Nhóm người chặn xe trên cao tốc lấy tiền và livestream đối mặt hình phạt gì?

30/12/2017 14:35 GMT+7

Theo chuyên gia pháp lý, nhóm thanh niên dùng hung khí, dừng xe để ép tài xế đưa tiền có thể sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt về tô%3ḅi Cưỡng đoạt tài sản.

Mới đây, nhóm thanh niên cầm hung khí chặn xe trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai (thuộc địa bàn huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) trấn lột tiền rồi đăng clip lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc.
Theo nội dung đoạn clip, nhóm thanh niên ép tài xế dừng ô tô rồi mang hung khí đi vòng quanh xe, 1 hoặc 2 nam thanh niên trong nhóm sẽ yêu cầu lái xe hạ kính và xin tiền. Một số thành viên của nhóm này còn ngang nhiên cười nói, chửi thề và quay lại clip, tung lên mạng xã hội.
VIDEO: Tạm giữ 9 thanh niên trấn lột tiền trên cao tốc
Sáng 30.12, Chánh văn phòng UBND huyện Phù Ninh cho biết cơ quan công an đã tạm giữ 9 thanh niên và đang truy bắt thêm 2 thanh niên bỏ trốn trong nhóm này để phục vụ công tác điều tra.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết hành vi của nhóm thanh niên nêu trên đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tội danh Cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 135 BLHS 1999 vì:
- Thứ nhất, việc nhóm người này tụ tập đông người, mang theo hung khí trong tay ra chặn đầu xe lưu thông để xin tiền đã làm cho các tài xế sợ và buộc phải cho tiền họ. Việc buộc phải đưa tiền là trái với ý chí chủ quan của các tài xế xe, dù chưa xác định rõ là họ có đe dọa dùng vũ lực hay không nhưng rõ ràng hoàn cảnh này đã ép các tài xế vào tình thế không thể không đưa tiền.
- Thứ hai, theo thông tin thì nhóm người này có độ tuổi từ 17- 19 nên đủ tuổi để phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 135. Như vậy, nhóm thanh niên đã đủ tuổi, khách thể là xâm phạm tài sản người khác, trái ý muốn của họ nên có thể sẽ bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về Tội Cưỡng đoạt tài sản.
Điều 135 Bộ luật hình sự 1999: Tội Cưỡng đoạt tài sản.
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.