Gặp lại các bác sĩ Mỹ thuộc Tổ chức Y khoa International Extremity Project và bác sĩ
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, những người từng phẫu thuật giúp mình “đổi đời”, Đoàn Dạ Thảo (36 tuổi, ngụ H.Bình Tân, Vĩnh Long) chợt oà khóc. Nước mắt ướt nhoà, Thảo ôm chặt từng ân nhân của mình để nói lời cảm ơn, khiến ai cũng xúc động.
Chị Đoàn Dạ Thảo khóc oà hạnh phúc khi gặp lại những bác sĩ đã phẫu thuật giúp cô có một cuộc sống thay đổi hoàn toàn
|
“Như được sinh ra lần hai”
Những bác sĩ Mỹ 20 năm “sửa chân” cho bệnh nhân dị tật miền Tây
|
Nhìn những bước đi tự tin của Dạ Thảo, ít ai ngờ rằng, chị đã từng sống những ngày tháng dài trong tự ti, mặc cảm với bàn chân dị tật, lật qua một bên. Biến chứng của cơn sốt bại liệt từ lúc cô còn nhỏ đã khiến Thảo không thể
đi đứng bình thường như những đứa trẻ khác.
“Từ nhỏ, tôi không không muốn đi đâu cả vì luôn bị ám ảnh bởi ánh mắt của những người khác nhìn mình, một đứa què quặt. Lớn lên đi xin việc, có người nói là họ không phải nơi từ thiện để nhận người như tôi dù mình vẫn còn hai tay”, Thảo nhớ lại.
Dạ Thảo ôm cám ơn từng ân nhân khiến mọi người ai cũng xúc động
|
May mắn mỉm cười với Thảo khi năm 2017, cô được chọn là một trong những bệnh nhân được hỗ trợ phẫu thuật trong chương trình hợp tác giữa đoàn Tổ chức Y khoa International Extremity Project và Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Giờ đây, 2 năm sau ca phẫu thuật “chỉnh sửa” lại bàn chân, cuộc đời Thảo thay đổi hoàn toàn… “Không biết phải cảm ơn các bác sĩ Mỹ và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ như thế nào. Họ đã sinh ra tôi lần thứ hai”, Dạ Thảo xúc động nói và cho biết, bây giờ cô cảm thấy mình đã có được 90% khả năng vận động của một người bình thường. Điều mà trước đây, cô chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Giờ đây, không chỉ tự tin, lạc quan hơn, Thảo đã trở thành một thợ làm đẹp lành nghề. Hiện cô đang chuẩn bị thủ tục để đi Tây Ban Nha làm cho tiệm nail của người quen với bao hy vọng vào một tương lại tươi sáng.
Dạ Thảo vui mừng cho biết, giờ đây cô đã có thể đi đứng như người bình thường, không còn mặc cảm, tự ti nữa. Cô cũng đã có được nghề nghiệp ổn định và chuẩn bị đi Tây Ban Nha làm việc
|
20 năm “sửa” chân dị tật
Không chỉ Đoàn Dạ Thảo, trong suốt 20 năm qua, đã có hàng trăm bệnh nhân bị các dị tật cổ bàn chân thực sự thay đổi cuộc đời nhờ chương trình hợp tác giữa Tổ chức Y khoa International Extremity Project và Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp giống như Thảo khi họ trở lại sau 2 năm, 5 năm, 10 năm. Họ đến từ những nơi khó khăn nhưng có người đã trở thành luật sư, kiến trúc sư, thậm chí bác sĩ. Cuộc sống của họ thay đổi và điều quan trọng nữa là nhiều người từng mặc cảm nghĩ rằng không thể nào có thể có cuộc đời như người bình thường, nhưng sau khi được giải phẫu rồi thì cuộc đời của họ được chuyển đổi hoàn toàn, thay đổi cả cách nhìn của những người khác đối với họ”, bác sĩ Bruce Lehnert, người sáng lập International Extremity Project cho biết.
BS. Bruce Lehnert, người sáng lập International Extremity Project cho biết, ông đến Việt Nam lần đầu khi còn rất trẻ và giờ đã trung niên mái tóc đã nhiều sợi bạc. Suốt chặng đường đó, ông và các cộng sự trẻ ở Cần Thơ đã cùng nhau trưởng thành
|
Bác sĩ Bruce Lehnert khởi đầu từ năm 1998, khi ông còn là một bác sĩ rất trẻ, tham gia vào một đoàn y tế tình nguyện đến Đà Nẵng khám chữa bệnh cho người dân.
“Sau chuyến đi đó, tôi về Mỹ và nghĩ tại sao mình không tự lập một đoàn thiện nguyện. Tôi đem
ý tưởng và rủ các cộng sự của tôi như BS Jeffrey Spanko và tổ chức chuyến đi đầu tiên về Việt Nam năm 1999 để tìm và điều trị cho các bệnh nhân dị tật ở chân. Và tổ chức International Extremity Project được thành lập từ đó”, ông nói.
BS. Bruce Lehnert, người sáng lập International Extremity Project (ngồi) và các cộng sự trong lần đến Cần Thơ phẫu thuật cho các bệnh nhân dị tật cổ bàn chân vào năm 2002
|
Suốt 20 năm qua, xen kẽ một năm về Cần Thơ, một năm đi châu Phi, đoàn International Extremity Project đã điều trị cho khoảng trên 500 bệnh nhân. Họ đều là các bệnh nhân trẻ tuổi bị các dị tật cổ bàn chân như bàn chân khoèo, bàn chân bẹt, bàn chân vòm, dính ngón, thừa ngón hay bị các di chứng sau chấn thương, tai nạn, sốt bại liệt, nhiễm trùng... Bao nhiều mảnh đời bất hạnh cũng được thay đổi.
Đã có rất nhiều bệnh nhân dị tật cổ bàn chân ở ĐBSCL được các bác sĩ đoàn International Extremity Project và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật miễn phí trong 20 năm qua
|
Những người bạn cùng tiến
Bác sĩ Jeffrey Spanko, một trong những người đồng hành xuyên suốt cùng ông Bruce Lehnert cho rằng, trong suốt hành trình hợp tác, ông đã nhận thấy TP. Cần Thơ phát triển không ngừng.
“Bệnh viện và chất lượng chăm sóc sức khoẻ ở ĐBSCL đã cải thiện rất nhiều. Chuyên môn của các bác sĩ làm việc với chúng tôi ngày càng tốt hơn. Đó là điều rất quan trọng, ý nghĩa với người dân ĐBSCL, nơi còn có rất nhiều người bệnh nghèo khó”, ông Jeffrey Spanko nói.
Đã có rất nhiều em nhỏ được điều trị sớm đã dễ dàng hoà nhập được cuộc sống. Sau phẫu thuật, các em đi đứng bình thường, tự tin và tránh được những tổn thương tâm lý do mặc cảm dị tật
|
BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, người đã làm việc cùng đoàn International Extremity Project hơn chục năm qua cho biết, những ca phẫu thuật phối hợp giữa các bác sĩ Mỹ và bệnh viện đem lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Không chỉ cải thiện chức năng vận động,
thẩm mỹ mà còn thay đổi tinh thần, thái độ sống của người bệnh.
“Có nhiều em nhỏ được điều trị sớm đã dễ dàng hoà nhập được cuộc sống. Sau phẫu thuật, các em đi đứng bình thường, tự tin và tránh được những tổn thương tâm lý do mặc cảm dị tật”, bác sĩ Thống Em nói.
Việc khám và sàng lọc được bàn tính kỹ lưỡng để mang lại hiệu quả cao cũng như khả năng phục hồi vận động tốt nhất cho bệnh nhân
|
Qua hợp tác, những bác sĩ Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau phát triển qua đó giúp cho công việc của phối hợp hiệu quả hơn, điều trị tốt hơn cho bệnh nhân
|
Chính sự thay đổi đầy tích cực của bệnh nhân sau phẫu thuật là động lực để hợp tác giữa các bác sĩ Mỹ và Cần Thơ được duy trì và sẽ tiếp tục tiến triển.
“Chúng tôi những bác sĩ Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau phát triển. Sự trưởng thành đã giúp cho công việc của chúng tôi phối hợp hiệu quả, điều trị tốt hơn cho bệnh nhân”, người sáng lập International Extremity Project nói và hy vọng, những gia đình có người thân bị các dị tật cổ bàn chân sẽ tìm thấy những cơ hội chữa trị sớm. “International Extremity Project chắc chắn sẽ trở lại Cần Thơ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bệnh nhân hết mình”.
Đầu năm 2020, các bác sĩ Mỹ thuộc tổ chức International Extremity Project và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã khám sàng lọc cho hàng trăm bệnh nhân bị các dị tật cổ bàn chân... Qua đó, chọn được 38 trường hợp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ phẫu thuật sớm nhất có thể. Tất cả ca mổ được tiến hành thành công sau đó, mang lại cơ hội phục hồi lớn cho bệnh nhân.
|
Bình luận (0)