Nhóm nhạc Việt trầy trật hoạt động

Nguyên Vân
Nguyên Vân
23/08/2022 06:35 GMT+7

Được đào tạo bài bản, được định hướng chuyên nghiệp bởi công ty quản lý nhưng các nhóm nhạc Việt vẫn rất khó khăn để tồn tại.

Hơn 20 năm trong nghề, chứng kiến nhiều nhóm nhạc nam - nữ VN thành danh, tan rã, đến nay, theo ca - nhạc sĩ Lê Minh, thành viên nhóm MTV: “Tôi nhận thấy hầu hết vấn đề mà các nhóm nhạc mắc phải chính là kinh phí để duy trì”. Anh cho rằng khoan nói đến việc đào tạo bài bản, có định hướng, chuyên nghiệp hay không…, vấn đề cốt lõi vẫn là làm sao để duy trì cuộc sống ổn định để mỗi người có thể tiếp tục cùng nhau đầu tư sáng tạo.

Chương trình tìm kiếm boygroup - Vote for five đang phát sóng thu hút sự quan tâm của khán giả

Wepro

“Ồn ào” rồi “lặng lẽ”

Nhìn lại quá trình từ khi ra mắt đến lúc tan rã của nhiều nhóm nhạc trong những năm gần đây, sẽ thấy không có nhóm nào tồn tại quá 6 năm. Nổi bật và để lại dấu ấn rõ nét trong hành trình tồn tại của mình là nhóm 365 với gần 6 năm (2010 - 2016); MONSTAR với 5 năm (2016 - 2021), V.Music 4 năm (2010 - 2014); LIME 4 năm (2015 - 2019); SGO48 với 3 năm (2018 - 2021)…

Bên cạnh đó, nhiều nhóm nhạc chưa kịp tạo dấu ấn hay khiến công chúng nhận ra - nhớ đến cũng đã vội tan: T.A.S - nhóm nhạc nam được giới thiệu khi ra mắt “với cách đào tạo và hoạt động theo phong cách chuẩn Hàn Quốc” tan rã khi chỉ mới ra mắt 1 MV; D1Verse - nhóm nhạc được thành lập bởi công ty giải trí nổi tiếng Hàn Quốc RBW (quản lý nhóm nhạc Mamamoo) cũng ra mắt 1 MV rồi “lặn mất tăm”; YounQ - nhóm nhạc tự nhận là “SNSD phiên bản Việt” thì ra mắt được 3 MV… Chưa kể, một số nhóm sau khi ra mắt cũng nhanh chóng “được biết đến” vì… vướng nghi vấn “đạo nhái” (như FOR7) hay bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các nhóm nhạc Hàn (như Uni5), hoặc gây ức chế cho người xem vì khả năng hát live lẫn vũ đạo chỉ “thường thường bậc trung” (như Zero9)…

MTV - nhóm nhạc hơn 20 năm bên nhau

NSCC

Như nhìn nhận của một số nhà tổ chức, dịch Covid-19 tuy là lý do khách quan tác động không nhỏ đến thị trường nói chung cũng như việc duy trì nhóm nhạc, nhưng đó cũng là phép thử để đo sự đồng lòng và quyết tâm cùng nhau gắn kết của các nhóm nhạc. Bởi khi kinh tế khó khăn, một nghệ sĩ solo cũng đã vất vả xoay xở huống gì một ban nhạc với nhiều thành viên. Chưa kể, các nhóm nhạc sau này đa số được thành lập bởi các công ty, đến với nhau bằng hợp đồng; nên dẫu được chuẩn bị kỹ lưỡng ra sao, quản lý chuyên nghiệp thế nào thì cuối cùng cũng đến lúc họ sẽ phải đi tìm con đường của riêng mình, khi không thể vượt qua được những cám dỗ hào nhoáng hay lo toan “có thực mới vực được đạo”.

Hiểu, trân trọng, hy sinh và hơn thế nữa

“Hoạt động nhóm chưa bao giờ là dễ dàng. Việc để nhóm nhạc xuất hiện trong một lần biểu diễn càng khác nhiều so với một nghệ sĩ solo, từ trang phục đến đầu tư bài hát, âm nhạc, vũ đạo… ra sao, đòi hỏi tập thể lúc nào cũng luôn có sự phấn đấu nỗ lực lẫn hy sinh rất nhiều cho nhau”, Lê Minh chia sẻ. Anh cho biết trong hơn 20 năm hoạt động cùng nhau, có những giai đoạn MTV gặp nhiều khó khăn nhưng đến cuối cùng vẫn vượt qua được, vì các thành viên luôn thấu hiểu, trân trọng nhau, biết hy sinh cho nhau và luôn coi cái tên của nhóm là trên hết.

Không chỉ vậy, như Lê Minh cho biết thời điểm những năm 2000 khi nhóm MTV thành lập, nhiều band/nhóm nổi lên và hoạt động mạnh mẽ, có sức sáng tạo lớn, đi diễn ở đâu hay bất cứ show nào cũng đều không thiếu các nhóm nhạc. “Chính điều này khiến từng nhóm cảm thấy có sự khích lệ cho chính mình - phải làm sao để có những bài hát hay, vũ đạo ấn tượng. Các nhóm nhạc học hỏi lẫn nhau, vô hình trung tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, có ích trong việc phát triển”, thành viên nhóm MTV nhìn nhận. Thêm nữa, như nhận xét của một bầu sô thâm niên, đa số bạn trẻ sau này khi vào nghề thiếu sự cọ xát, thiếu trải nghiệm cần thiết và thiếu cả thời gian để nhận biết mình hay - dở mặt nào để khi gặp vấn đề có thể nhận ra, vượt qua, bước tiếp cùng nhau.

Đến với nhau vì tâm hồn

Theo ca - nhạc sĩ Lê Minh: “Nhóm MTV xưa giờ vẫn coi nhau như những người anh em, vì chúng tôi không đến với nhau bằng hợp đồng hay thỏa thuận nào, mà bằng hợp đồng trong tim, trong tâm hồn, và chúng tôi yêu công việc hát nhóm, yêu những thanh âm của sự hòa quyện, phối hợp bè, tương tác trên sân khấu. Không dễ gì để chúng tôi có một hành trình hơn 20 năm bên nhau”.

Mới đây, khi xây dựng định dạng mới để tìm kiếm nhóm nhạc nam - Vote for five, nhà sản xuất Quang Huy cho rằng, anh và ê kíp mong muốn tạo sân chơi để các bạn trẻ muốn theo nghề ca hát có sự lựa chọn cách tiếp cận với âm nhạc đa dạng hơn. “Chúng ta thường thấy các bạn trẻ mới vào nghề loay hoay trong cách làm sao để đến được với khán giả. Một trong những lý do loay hoay, ngoài việc thiếu ê kíp hay mối quan hệ, thiếu năng lực triển khai… thì một trong những yếu tố nội tại là không hiểu rõ bản thân mình”, anh nói và hy vọng rằng việc tạo ra hành trình tìm kiếm boygroup cũng góp phần cho các bạn trẻ (có bất kỳ năng khiếu nào, từ giọng hát, sáng tác, rap, vũ đạo…) muốn phát triển con đường âm nhạc đều có cơ hội tìm ra được bản ngã, sở trường của mình để cuối cùng - khi tập hợp thành nhóm nhạc 5 thành viên (hay dù bị loại) thì các bạn cũng hiểu được mình là ai, muốn gì để phát triển, chứ không chỉ nhìn người đi trước làm theo.

Nói như Lê Minh: “Quan trọng là các bạn mong muốn muốn mình là ai, mình làm gì và muốn tinh thần âm nhạc của mình tồn tại như thế nào, tất cả nằm ở chính bản thân các bạn. Tất nhiên khi hoạt động, sẽ có những tác nhân ảnh hưởng, nhưng mỗi thành viên làm sao phải đủ quyết tâm để bảo vệ, duy trì thành quả mà tập thể của mình đã tạo nên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.