Chương trình phát đồng thời tại thanhnien.vn, Fanpage Facebook, YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên với sự tham gia của nhiều chuyên gia, cung cấp những thông tin cụ thể và lời khuyên hữu ích.
Biến nguy thành cơ
Lý giải tại sao mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhóm ngành du lịch lại xếp thứ 4 trong những ngành “hot” nhất được thí sinh lựa chọn, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng hôm nay các em chọn ngành nghề cho 3 - 4 năm sau ra trường, với dự báo và những chính sách chiến lược hiện nay của Chính phủ để phát triển du lịch thì các thí sinh nên yên tâm về việc làm.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, gửi gắm: “Đại dịch vừa rồi như một đợt thanh lọc, nhiều người đam mê thật sự vẫn kiên trì với nghề nghiệp. Sau đại dịch, người ta đi du lịch nhiều hơn, vì thế cơ hội cho ngành này cũng nhiều hơn”.
Các khách mời tham gia chương trình đưa ra nhiều thông tin hữu ích cho thí sinh muốn theo học khối ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
“Các bạn cần biến nguy thành cơ. Trong dịch bệnh vừa qua, chúng ta biết thêm khái niệm du lịch số, du lịch tại gia. Từ những mô hình mới này, nhiều bạn trẻ kiếm được thu nhập ngay trong dịch bệnh”, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho hay: “Sự linh động của người làm du lịch rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nên các trường cũng thay đổi cách đào tạo để sinh viên thích ứng khi ra trường đi làm”.
Nhiều tín hiệu tích cực
Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen, cho hay: “Trong dịch thì khoảng 80% lực lượng lao động liên quan lữ hành, dịch vụ, khách sạn mất việc. Nhiều người phải chuyển ngành nghề, hoặc làm không toàn thời gian. Tuy nhiên mới đây chúng ta thấy du lịch khởi sắc trở lại”.
Trao đổi với khán giả, thạc sĩ Hoàng Thị Hòa, giảng viên, phụ trách truyền thông Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay theo Tổ chức Du lịch thế giới, tới năm 2024 thì du lịch có thể trở về những con số thịnh vượng của năm 2019. Việt Nam đang có chủ trương mở cửa du lịch quốc tế sớm, do đó nhu cầu nhân lực cho du lịch đòi hỏi cao cả về số lượng và chất lượng.
Cùng quan điểm đó, thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, dẫn chứng nhu cầu đi du lịch tăng mạnh trong dịp tết vừa qua.
Học dịch vụ du lịch cần lưu ý điều gì ?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư thì cho rằng đây là một trong những khối ngành cần nhiều kỹ năng như kỹ năng phục vụ, yêu thích công việc, giao tiếp, xử lý tình huống…
Cũng khuyên thí sinh khi chọn ngành này cần trau dồi nhiều kỹ năng, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Mỗi ngành nghề, chúng ta cần nghiên cứu học hỏi ra sao, gắn kết với doanh nghiệp như thế nào… Với khối ngành này, các em nên chú ý học ngoại ngữ, phát triển kỹ năng”.
“Theo khối khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, thí sinh đều có thể thi tuyển vào ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng - khách sạn”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Một phụ huynh gửi câu hỏi tới chương trình, con của chị nhút nhát vậy có thể học và làm trong lĩnh vực du lịch được không? Những tố chất, kỹ năng cần có của thí sinh chọn ngành này là gì? Thạc sĩ Trần Mạnh Thái chia sẻ thí sinh chọn ngành du lịch, dịch vụ, nhà hàng - khách sạn cần xác định phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều, để mang được nhiều sản phẩm tốt nhất tới người sử dụng.
“Trước khi học hướng dẫn viên du lịch, các em nên chú ý năng lực cá nhân, điều kiện kinh tế của gia đình và cơ hội việc làm khi ra trường. Ngoài giỏi nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ và ngoại hình cần chú ý cả trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng quản trị bản thân, kỹ năng hoạt náo, kỹ năng quản trị cảm xúc…”, thạc sĩ Thái khuyên.
Trong khi đó, thạc sĩ Hoàng Thị Hòa cho rằng tố chất để theo đuổi ngành du lịch không có giới hạn, dù sống nội tâm hay hướng ngoại thì đều theo đuổi được. Nhiều bạn nhút nhát thì hãy cho bạn ấy biết mình cần phải thay đổi, rèn luyện kỹ năng để hòa nhập nhanh hơn.
Bình luận (0)