Tướng cướp khét tiếng từng huyết chiến bảo kê 300 gái mại dâm 'gác kiếm' làm từ thiện

Như Lịch
Như Lịch
04/09/2019 12:10 GMT+7

Bền bỉ giúp người khác và lấy đó làm niềm vui, lẽ sống. Họ có thể là tướng cướp “gác kiếm” , là cô dẫn chương trình xinh đẹp, hay chị nội trợ lặng thầm... Người tốt luôn ở đâu đó quanh ta!

Không ít người nghi ngại khi nghe tin tướng cướp Lê Lam (quê Quảng Trị, hiện ngụ TX.Thuận An, Bình Dương) từ bỏ chốn giang hồ. Nhưng không chỉ “gác kiếm”, gần 15 năm nay, ông Lê Lam tham gia cứu giúp hàng ngàn mảnh đời bất hạnh.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông trải lòng: “Cứ 10 thằng bạn giang hồ của tui thì 8 thằng đã chết vì ma túy hoặc si đa, chết trong tù, chết nhảy tàu, chết vượt biển… Hôm nay tui ngồi đây, còn có một mái ấm là quá may mắn!”.

Xưa “sát gái”, nay cứu người

Dù sớm dở dang việc học, nhưng phải công nhận Lê Lam nói chuyện rất thu hút. Ông kể: “Hồi trước ít ai biết tui đầu trộm đuôi cướp. Tui để tóc dài lãng tử, người mảnh khảnh, nói năng lôi cuốn nên quyến rũ biết bao cô gái. Có dạo công an bắt tui hai lần, nhưng thả ra vì tưởng lầm người”.

Một thời quá khứ tội lỗi của tướng cướp Lê Lam

Ảnh: NVCC

Trong số người mê mẩn Lê Lam, có tiểu thư Alan (Liên) - con gái gia đình Hoa kiều giàu có ở chợ Long Khánh, Đồng Nai. Cả khi Lê Lam bị lộ chân tướng, Alan vẫn lặn lội thăm nuôi ông trong tù. Thề non hẹn biển cùng Alan, nhưng Lê Lam về quê vài ngày đã tán tỉnh và cưới cô gái khác làm vợ, tạo vỏ bọc để vượt biên...

Tướng cướp hung hãn rơm rớm nước mắt kể về những lần đánh mẹ rớt xuống ao đánh cha rơi xuống biển

Sau khi hoàn lương, Lê Lam vận dụng khiếu ăn nói “sát gái” ngày trước để kêu gọi giúp người hoạn nạn. Ông chia sẻ: “Chỗ nào không ai đi thì mình đi, nơi không ai biết thì mình biết, người không ai cứu thì mình cứu. Người ho lao giai đoạn cuối, hay bị lở loét toàn thân... mình đều ôm họ, thương bằng trái tim. Khi xưa tui làm cướp là đại ca, giờ làm từ thiện cũng là trưởng đoàn, nhiều người xa gần đều thích đi cùng”.

Ông Lê Lam - Ảnh: Như Lịch

Suốt 15 năm nay, nhóm của ông đã thực hiện hàng ngàn phim ký sự từ thiện (Một kiếp hoa sim, Sầu đông lẻ bóng, Sương đêm, Ngựa hoang, Bụi trần...). Trong đó, Lê Lam cầm micro dẫn chuyện theo kiểu ứng biến tại chỗ, không soạn trước kịch bản. Ông quan niệm phải nói năng làm sao để người xem “thấy đứt ruột đứt gan, cho tiền nạn nhân”. Chẳng hạn, diễn tả cảnh bi đát của một gia đình có con bị chất độc da cam, Lê Lam vào đề: Hôm nay chúng tôi đến đây giữa cơn nắng, nắng gọi mưa, hay nắng gọi nước mắt, nắng của nghèo khổ tan tành. Tịnh Long (pháp danh của ông Lê Lam - PV) thấy một người đưa chân múa tay mừng rỡ với thân thể tàn tạ, đau thương trên chiếc võng suốt 37 năm qua...
Với trường hợp thương tâm khác, trước khi để nhân vật xuất hiện, Lê Lam quay cận cảnh cái bếp và tường thuật: Bây giờ đã 12 giờ trưa nhưng ba ông táo đứng nhìn mặt nhau thật buồn thảm. Mà xoong có nằm trên đầu ông táo đâu và trong xoong chẳng có gì. Còn con mèo này nhìn Tịnh Long nhấp nháy, chắc nó nói chủ nhà nó gần chết rồi quý vị ạ...
Rất nhiều nạn nhân sau khi “lên sóng” (phát trên YouTube, kèm địa chỉ cụ thể) đã được giúp chữa bệnh, làm nhà, lập nghiệp, thậm chí đổi đời.
Làm người tốt có khó không? Ông Lê Lam nhìn nhận: “Cái khó là liên tục đấu tranh bản thân và tìm lại chính mình, bởi kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Ai cũng tưởng làm từ thiện dễ nhưng thực chất rất nguy hiểm, bởi luôn đối diện cám dỗ danh lợi”.

Qua tìm hiểu, tôi biết anh Lê Lam từng là tướng cướp. Từ khi ảnh mua nhà về đây ở gần chục năm nay, tôi thấy ảnh sống đàng hoàng, chỉ làm từ thiện. Ảnh giúp đỡ nhiều người nghèo ở khu phố và cũng là mạnh thường quân của phường này. 

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng ban điều hành KP.Nguyễn Trãi, P.Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương

Ly kỳ cuộc hoàn lương

Sinh ra ở làng chài thuộc H.Hải Lăng, Quảng Trị trong một gia đình nghèo, Lê Lam đi giữ bò mướn. Cả ngày lang thang ngoài đồng bãi, Lê Lam và đám bạn chăn bò nhổ trộm khoai lang khoai mì nướng ăn, tiến tới ăn cắp con gà, đầu heo (cúng) rồi dần trở thành một tướng cướp khét tiếng.
Ông Lam chia sẻ: “Tui nghiệm ra giáo dục của gia đình vô cùng quan trọng. Mầm mống cái xấu của tui từ việc nhỏ nhặt, nhưng không được ai chặn lại. Từ chỗ đó, tui cứ trượt dài và phải trả giá gần 16 năm tù trong nước lẫn nước ngoài”.

Ông Lê Lam làm phim ký sự từ thiện
Ảnh: NVCC

Lê Lam cho hay ở tuổi thiếu niên, ông tham gia gần 300 vụ trộm. Ra khỏi trại giáo dưỡng, Lê Lam nhập vào băng cướp chuyên “ăn hàng” trên tàu hỏa. Năm 1980, Lê Lam huyết chiến để tranh đoạt địa bàn bảo kê, ăn chặn tiền của khoảng 300 gái mại dâm tại tỉnh Đồng Nai và các vùng lân cận. Trốn lệnh truy nã, Lê Lam xuống miền Tây rồi ngược ra miền Trung, thực hiện nhiều vụ trộm cướp táo tợn trước khi bị bắt giam.
Năm 1988, Lê Lam tổ chức cướp thuyền ngư dân và vượt biên trái phép. Tại trại tị nạn Hồng Kông, Lê Lam tập hợp đàn em gây nên những vụ cướp bóc, đâm chém và đốt trại. Lê Lam cướp tàu chạy sang Nhật Bản, tiếp tục giao chiến đẫm máu với băng nhóm khác… Năm 1994, ông bị trục xuất về VN. Nhưng hơn 10 năm sau, Lê Lam mới thật sự hoàn lương.
Ông kể, năm 2001, ông dùng lốp, ruột xe phế thải nấu khoai lang bán cho công nhân khu công nghiệp Đồng An (tỉnh Bình Dương). Tro đen bay vào nhà dân, khiến nhiều người định tìm ông đánh. Thấy Lê Lam bặm trợn, xăm trổ đầy mình, họ thoái lui, trừ một người tên Trường lân la làm quen.
Ban đầu, ông Trường mời Lê Lam đi uống cà phê. Lần khác, ông mở lời: Chú Lam làm vài lon bia không, chắc chú ghiền thịt cầy hả? Lê Lam đáp như reo: Ồ, thịt cầy em ghiền số một! Thịt cầy lá mơ mà trời mưa mưa như ri, còn chi bằng!... Lê Lam nhớ lại: “Trong ba năm, ông Trường “đánh gục” tui lúc nào không hay. Ông thường khen tui giỏi, nên tui rất khoái. Từ chỗ giúp tui về vật chất, tinh thần, ông dần dà nói về cuộc đời, về giang hồ, về nhân quả. Tui bất ngờ khi biết ông ăn chay trường, có con xuất gia. Vậy mà ông không câu nệ cùng tui ăn thịt chó, tức là chịu lao vô hang sâu để bắt cọp. Nếu lúc mới gặp, ông rao giảng tôn giáo, đạo đức này nọ, chắc chắn tui không nghe đâu!”.
Chuyện Lê Lam giã biệt ma túy cũng khá “lạ lùng”, khi một suy nghĩ xẹt qua đầu ông: “Không ai cạy răng đưa ma túy vô miệng mình, mà do ý và tâm mình. Nên tự mình phải bỏ nó, còn công an, gia đình, các loại thuốc men chỉ là phụ trợ bên ngoài”. Và ông đã vượt qua thành công.

Ảnh: Minh Luân

Lê Lam cho hay sau khi ông lên chùa Hoằng Pháp sám hối (năm 2005), ông Trường bỗng “mất tích”. Cách đây hai năm, Lê Lam gặp ân nhân đang ẩn tu ở Quảng Trị.
Chúng tôi thắc mắc có ai nhận ra ông là tướng cướp Lê Lam ngày trước không, ông cười to: “Nhiều người gặp tui, kêu: Ô, chào anh, chào chú Lại Văn Sâm. Hay rứa đó!”. Còn ước mơ? “Tui ao ước gặp lại cô Alan một lần, nói lời xin lỗi cô ấy!”.

“Đàn em” Lê Lam tạo việc làm cho hơn 300 người lầm lỡ

 
Ông Lê Thừa Dương Hùng (biệt danh “Hùng sầu”, 46 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết ông từng là đàn em của Lê Lam khoảng 4 - 5 năm. Băng nhóm Lê Lam hoạt động bảo kê, đòi nợ - đâm thuê chém mướn từ Đà Nẵng tới Quảng Bình... Sau khi “đại ca” Lê Lam “gác kiếm”, Hùng “sầu” cũng cải tà quy chánh. Năm 2005, ông Hùng mở cơ sở điêu khắc gỗ Dương Hùng và hiện đã có ba chi nhánh tại TP.HCM, Lâm Đồng, Bạc Liêu. Đến nay, ông Hùng dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 người lầm lỡ (đa số mới ra tù, nghiện ma túy)...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.