Cần ngăn chặn tật xấu 'chỉnh sửa nội dung trên Wikipedia'

Thanh Nam
Thanh Nam
26/12/2022 16:52 GMT+7

Chỉnh sửa nội dung trên Wikipedia là tật xấu của một bộ phận dân mạng. Đáng ngạc nhiên là tật xấu này từng nhiều lần bị lên án nhưng vẫn tồn tại và tiếp diễn.

Mới đây, vào ngày 26.12, những thông tin tiểu sử về "vua bóng đá" Pele trên trang Wikipedia tiếng Việt đã bị những người dùng ẩn danh phá hoại, miêu tả bằng từ ngữ phản cảm.

Cụ thể, khi huyền thoại bóng đá người Brazil đang thập tử nhất sinh thì trên trang Wikipedia tiếng Việt, "ai đó" đã cố tình phá hoại bằng cách chỉnh sửa thông tin ngày mất của Pele. Hành động này được xem là không thể chấp nhận được.

Tuy hiện tại, dữ liệu trên trang Wikipedia tiếng Việt của Pele đã được cập nhật, khôi phục nguyên trạng và tính năng chỉnh sửa trang Wikipedia tiếng Việt về Pele cũng đã được khóa, nhưng mọi người vẫn cảm thấy bức xúc, phẫn nộ vì đã bị người ẩn danh chỉnh sửa thông tin.

Trang Wikipedia tiếng Việt bị sửa nội dung đường cao tốc thành thấp tốc

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Sự việc kể trên không là duy nhất. Vì từ trước đến nay, đã có vô số câu chuyện tương tự xảy ra.

Cách đây một năm, Trấn Thành đã từng bị chỉnh sửa thông tin trên trang Wikipedia tiếng Việt một cách sai lệch và đầy phản cảm. Theo đó, ở phần giới thiệu của Trấn Thành đã xuất một số từ ngữ thô tục, nhạy cảm được thêm vào, một trong số đó có liên quan đến ồn ào từ thiện.

Cựu cầu thủ đội tuyển Việt Nam Ngô Hoàng Thịnh (Sài Gòn FC) cũng từng bị sửa thông tin cá nhân trên trang Wikipedia thành "thợ săn ống đồng" và "cầu thủ sở hữu lối chơi thô bạo bậc nhất" sau khi gây ra chấn thương cho Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội).

Cầu thủ nổi tiếng Nguyễn Quang Hải cũng từng... vài lần trở thành nạn nhân của trò quấy phá trên trang Wikipedia tiếng Việt khi tiểu sử bị sửa thành "Hải Quay Xe", "Hải Kỳ Lân"...

Hay chỉ vì từng không thể ghi bàn trong trận đấu với Indonesia ở SEA Games 2017 mà một số dân mạng đã lập tức chỉnh sửa thông tin cầu thủ Hồ Tấn Tài trên trang Wikipedia tiếng Việt là cầu thủ ở "vị trí chân gỗ", "tiền đạo tệ nhất trong lịch sử U23 Việt Nam"...

Hay vào thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, rất nhiều trường học ở TP.HCM đã bị sửa Wikipedia với nội dung ác ý chỉ vì không cho sinh viên nghỉ học.

Cách đây không lâu, bài viết về đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trên trang Wikipedia tiếng Việt cũng đã bị thay đổi nội dung thành... đường thấp tốc.

Trường ĐH ở TP.HCM bị chỉnh sửa nội dung chỉ vì không cho sinh viên nghỉ học

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Điểm lại những câu chuyện ấy để thấy rằng tình trạng chỉnh sửa nội dung trên Wikipedia diễn ra "thường xuyên như cơm bữa". Dù bị phần lớn cộng đồng mạng phản ứng, nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại và tiếp diễn ngày càng nhiều.

Cần kể lại, trang Wikipedia tiếng Việt được thành lập từ năm 2003 và đến nay đã có hơn 1,2 triệu bài viết của gần 900.000 thành viên.

Đây là trang web miễn phí, phi lợi nhuận, được xem như là trang bách khoa toàn thư mở, là kết quả của sự cộng tác của chính những người đọc từ khắp nơi trên thế giới. Nghĩa là bất kỳ người dùng nào cũng có thể cung cấp các nội dung mà họ biết để chia sẻ lên.

Khi tham gia vào trang Wikipedia tiếng Việt, hầu như bất kỳ ai cũng đều có thể sửa đổi, biên tập, chỉnh sửa ở bất cứ thông tin nào bằng cách bấm vào các liên kết sửa đổi nội dung.

Thế nhưng, nhiều người đã và đang lợi dụng tính năng ấy để phá hoại trang Wikipedia tiếng Việt.

Đặc biệt là mỗi khi có các vụ việc nóng, những thông tin thời sự, các sự kiện đáng chú ý đang được dân mạng xôn xao... là lập tức một số kẻ ẩn danh nhanh chóng chỉnh sửa thông tin trên trang Wikipedia tiếng Việt. Để rồi những thông tin đúng và chuẩn xác đã bị thêu dệt, thêm thắt... và biến thành những thông tin lệch lạc, sai trái.

Kỳ vọng rằng trong thời gian đến, mỗi người dùng mạng xã hội nói chung cũng như trang Wikipedia tiếng Việt nói riêng, hãy là người dùng có ý thức.

Ý thức ở chỗ không phá hoại, không xuyên tạc, không bóp méo sự thật, không sử dụng những từ ngữ thô thiển, phản cảm một cách vô tội vạ... đối với những nội dung trên trang Wikipedia tiếng Việt, dù vì bất kỳ lý do hay mục đích gì.

Cần nhớ rằng, việc chỉnh sửa nội dung trên Wikipedia theo hướng tiêu cực là hành động thiếu văn minh, rất đáng bị chê trách, lên án và tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến những nạn nhân (doanh nghiệp, tổ chức, vụ việc...) bị chỉnh sửa thông tin mà còn ảnh hưởng với cả những người muốn tìm kiếm thông tin trên mạng.

Đặc biệt, đó còn là hành động "tiếp tay" lan truyền thông tin giả. Bởi hiện nay, khi những thông tin giả và thật lẫn lộn và ngày càng khó phân biệt, thì chính trang Wikipedia tiếng Việt vốn được xem là một công cụ để mọi người, trong đó có người trẻ, có thể kiểm chứng đâu là tin chính xác.

Nếu không bị chỉnh sửa theo hướng sai lệch, bỡn cợt..., trang Wikipedia tiếng Việt chính là bách khoa toàn thư trực tuyến có tính chính xác cao, là nơi cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy.

Vì vậy, cần hãy nói không với việc chỉnh sửa theo hướng bóp méo sự thật các nội dung trên trang Wikipedia tiếng Việt.

Ngoài ra, cũng mong rằng đội ngũ kỹ thuật của trang Wikipedia tiếng Việt có những biện pháp xử lý nhanh hơn trong việc phát hiện những thông tin sai lệch để can thiệp kịp thời, cập nhật lại dữ liệu một cách chính xác nhất, có giá trị nhất.

Đối với các tài khoản ẩn danh phá hoại nội dung của trang Wikipedia tiếng Việt, nên có các biện pháp mạnh, nghiêm minh để xử lý triệt để. Mà việc khóa tài khoản, chặn IP, cấm vĩnh viễn truy cập... cũng là những biện pháp mà đội ngũ kỹ thuật trang Wikipedia tiếng Việt có thể hướng đến và áp dụng trong thời gian tới.

Có như vậy, mới "khai tử" được tật xấu chỉnh sửa nội dung trên Wikipedia như đã và đang xảy ra!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.