Khi tiếp xúc dòng nước lạnh, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng nhịp tim, tăng lượng ô xy hấp thụ và cả sự tỉnh táo. Thế nhưng, những tác động này cũng có thể đẩy huyết áp lên cao. Với một số người, huyết áp tăng sẽ kèm theo nguy hiểm tiềm ẩn của đau tim hoặc đột quỵ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Tiếp xúc với nước lạnh một cách đột ngột có thể khiến cơ thể bị sốc, làm các mạch máu co lại. Nhip tim cũng sẽ phản ứng bằng cách đập nhanh hơn. Các phản ứng này khiến tim làm việc nhiều hơn và đẩy huyết áp tăng.
Thân nhiệt lúc bình thường sẽ ở khoảng 37 độ C. Tắm hay ngâm mình trong nước lạnh có thể khiến thân nhiệt giảm. Nếu giảm xuống dưới 35 độ C thì sẽ dẫn đến hạ thân nhiệt. Lúc này, cơ tim có thể bị tổn thương. Hạ thân nhiệt có khả năng xảy ra ngay cả ở người trẻ và khỏe mạnh.
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy nhiệt độ nước tắm trung bình giảm 1 độ C thì nguy cơ tử vong sẽ tăng thêm 0,49%. Ngoài nhiệt độ nước, các yếu tố khác từ môi trường cũng ảnh hưởng đến nguy cơ đau tim, chẳng hạn như thay đổi áp suất khí quyển, độ ẩm thấp và gió. Các tác nhân này có thể kích hoạt cơ thể phản ứng tiêu cực bằng cách tăng hoạt động của hệ thần kinh, khiến mạch máu co lại, gây co thắt cơ phổi, thậm chí làm đặc máu, gây căng thẳng cho tim.
Những người mắc bệnh tim hay phổi được khuyến cáo là cần hạn chế tắm nước lạnh. Thai phụ trước khi tắm nước lạnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Thay vào đó, những người này được khuyến cáo tắm ở nhiệt độ nước từ 28 đến 32 độ C. Đây là khung nhiệt độ được xem là an toàn cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài tiếp xúc với nước lạnh đột ngột thì vẫn còn nhiều nguyên nhân khác có thể góp phần gây đau tim. Những nguyên nhân này gồm lão hóa, tiền sử gia đình mắc bệnh tim, huyết áp cao, cholesterol cao. Lối sống ít vận động và chế độ ăn nhiều đường bột, chất béo có hại cũng góp phần vào nguy cơ đau tim, theo Healthline.
Bình luận (0)