Nhóm nữ sinh gen Z và ý tưởng tạo ra 'sữa mẹ' từ tế bào gốc

27/12/2022 10:00 GMT+7

Dùng tế bào gốc mô mỡ để tạo ra sữa nhân tạo, nhóm nữ sinh này mong muốn nghiên cứu của mình có thể giúp đỡ những phụ nữ không may mắc phải ung thư, trầm cảm sau sinh hay bệnh truyền nhiễm mà không thể tiết sữa để nuôi con.

Nhóm nữ sinh lớp 10 với ý tưởng tạo ra "sữa mẹ" từ tế bào gốc (từ trái qua): Phương Linh, Bảo Vi, Khánh Nga

THƯỢNG HẢI

Với ý tưởng tạo "sữa mẹ" từ tế bào mô mỡ, 3 nữ sinh lớp 10 của Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM gồm: Nguyễn Khánh Nga, Đỗ Phương Linh và Đinh Huỳnh Bảo Vi hy vọng nghiên cứu tiềm năng này sớm sẽ được hoàn thành trong thời gian không xa.

Ý tưởng đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo tế bào gốc”

Cả Khánh Nga, Phương Linh và Bảo Vi đều có chung niềm đam mê học hỏi các kiến thức về lĩnh vực lý sinh và cũng muốn theo đuổi công việc nghiên cứu trong tương lai, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến các thực phẩm từ tế bào gốc.

Mô hình giá thể được mô tả giống với nang tuyến vú do nhóm thiết kế

THƯỢNG HẢI

“Bản thân mình đặc biệt hứng thú với tế bào gốc, có thể ứng dụng để tạo ra các sản phẩm hoặc nuôi cấy mô để thay thế vì các tế bào gốc có khả năng tăng sinh nhanh và biệt hóa thành một số dòng tế bào khác. Do những khả năng đó, chúng ta có thể định hướng tế bào thành những mô mong muốn, nếu dùng tế bào gốc từ bệnh nhân còn có thể tránh hiện tượng đào thải. Còn về các sản phẩm từ tế bào gốc sẽ có nhiều cơ hội để giống sản phẩm tự nhiên nhất”, Khánh Nga cho hay.

Trong một lần biết đến cuộc thi sáng tạo thực phẩm từ tế bào gốc, Khánh Nga cùng hai người bạn cùng lớp là Phương Linh và Bảo Vi nhận thấy hiện nay tỷ lệ phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi già hóa thường dễ mắc các loại bệnh làm ảnh hưởng đến việc tiết sữa tự nhiên, trong đó có ung thư vú.

Tất cả tài liệu, sách báo về nghiên cứu tế bào gốc đều do nhóm tự tìm, dịch thuật lại để hiểu và đưa vào trong nghiên cứu

THƯỢNG HẢI

“Ngoài ra, nhiều phụ nữ không may mắc phải HIV hay các bệnh truyền nhiễm khác không thể cho con bú sữa tự nhiên và việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đời sống của cả mẹ và bé. Dù hiện nay, có rất nhiều loại sữa công thức trên thị trường nhưng sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất cho trẻ nên chúng mình bắt đầu nghĩ đến việc sẽ nghiên cứu ra sữa nhân tạo từ tế bào gốc”, Khánh Nga.

Bắt đầu từ ý tưởng đó, cả 3 quyết định tham gia vào cuộc thi với hy vọng có thể được học hỏi và phát triển đam mê nghiên cứu của bản thân. Với tiềm năng còn rất trẻ nên thời gian ban đầu cả nhóm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tìm các tài liệu và các bài báo khoa học khi tất cả đều phải lấy từ nguồn nước ngoài và cả 3 phải tự dịch, tự sàng lọc.

Phương Linh chia sẻ: “Bọn mình tìm đọc rất nhiều tài liệu, sách báo nước ngoài từ nhiều nguồn khác nhau rồi chia nhau ra đọc, mỗi khi tìm được phần nào hay sẽ trích vào kho tài liệu chung để thảo luận. Đêm nào, nhóm cũng thức đến 1-2 giờ sáng chỉ để dịch và tìm chất liệu xây dựng cho bài nghiên cứu”.

Ngoài ra, nhóm nữ sinh gen Z này còn phải sắp xếp lịch học trên trường để có thể vừa tham gia cuộc thi, vừa đảm bảo được chất lượng bài vở trên lớp và hầu như trong suốt thời gian nghiên cứu, nhóm vẫn giữ được thành tích học tập tốt. Với sự nỗ lực trong gần 2 tháng, nghiên cứu về “Tạo "sữa mẹ" từ tế bào mô mỡ” của nhóm đã đạt giải nhất trong cuộc thi “Sáng tạo tế bào gốc” (Stem Cell Innovation) lần thứ 7 năm 2022 tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức.

Hướng đến sản phẩm chất lượng dành cho cộng đồng

Mô tả về quá trình tạo ra sữa nhân tạo từ tế bào gốc, Bảo Vi, thành viên nhóm cho biết: “Đầu tiên sẽ thu dịch mỡ từ bệnh nhân rồi đưa vào máy ly tâm để thu các hạt cặn là các tế bào gốc mô mỡ, sau đó sẽ đem nuôi cấy tăng sinh đến một số lượng nhất định rồi sàng lọc một lần nữa để đưa vào môi trường nuôi cấy biệt hóa thành các tế bào tuyến vú. Sau khi kiểm định đạt chuẩn sẽ đem tế bào tuyến vú nuôi trên giá thể”.

Ba nữ sinh này hy vọng trong tương lai có thể tiếp tục được nghiên cứu để đưa ý tưởng về sữa nhân tạo vào thực tiễn

THƯỢNG HẢI

Nữ sinh này cho biết thêm giá thể sẽ được thiết kế giống với nang tuyến vú có một ống thu sữa ở bên dưới, sữa tạo ra sẽ được bổ sung thêm các lợi khuẩn, chất dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho trẻ. “Ngoài ra, bọn mình cũng nghiên cứu bổ sung một số loại thuốc điều trị vào sữa uống cho trẻ, thay vì cho uống thuốc trực tiếp”, Bảo Vi cho hay.

Khi được hỏi “Liệu sữa nhân tạo từ tế bào gốc tạo ra có đảm bảo như sữa mẹ tự nhiên?”, Phương Linh bày tỏ: “Hiện tại vấn đề đau đầu nhất mà bọn mình vẫn đang nghiên cứu làm sao để có thể đưa kháng thể vào sữa nhân tạo như sữa mẹ để có thể cung cấp cả kháng thể cho trẻ. Vì sự phức tạp của con người là quá hoàn hảo nên bọn mình vẫn cần rất nhiều thời gian và kinh phí để nghiên cứu thêm để đưa vào thực tiễn”.

Ý tưởng về sữa nhân tạo của Khánh Nga, Phương Linh và Bảo Vi đạt giải nhất trong cuộc thi "Sáng tạo tế bào gốc" lần 7

KHÁNH NGA

Chia sẻ về ý tưởng tạo ra sữa nhân tạo từ tế bào gốc, tiến sĩ Phan Lữ Chính Nhân, Phó Viện trưởng Viện tế bào gốc (thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM), Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Sáng tạo tế bào gốc”, cho biết: “Dù chỉ mới là ý tưởng nhưng chắc chắn các bạn đã đọc tài liệu rất nhiều và điểm ấn tượng của nghiên cứu đến từ mục tiêu mong muốn giúp đỡ cho những người phụ nữ bị AIDS/HIV, trầm cảm sau sinh… mà không thể tiết sữa được. Ưu điểm của ý tưởng này là có thể kiểm soát được tất cả các yếu tố can thiệp khi tạo ra mô tiết sữa nhưng còn hạn chế về tỷ lệ tế bào gốc trong mô mỡ rất ít nên cần phải có kỹ thuật rất cao để phân lập được tế bào gốc ở trong quần thể tế bào mô mỡ từ mô vú của bệnh nhân và cần trải qua nhiều thí nghiệm”.

Cũng theo tiến sĩ Chính Nhân, Viện tế bào gốc sẽ cấp hoàn toàn kinh phí và các bạn sẽ được tham gia nghiên cứu, nhận được sự hướng dẫn từ các chuyên gia hỗ trợ cho các bạn có thể hoàn thành nghiên cứu tại viện. “Nếu ý tưởng được nghiên cứu thành công thì viện sẽ liên kết với những đơn vị đầu tư hoặc sẽ hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp với đề tài đó”, ông Nhân cho hay.

Hiện tại, điều mà nhóm mong muốn nhất đó chính là có thể thuyết phục được người tiêu dùng về những ưu điểm mà các thực phẩm từ tế bào gốc mang lại, đặc biệt là sữa nhân tạo.

“Các sản phẩm từ tế bào gốc cũng từ cơ thể con người cho nên sẽ có độ tự nhiên và đảm bảo độ an toàn cho sức khỏe của người dùng. Cho nên, ở giai đoạn hiện tại, nhóm sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia và thử nghiệm nghiên cứu để tạo ra sữa nhân tạo với chất lượng có thể làm hài lòng cả người sử dụng và người làm ra”, Khánh Nga khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.