'Nhức nhối' câu chuyện bản quyền số tại Việt Nam

26/04/2023 08:24 GMT+7

Doanh nghiệp trong nước thiếu chuẩn bị cho các vấn đề pháp lý trên nền tảng số khi bước ra trường quốc tế có thể chịu thiệt hại nặng nề khi vướng vào kiện bản quyền.

Trong 5 năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet, các nền tảng số ngày càng đa dạng đã làm thay đổi thói quen, hành vi của người dùng tại Việt Nam. Biến chuyển ấy đã đẩy sáng tạo nội dung số thành một sân chơi mới với các nhà sản xuất, nhãn hàng và doanh nghiệp nói chung, đồng thời tạo ra thách thức trong quá trình triển khai, đặc biệt là vấn đề bản quyền.

Theo ông Vũ Kiêm Văn - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, sự phổ biến của internet và các nền tảng số đã thay đổi thói quen, hành vi của khán giả đối với dịch vụ truyền thống. "Điều này khiến các nhà sản xuất nội dung phải thay đổi tư duy để phù hợp thị hiếu và không gian số, thiết bị số. Từ đó, sáng tạo nội dung số thành mảnh đất đầy tiềm năng. tuy nhiên các hoạt động thường xuyên phát sinh vướng mắc, chưa có tiền lệ".

Bản quyền số trở thành vấn đề được quan tâm, đặc biệt khi nội dung số là một ngành phát triển xuyên biên giới, doanh nghiệp trong nước khi bước ra quốc tế có thể vướng rất nhiều vấn đề pháp lý mà trước đây chưa nắm được thông tin hay có sự chuẩn bị từ trước.

Các nhân vật trong bộ phim hoạt hình của Việt Nam vướng kiện bản quyền quốc tế gần đây

Các nhân vật trong bộ phim hoạt hình của Việt Nam vướng kiện bản quyền quốc tế gần đây

Anh Quân

Lấy ví dụ về trường hợp của một bộ phim hoạt hình mới đây do Việt Nam sản xuất bị kiện bản quyền bởi doanh nghiệp nước ngoài, ông Tạ Mạnh Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Sconnect Việt Nam nhận định việc ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ đã dẫn tới hệ lụy, công ty phải đối mặt với một đối thủ mạnh. Do thiếu chuẩn bị bài bản và không hiểu rõ cách cũng như trình tự xử lý, doanh nghiệp đã tốn rất nhiều thời gian và tiền của cho cuộc chiến pháp lý kéo qua nhiều phiên xử quốc tế.

Chia sẻ tại diễn đàn "Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) đánh giá trong môi trường trực tuyến, các nhà sáng tạo hay chủ sở hữu nội rất khó để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình với số lượng lớn bằng cách thủ công, trong khi việc kiện tụng cần lập vi bằng rất tốn kém thời gian, nguồn lực, đôi khi khiến chủ sở hữu ngại chứng minh đối tượng nào đó đang vi phạm bản quyền của mình.

Tuy nhiên, trước khi ra quốc tế, các nhà sáng tạo, sở hữu nội dung còn phải đối mặt với một khó khăn khác là tình trạng sử dụng "lậu" đang diễn ra ngay trong nước. Theo khảo sát của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến.

Các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội, website, sao chép nguyên trạng nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa video, sau đó đăng tải trái phép lên internet. Chỉ tính riêng mảng nội dung video, tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến. Năm 2022, ước tính có 15,5 triệu người vi phạm, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu toàn ngành video hợp pháp. Nếu không có biện pháp cụ thể để ngăn chặn, các chuyên gia ước tính con số này sẽ tăng lên 19,5 triệu người vào năm 2027 và gây thất thoát khoảng 456 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.