Những bảo vật quốc gia mới: Sự trở về của Đài thờ Mỹ Sơn A10

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/02/2022 06:25 GMT+7

Sau khi được vẽ hồi năm 1918, giờ đây Đài thờ Mỹ Sơn đã được tìm thấy đầy đủ, ghép lại hoàn chỉnh.

Tái phát hiện

Năm 2020, những thông tin về cặp linga - yoni mới được tìm thấy tại Quảng Nam xuất hiện nhiều trên mặt báo. Theo đó, các nhà khảo cổ VN và Ấn Độ đã tìm thấy cặp linga - yoni bằng đá lớn nhất từ trước tới nay tại khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Hồ sơ bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn A10 cũng có đoạn mô tả xuất xứ hiện vật “trong lòng đền A10, khu A, khu đền tháp Mỹ Sơn”, “được phát lộ và lắp ghép hoàn chỉnh đài thờ trong chương trình trùng tu năm 2020 giữa VN và Ấn Độ. Linga - yoni và 2 khối đá thuộc đài thờ tìm thấy dưới đáy hố thiêng”.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên cặp linga - yoni là đài thờ này phát lộ. Trước đó, nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20 của nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier đã cho thấy sự tồn tại của hiện vật này. Thông tin từ cuộc họp của Hội đồng Di sản quốc gia cho biết từ năm 1918, bản vẽ và hình ảnh về đài thờ đã được H.Parmentier công bố. Những tư liệu này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Như vậy, công bố của năm 2020 chỉ là sự tái phát hiện. Ưu điểm của nghiên cứu 2020 là đã ráp lại được cặp linga - yoni này với những phần khác để trở thành Đài thờ Mỹ Sơn A10 hoàn thiện.

Cặp linga - yoni của đài thờ

TL Cục Di sản văn hóa

Bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm A, khu di sản Mỹ Sơn, H.Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch xếp thành 5 lớp chồng lên nhau. Đài thờ cao 2,26 m, dài 2,69 m, rộng 2,58 m. Bốn mặt của đài thờ có bố cục chung giống nhau gồm phần đế, thân và tượng thờ linga - yoni.

Hồ sơ bảo vật cho biết phần đế đài thờ là một lớp đá được ghép từ 9 khối đá. Bốn mặt của phần đế có bố cục trang trí khá giống nhau. Mỗi mặt gồm 3 vòm cửa giả thu nhỏ nhô ra, 1 ở giữa và 2 cửa giả ở 2 đầu. Trong mỗi vòm cửa mặt đông, tây, nam là những tu sĩ nam đứng chắp tay trước ngực. Các tu sĩ này mặc sampot có tà trước dài dưới đầu gối và hai dải thòng xuống hai bên từ đai nịt của sampot. Trong vòm cửa giữa của mặt bắc là một đạo sư có râu cằm dài chảy xuống trước ngực, ngồi theo kiểu ngồi hoàng gia.

Thân đài thờ là một khối trụ vuông. Các mặt của thân đài thờ có trang trí giống nhau với các mô típ khung viền hình chữ nhật.

Tượng thờ linga - yoni liền khối với nhau. Yoni dài 2,25 m, rộng 1,68 m. Linga có đường kính 55 cm, cao 57 cm, là hình trụ tròn, được mài nhẵn, đường gờ chạy vòng quanh linga.

Ngôi đền chính thờ Shiva

Theo hồ sơ bảo vật, Đài thờ Mỹ Sơn A10 có tượng thờ linga - yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Champa được phát hiện. Đây cũng là hiện vật tiêu biểu cho loại hình tượng thờ linga - yoni liền khối trong điêu khắc Champa. Linga chỉ có một phần tròn gắn liền với yoni cùng một khối đá, có kích thước lớn nhất trong các loại hình tượng thờ linga chỉ có một phần và liền khối với yoni.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cũng cho biết đài thờ là hiện vật tiêu biểu, duy nhất cho một giai đoạn thờ Shiva giáo thế kỷ 9 - 10 dưới vương triều Indrapura (875 - 915) của vương quốc Champa còn lại cho đến nay. Thần Shiva được thờ qua hình tượng linga - yoni với một phần tròn. Mặc dù các hình thức thờ linga - yoni tìm thấy khá nhiều sau thế kỷ 10 tại các di tích thuộc nền văn minh Champa, nhưng không có linga - yoni nào có được kỹ thuật và hình thức như Đài thờ Mỹ Sơn A10.

Hồ sơ còn nhấn mạnh việc Đài thờ Mỹ Sơn A10 bảo tồn được vật liệu và kỹ thuật xây dựng đá. Đây là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá. Kỹ thuật này chỉ còn lại tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Champa cho đến nay.

Hồ sơ bảo vật quốc gia nhận định đây là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian thờ tự Shiva giáo qua biểu tượng linga - yoni. Trong khi đó, các kiến trúc và đài thờ cùng thời như phế tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một mảng tường cổng. Đài thờ là ngôi đền chính thờ Shiva giáo tiêu biểu và duy nhất của giai đoạn thể kỷ 9 - 10 dưới vương triều Indrapura còn lại đến giờ.

Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng trong khoảng vài chục năm trước thế kỷ 10, tình hình xây dựng ở Champa rất phức tạp. Có những công trình giống nhau về phong cách xây dựng ở địa bàn cách xa nhau; lại có những công trình ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc cuối thời Đường, của Khmer tiền Angkor, của Trung Java... Mặc dù vậy, các công trình vẫn tạo nên một phong cách Đồng Dương có cá tính rõ nét nhất, đặc trưng dễ nhận thấy nhất trong lịch sử nghệ thuật Champa.

Trên nền các công trình như vậy, Hội đồng đánh giá Đài thờ Mỹ Sơn A10 thuộc phong cách Đồng Dương, nhưng có nhiều chi tiết lấy cảm hứng từ mảng chạm kiến trúc mang dấu hiệu chuyển tiếp từ phong cách Hòa Lai. Do đó, đây là một trong số ít hiện vật đại diện cho sự “chuyển mình” giữa 2 thời kỳ lớn của nghệ thuật Champa. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.