nhóm ngành tạo cho chúng ta nhiều cơ hội để thành công và làm giàu”.
Nhân lực thiếu cả số lượng lẫn chất lượng
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận dù dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực nhưng riêng nhóm ngành CNTT vẫn có tốc độ phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu nhân lực cũng rất lớn.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư thông tin hiện có hơn 100 trường ĐH đào tạo nhóm ngành này, mỗi năm các trường chỉ cung cấp 50.000 kỹ sư trong khi dự kiến thị trường đang thiếu 190.000 nhân lực cho lĩnh vực CNTT. Chính vì thế, trong 10 năm tới nhân lực nhóm ngành này sẽ vẫn rất “hot”.
Tiến sĩ Lê Đình Phong, Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen, cũng đánh giá nhu cầu nhân lực nhóm ngành này đang rất cao và ngày càng “nóng”. “Tuy nhiên, khi tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi được biết họ đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng bắt nhịp nhanh với thị trường lao động và sự thay đổi hằng ngày của công nghệ. Trên thực tế, sinh viên CNTT tốt nghiệp không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu của công việc, doanh nghiệp vẫn than phiền phải đào tạo lại cho ứng viên về chuyên môn và kỹ năng mới có thể làm việc”, tiến sĩ Phong nhận định.
Như vậy, không chỉ thiếu hụt về số lượng, mà chất lượng nguồn nhân lực CNTT cũng đang là yếu tố mà doanh nghiệp cần, thậm chí sẵn sàng bỏ ra mức lương vài ngàn đô để thu hút người giỏi về làm việc.
Chính vì vậy thạc sĩ Tư cũng gửi lời khuyên: “Hãy làm cho doanh nghiệp phải đến chọn bạn, săn đón bạn. Có những người nộp hồ sơ ở rất nhiều doanh nghiệp chưa chắc có kết quả nhưng có những bạn ngay năm cuối đã có việc làm. Vì vậy được tuyển dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính bạn”.
Còn thạc sĩ Nguyên thì nhận định từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả mọi lĩnh vực đều diễn ra trên không gian mạng, nên cơ hội việc làm cho các bạn là rất nhiều.
Ý KIẾN
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: “Để thành công phải có năng lực học và cần có kỹ năng để làm việc. Khi lựa chọn các em không nên chỉ vì thấy ngành này hot, lương cao, mà phải căn cứ vào sở thích, năng lực cá nhân”.
Tiến sĩ Lê Xuân Trường: “Với việc đào tạo như hiện nay thì không thể đáp ứng đủ nhân sự CNTT trong khoảng 5 - 10 năm tới. Nên nếu các bạn học tốt ngành này thì ra trường chắc chắn sẽ có việc làm”.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: “Có thể làm giàu từ nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, tuy nhiên CNTT là nhóm ngành tạo cho chúng ta nhiều cơ hội để thành công và làm giàu”.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư: “Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều ứng dụng CNTT. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng thúc đẩy CNTT phát triển”.
Bình luận (0)