Những bảo vật quốc gia mới: Qua đồng Long Giao - món quà của các thủ lĩnh Đồng Nai

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/02/2022 07:12 GMT+7

Qua đồng Long Giao cho thấy quyền lực của các thủ lĩnh Đồng Nai. Cùng với mộ Cự thạch Hàng Gòn, qua đồng cho thấy tổ chức lao động chặt chẽ, sáng tạo thời sơ sử.

Bảo vật bên miệng núi lửa

Năm 1982 trở thành mốc quan trọng của địa điểm khảo cổ học Long Giao (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Trong khi đào giếng làm rẫy tại một sườn đồi, bên miệng núi lửa cổ, một người dân là ông Nguyễn Đăng Khánh đã phát hiện cả một kho vũ khí đồng thau. Một năm sau, ông Khánh hiến tặng bộ sưu tập 15 tiêu bản qua đồng (một loại vũ khí giáp chiến với tác dụng chủ đạo là bổ, chém và móc) cho Bảo tàng Đồng Nai. “Đây là một bộ sưu tập qua đồng đồ sộ, chưa từng thấy ở bất cứ vùng nào ở VN về quy mô, sức nặng và họa tiết trang trí trên thân”, hồ sơ của Bảo tàng Đồng Nai cho biết.

Thời điểm phát hiện, sưu tập qua đồng Long Giao còn khá nguyên vẹn, chỉ một số tiêu bản bị gãy lưỡi nhưng không mất. Đa số bị phong hóa ngả màu xanh lục hoặc xám nâu. Hầu như toàn bộ rìa lưỡi đều bị mẻ dạng răng cưa. Họa tiết hoa văn trang trí trên qua đồng Long Giao phong phú và còn nhìn rõ. Các nhà nghiên cứu xác định bộ sưu tập có niên đại thế kỷ 1 đến thế kỷ 3.

Một vài hiện vật trong sưu tập qua đồng Long Giao

Bảo tàng Đồng Nai

Cũng theo Bảo tàng Đồng Nai, hoa văn qua đồng Long Giao làm bằng kỹ thuật đắp nổi và khắc vẽ. Qua có những băng trang trí hình học cân xứng ở hai mặt, dày đặc, tinh vi và sắc sảo. Đó là những vòng tròn xoáy ốc tiếp tuyến, những hình tam giác độc lập hay xếp như răng cưa, những vạch ngắn song song và chấm nổi. Đặc biệt, có cả hoa văn hình mặt trời (hoặc những cánh sao), dạng hoa văn chủ đạo và trang trọng nhất trên mặt trống đồng.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết các nghiên cứu giám định, so sánh cho thấy nhóm qua đồng Long Giao chính là sản phẩm của người thợ đúc bản địa Đồng Nai thời Sơ kỳ đồ sắt. Tại Đồng Nai, hiện tượng qua đồng được tìm thấy cùng chỗ với rìu cũng phổ biến. Sưu tập qua Long Giao tìm thấy cùng với 1 rìu đồng lưỡi trũng, qua Phú Túc tìm thấy cùng 3 rìu, qua La Ngà tìm thấy cùng 5 rìu đồng. Sự có mặt của qua đồng cạnh những chiếc rìu đồng sản phẩm bản địa được chế tạo tại chỗ với hàng trăm khuôn đúc sa thạch rất có ý nghĩa. Chính chúng xác nhận nguồn gốc của sưu tập qua đồng trên mảnh đất này.

Nhóm qua này có những đặc trưng chung của các sưu tập qua đồng hiện biết ở VN và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chúng còn có những khác biệt về kiểu dáng mang tính độc bản. Hình thức qua Long Giao khác với những nhóm qua khác tại Trung Nguyên (Hoa Bắc, Hoa Trung), Nội Mông, Triều Tiên và cả với sưu tập qua thuộc văn hóa Đông Sơn. Tất cả những điều này cho thấy văn hóa Tiền - Sơ sử Đồng Nai, giai đoạn hậu kỳ đồng - sắt sớm có sự giao lưu mạnh mẽ với các khu vực Trung Nguyên, trong địa bàn phân bố của văn hóa Đông Sơn.

Trung tâm tinh thần và các thủ lĩnh Đồng Nai

Hồ sơ bảo vật cũng cho biết những năm gần đây trên mảnh đất Đồng Nai còn phát hiện nhiều qua đồng khác như ở Long Giao, Định Quán, Biên Hòa; và cả ở Tân Uyên, Thủ Đức. Điều đó chứng tỏ vùng đất này trong buổi sơ kỳ Thời đại sắt cũng không còn thanh bình. Những qua đồng biểu tượng quyền lực của thủ lĩnh cộng đồng; trống đồng, kiếm sắt tìm được cho thấy chức năng quân sự và chính trị của đẳng cấp xã hội thực quyền. Vì thế, hồ sơ cho rằng Đồng Nai cũng chính là “một trung tâm sinh tụ - trung tâm tinh thần” một thời vang bóng của người cổ Đồng Nai.

Theo hồ sơ bảo vật, không phải ngẫu nhiên mà GS Eiji Nitta (Đại học Kagoshima, Nhật Bản) khi nghiên cứu văn hóa cổ Đồng Nai lại đặc biệt quan tâm tới kho vũ khí qua đồng Long Giao và di tích quốc gia đặc biệt mộ Cự thạch Hàng Gòn cách đó 4 km. Ông nhận định nhóm vũ khí qua đồng Long Giao được tích lũy và dự trữ qua nhiều thế hệ như “biểu tượng dành cho thủ lĩnh” của vùng này. Vị thủ lĩnh chiếm hữu sưu tập qua như biểu tượng uy quyền của mình có thể được chôn chính trong mộ Cự thạch Hàng Gòn.

GS Eiji Nitta còn cho rằng, sau khi lưu truyền vài thế hệ, sưu tập qua đồng mới được chôn xuống kho tàng Long Giao có thể vì ở Nam bộ đã xuất hiện các “biểu tượng mới” của quyền uy thủ lĩnh thay thế chúng. Một giáo sư Nhật Bản khác là ông Keiji Imamura (Đại học Tokyo) cũng có quan điểm tương đồng về giá trị tinh thần của “kho tàng qua đồng Long Giao”.

Nếu như qua đồng Long Giao được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim Đông Nam bộ thời Sơ sắt, thì mộ Cự thạch Hàng Gòn lại là quần thể kiến trúc cự thạch độc nhất vô nhị ở miền đất này. Mộ cho thấy tài tổ chức lao động tập thể, việc khai thác vận chuyển đường trường hàng trăm tấn cự thạch và sáng tạo kiến trúc mô hình. Đó là các sản phẩm văn hóa dành riêng cho đại thủ lĩnh - các thủ lĩnh Đồng Nai. Nó cũng cho thấy “tầm cao văn hóa” của riêng Đồng Nai, khác về chất với “tầm cao Sa Huỳnh” và “tầm cao Đông Sơn” ở VN thời Sơ sắt. “Từ những đỉnh cao văn hóa - văn minh Sơ sử Đồng Nai ấy, xã hội tiền lập quốc và cuộc sống cổ sử Nam bộ lại bước sang giai đoạn phát triển mới”, hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.