Câu chuyện gia đình luôn là đề tài giàu nội dung cho các nhà làm phim khai thác, đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Những bộ phim dưới đây phần nào phản ánh thực tế về những hoàn cảnh éo le, xảy ra trong cuộc sống của mẹ chồng - nàng dâu.
Bà Phương Sống chung với mẹ chồng
Trong phim, NSND Lan Hương vào vai bà Phương, một bà mẹ chồng ở nhà làm nội trợ nên có lối sống tiết kiệm, luôn bảo bọc con trai và coi con trai là "cục vàng". Khi bắt đầu sống chung với con dâu, bà Phương đã để lộ nhiều tính xấu, kiểm soát con cái quá mức, thậm chí cả chuyện "giường chiếu" của con trai.
Bà còn mất lịch sự khi luôn tự ý vào phòng con cái mà không hề gõ cửa, vu oan con dâu, nói xấu con dâu sau lưng con trai, can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con cái nên dần làm rạn nứt tình cảm vợ chồng của con trai.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khi bà Phương là tác nhân gián tiếp khiến con dâu sảy thai và tiếp tay cho kẻ thứ 3 để đuổi nàng dâu ra khỏi gia đình mình, đón người thứ 3 về chung sống.
Hình ảnh quá đỗi xấu xí của người mẹ chồng này khiến cộng đồng mạng lên án. Hàng loạt bi kịch gia đình bắt đầu từ người mẹ chồng, khiến cô con dâu như rơi vào trong "địa ngục" và bị cô lập ngay trong chính căn nhà của mình.
Bà Hiền Thương ngày nắng về
Trong phim Thương ngày nắng về, NSND Lan Hương một lần nữa hóa thân vào vai bà mẹ chồng tên Hiền mà chẳng hiền chút nào, mẹ chồng của Khánh (Lan Phương), cô con dâu phải cưới vội vì có bầu trước hôn nhân.
Trong phim, bà Hiền đã thể hiện bản chất là một bà mẹ chồng quá quắt, ham hư vinh, bênh con gái vô lối, coi thường con dâu. Hình ảnh bà Hiền gây ức chế cho khán giả xem phim.
Là một bà mẹ chồng hiện đại, bà Hiền ngày nào cũng "quần là áo lượt" đi ăn, đi nhảy đầm cùng hội bạn già, không quan tâm đến con, cháu. Khi con gái cần tiền đầu tư, bà Hiền đòi vàng cưới của vợ chồng con trai cho con gái mượn, đổ vấy con dâu đánh tráo khi phát hiện đó là vàng giả. Quá đáng hơn, bà còn cùng con gái vu oan cho con dâu ngoại tình, chỉ trích mẹ đẻ của Khánh là… không biết dạy con.
Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu giữa bà Hiền và Khánh ngày càng tăng lên đỉnh điểm chỉ vì bà Hiền bảo vệ cô con gái hư hỏng một cách quá đà. Nhân vật này bị ghét đến nỗi NSND Lan Hương từng đùa vui rằng "biết thế không nhận vai" vì ra đường sợ bị chỉ trích quá đà.
Bà Kim Hoa hồng trên ngực trái
Nhân vật mẹ chồng trong phim Hoa hồng trên ngực trái đã khiến NSƯT Thanh Quý trở thành bà mẹ chồng mưu mô, thủ đoạn nhất. Lý do bà ghét con dâu hết sức vớ vẩn, chỉ là do nhìn thấy chồng mình hôn người phụ nữ trong tấm hình có dung nhan giống với San (Diệu Hương) - con dâu, không tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện bà Kim mặc nhiên cho rằng chồng mình và con dâu có gian tình với nhau. Bà liên tục dùng nhiều chiêu trò buộc con trai phải ly hôn.
Với mục đích tống cổ con dâu ra khỏi nhà, bà Kim đã không từ mọi thủ đoạn, khiến người xem cũng phải giật mình. Bà giả điên đánh con dâu cho hả dạ, mua quà gửi cho San vu khống con dâu có nhân tình, thậm chí còn bỏ thuốc tránh thai vào nước cam cho San uống. Mọi âm mưu khi bị phát hiện, bà cũng không thành tâm hối lỗi mà vẫn cố đổ lỗi cho con dâu. Chính điều đó dẫn đến bi kịch San và Dũng (chồng San) đường ai nấy đi.
"Tránh xây dựng nhân vật một chiều, cực đoan thái quá"
ThS Hoàng Dạ Vũ, Phó viện trưởng Viện Sân khấu - Điện ảnh (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), cho biết: "Dù trong cuộc sống đúng là có những câu chuyện và nguyên mẫu mẹ chồng ghê gớm, thậm chí còn hơn những gì được thể hiện trên phim, nhưng theo tôi, đã làm thành phim, thành tác phẩm chiếu rộng rãi trên truyền hình thì vẫn cần sự xử lý có tính thẩm mỹ, nhân văn".
Theo bà Hoàng Dạ Vũ, điều này trước hết để đảm bảo tính chân - thiện - mỹ của nghệ thuật, đồng thời bên cạnh yếu tố giải trí, câu khách còn cần chức năng giáo dục, định hướng nhân cách, nhận thức cho thế hệ trẻ.
Việc lạm dụng, xây dựng hình ảnh mẹ chồng - nàng dâu lệch lạc, độc hại có thể gây ảnh hưởng không tích cực đến cách hiểu về hôn nhân, gia đình của các bạn trẻ, tạo nên định kiến về người mẹ chồng hiện nay.
Trong khi đó, thực tế cả trong đời sống lẫn trong phim ảnh trước đây đều có những hình tượng mẹ chồng nhân hậu, vị tha như phim Mẹ chồng tôi.
"Tôi nghĩ, các đạo diễn nên có sự điều chỉnh liều lượng, tránh xây dựng nhân vật một chiều, cực đoan thái quá, cần luôn đề cao tình người trong ứng xử giữa các nhân vật trong phim", bà Hoàng Dạ Vũ đề xuất.
Bình luận (0)