Tặng quà 0 đồng để dẫn dụ
Cách đây vài ngày, PV Thanh Niên nhận được cuộc gọi điện thoại từ số lạ, tự giới thiệu là nhân viên của TikTok thông báo PV là khách hàng may mắn được nhận quà 0 đồng tri ân từ TikTok nhân dịp kỷ niệm thành lập. Mặc dù luôn cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo trên mạng, nhưng chúng tôi cũng hết sức bất ngờ khi người gọi nói đúng số điện thoại và địa chỉ đã từng đặt mua hàng qua TikTok trước đó. Để xem trò lừa đảo này tiếp tục thế nào, chúng tôi đồng ý nhận hàng. Quả nhiên vài ngày sau có một món quà miễn phí gửi đến tận nhà, bên trong gói quà được gói kín là… một chai nước rửa chén.
Sau khi nhận được "món quà" bất ngờ, chúng tôi lại tiếp tục nhận được cuộc gọi từ "nhân viên" TikTok, kiểm tra xem đã nhận được quà chưa. Khi thấy phản hồi của người nhận có vẻ đã tin tưởng, nhân viên này thông báo chúng tôi được may mắn chọn lựa tham gia chương trình nhận quà miễn phí và các phần thưởng tiền mặt. Để tham gia chương trình, chúng tôi được yêu cầu kết bạn Zalo với một người tên Hà Giang. Khi PV đang bận việc chưa kịp trả lời tin nhắn Zalo, phía bên kia liên tục gọi điện thoại hối thúc bằng nhiều đầu số khác nhau. "Nhiệm vụ" được giao là vào ứng dụng TikTok để bấm đăng ký follow (theo dõi) những kênh được nhân viên chỉ định, sau đó nhận được tiền mặt. Đến đây thì mọi chuyện đã quá rõ ràng, nhiều người sập bẫy cũng chính là lao theo các trò dụ dỗ, hối thúc này.
PV mang câu chuyện này đi xác minh, đại diện truyền thông TikTok Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi không có bất cứ chương trình nào tương tự như vậy và đây chắc chắn là trường hợp mạo danh có ý đồ lừa đảo. Hiện nay TikTok shop là một trong những kênh bán hàng trực tuyến khá phổ biến nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để lừa gạt, tương tự như các sàn giao dịch điện tử khác cũng gặp phải". Trước câu hỏi tại sao thông tin mua sắm của khách hàng qua kênh TikTok lại bị lộ lọt ra ngoài, để cho các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, đại diện truyền thông của TikTok xin hẹn trả lời sau vì có nhiều nguồn lộ lọt thông tin khác cần phải kiểm tra.
Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng cho biết: "Tình trạng mạo danh các thương hiệu phổ biến để lừa đảo qua mạng hiện nay xuất hiện rất nhiều. Thủ đoạn chung của các đối tượng này là thông báo cho nạn nhân qua tin nhắn, email, hoặc cuộc gọi báo đã trúng giải thưởng lớn dù không hề tham gia bất kỳ chương trình nào. Thêm vào đó, đối tượng sẽ lợi dụng tên tuổi của các tổ chức, công ty lớn để tạo lòng tin, như các nhãn hiệu điện thoại, xe hơi, hoặc các nhãn hàng nổi tiếng. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như số CCCD, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu nạn nhân chuyển khoản một khoản tiền (phí vận chuyển, thuế) để nhận giải thưởng. Thậm chí, đối tượng còn thường tạo áp lực về thời gian, yêu cầu bạn phải hành động ngay lập tức, nếu không sẽ mất phần thưởng".
Vấn nạn giả mạo shipper
Mặc dù đã được Thanh Niên cảnh báo nhiều lần, nhưng tình trạng giả mạo shipper để lừa đảo vẫn diễn ra ngày càng dày đặc hơn. Thông qua kênh Chongluadao.vn, trong tuần qua đã ghi nhận khá nhiều báo cáo liên quan đến tình trạng giả mạo này. Nạn nhân P.Q.B trình bày: "Trong ngày 12.10, tôi đã bị các đối tượng lạ gọi điện giả danh làm người giao hàng lừa đảo chiếm đoạt của tôi tổng cộng hơn 172 triệu đồng.
Những đối tượng này đã thu thập thông tin mua hàng trên mạng của tôi, sau đó giả danh là nhân viên giao hàng của đơn vị Giao Hàng Tiết Kiệm gọi điện hỏi tôi có nhà không để giao món hàng trị giá 156.000 đồng. Do không có ở nhà để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên tôi đồng ý chuyển khoản thanh toán cho họ. Sau khi chuyển khoản thành công, đối tượng thông báo có sự nhầm lẫn số tài khoản, nói rằng đây là số tài khoản đăng ký hội viên, hệ thống sẽ tự động trừ 3 - 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Sau đó đối tượng gửi đường link liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ. Nhận thấy người gọi điện cung cấp đúng thông tin tên người đặt, địa chỉ nhận, món hàng mà tôi đã đặt trực tuyến, nên tôi đã tin tưởng bấm vào đường liên kết giả mạo, sập bẫy làm theo hướng dẫn của bên "Giao hàng tiết kiệm giả mạo" và đã chuyển khoản vào nhiều tài khoản khác nhau tên LE MINH HUNG của đối tượng lừa đảo với tổng cộng số tiền là 172 triệu đồng. Sau đó, chúng còn dụ dỗ rằng "chúng tôi là công ty lớn uy tín nên không chiếm đoạt tiền của khách hàng. Và hứa sau khi hoàn thành quy trình sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền".
Rất nhiều trường hợp mạo danh shipper các đơn vị vận chuyển khác cũng được ghi nhận trong tuần qua. Chiêu thức chung là sau khi người nhận điện thoại yêu cầu gửi ở bảo vệ và nhắn tài khoản để thanh toán đơn hàng, nhưng thực chất không có hàng hóa nào cả và luôn là số tiền nhỏ để người nhận hàng chủ quan, xem thường. Sau khi nạn nhân chuyển khoản số tiền mua hàng thành công, đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại lại và xin lỗi đây là tài khoản doanh nghiệp không được đưa cho khách hàng, và hăm dọa rằng nếu chuyển vô tài khoản này thì mặc định khách hàng sẽ được làm thẻ thanh toán vận chuyển mỗi tháng trừ 3,5 triệu đồng.
Để hủy đăng ký làm thẻ, đối tượng lừa đảo đề nghị khách liên hệ đến tài khoản Facebook cá nhân giả mạo bưu điện VN. Khi nạn nhân liên hệ với tài khoản Facebook này để hủy đăng ký thì chủ kênh sẽ yêu cầu bật tính năng chia sẻ màn hình trên Facebook và yêu cầu người dùng truy cập vào đường link xmap2.com để được hoàn tiền. Sau đó, viện lý do trục trặc, các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào tài khoản ứng dụng ngân hàng để nạp số tiền 3,5 triệu đồng và yêu cầu kích hoạt tính năng tài chính doanh nghiệp để nhận số tiền bồi thường nhanh nhất có thể. Đây là kịch bản dẫn dụ người dùng từng bước sập bẫy chuyển tiền qua mạng cho các đối tượng lừa đảo.
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia an ninh mạng nhận định: "Hiện nay các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như nghiên cứu rất kỹ thói quen, tâm lý của người bị hại, chuẩn bị rất nhiều phương án phối hợp nhịp nhàng để lừa đảo. Quan trọng nhất là họ đã thu thập thông tin cá nhân, thông tin, lịch sử đặt hàng để liên hệ, không ít người vì chủ quan nên đã sập bẫy. Với mỗi đơn hàng chiếm đoạt, những đối tượng này có thể chiếm đoạt từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng. Nhiều người đã mất tiền nhưng lo ngại phiền phức và số tiền không quá lớn nên đã không trình báo cơ quan công an. Vì vậy những đối tượng lừa đảo này ngày càng gia tăng và số tiền chiếm đoạt cũng không hề nhỏ. Nếu người nhận nói rằng có thể nhận hàng trực tiếp, chúng sẽ lập tức tắt máy. Rõ ràng đối tượng mà nhóm lừa đảo nhắm đến là những người thường xuyên bận rộn, không thể trực tiếp nhận hàng".
Người dân nên thận trọng và cảnh giác trước những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc mời tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí. Chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ.
Cục An toàn thông tin
Bình luận (0)