Nhộn nhịp chợ 'cũ người mới ta'

03/12/2013 09:20 GMT+7

Những ngày này, rất đông khách tìm đến mua hàng ở chợ đồ cũ Thưởng Thưởng, nằm trong chợ đầu mối Bắc Thăng Long ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Gọi là đồ cũ, nhưng chất lượng các mặt hàng ở đây được khách hàng đánh giá khá tốt, giá lại rẻ.

Những ngày này, rất đông khách tìm đến mua hàng ở chợ đồ cũ Thưởng Thưởng, nằm trong chợ đầu mối Bắc Thăng Long ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Gọi là đồ cũ, nhưng chất lượng các mặt hàng ở đây được khách hàng đánh giá khá tốt, giá lại rẻ.

Nhộn nhịp chợ "cũ người mới ta"
Khách hàng xem tượng tứ linh bằng gỗ tại chợ đồ cũ Thưởng Thưởng - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh

Chiều 29.11, anh Nguyễn Mạnh Hà, nhà ở quận Thanh Xuân, tìm đến chợ đồ cũ Thưởng Thưởng tìm mua giúp đồng nghiệp đồ nội thất để chuẩn bị cho nhà mới.

Qua giới thiệu của bạn bè, lúc đầu anh Hà đến hàng đồ cũ chỉ vì tò mò, không kỳ vọng sẽ chọn được mặt hàng ưng ý, nhưng anh đã rất bất ngờ khi thấy nhiều mặt hàng trưng bày tại đây tuy chỉ bị xây xước bên ngoài, nhưng giá rẻ hơn thị trường tới 40 - 50%.

“Cái cửa xếp tuy có xước sơn và cong một vài miếng nhôm nhưng lau sạch và chỉnh sửa lại thì y chang như mới. Bàn ghế gỗ ở đây còn khá tốt, loại kính cường lực tuy hơi bẩn chút nhưng rửa sạch đi là như mới ngay. Chúng tôi đã quyết định mua cửa xếp và tấm kính cường lực với giá rẻ hơn ngoài thị trường tới gần 50%”, anh Hà cho biết.

Từ năm 2009, chợ đồ cũ Thưởng Thưởng đã trở thành điểm đến của nhiều người dân mỗi khi cần mua những vật dụng thiết yếu. Đồ ở đây nhiều tới mức, hai căn nhà xưởng rộng hơn 10.000 m2 được thiết kế thành tầng nhưng vẫn không thể trưng bày được hết, phải để tràn cả ra sân chợ đầu mối Bắc Thăng Long.

Theo ông Nguyễn Văn Thưởng, chủ nhân của gian hàng đồ cũ này, các sản phẩm được bày bán tại đây hầu hết được mua lại từ nhà dân hoặc các khách sạn, công sở..., do vậy, tuy chỉ có chút xây xước nhưng đều là hàng chất lượng.

Điều đặc biệt là giá cả khá “mềm” nhưng khi biết những trường hợp khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, cửa hàng này sẵn sàng tặng không đồ coi như một cách giúp đỡ. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều khách hàng đến đây tìm hiểu, mua bán.

“Khách đến đây giờ không chỉ những người có thu nhập thấp mà còn có người giàu, giới kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Có những người khi mở nhà hàng đã lặn lội từ Cao Bằng, Lào Cai xuống hoặc ở Thanh Hóa, Nghệ An ra đây mua hàng để tiết kiệm chi phí đầu tư”, ông Thưởng nói.

Theo anh Đặng Ngọc Hùng, nhà ở phố Quang Trung, Hà Nội, một trong những khách hàng quen thuộc của chợ đồ cũ này từ ngày đầu thành lập, vốn làm chủ hai khách sạn ở khu phố cổ Hà Nội và chuỗi nhà hàng ăn uống, cà phê tại Nam Định, Ninh Bình, nhu cầu nhập nội thất, đồ trang trí là rất lớn, nên anh đã đặt hơn 20 đơn hàng tại kho đồ cũ này với trị giá khoảng hơn 2 tỉ đồng.

“Đồ cũ vẫn còn chắc chắn thì chỉ cần mất công sang sửa lại chút còn tốt hơn đồ mới bây giờ, toàn hàng Trung Quốc là chủ yếu. Tiết kiệm được chi phí đầu vào thì mình sẽ cung cấp cho khách hàng dịch vụ giá rẻ hơn”, anh Hùng chia sẻ.

Càng gần cuối năm, lượng người đến với chợ đồ cũ Thưởng Thưởng càng đông. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 350 - 400 khách hàng đến đây, nên gần 70 nhân viên phải làm việc liên tục, không nghỉ trưa để có thể tìm cho khách những món đồ ưng ý nhất.

Với triết lí kinh doanh “cũ người mới ta”, ông Thưởng mong muốn mọi người biết tận dụng mọi đồ đạc để tránh lãng phí.

Ông cho biết, sắp tới sẽ mở rộng diện tích gấp ba lần hiện nay và sắp đặt, đóng gói các mặt hàng cho đẹp mắt, chuyên nghiệp hơn để khu chợ đồ cũ trở thành điểm đến yêu thích và sự lựa chọn trong mua sắm của mọi gia đình trong thời buổi kinh tế suy thoái, khó khăn.

Vũ Ngọc Khánh

>> Đồ cũ hút bạn trẻ
>> Chợ đổi đồ cũ
>> Ngày hội trao đổi đồ cũ
>> Đồ cũ không vứt đi
>> “Săn” đồ cũ
>> Chàng trai sành điệu mê đồ cũ
>> Mặt hàng mới từ... đồ cũ
>> Ngày hội đổi đồ cũ dành cho sinh viên
>> Rộn ràng ngày hội đổi đồ cũ Mottainai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.