Triển lãm ảnh và buổi tọa đàm là dịp để các thế hệ học trò của NSND Đinh Bằng Phi vinh danh người thầy đã tận tụy, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật hát bội, bỏ công sức dìu dắt, chỉ dẫn qua từng vai diễn và quan trọng hơn là những công trình nghiên cứu, đúc kết những bài học từ nghệ thuật hát bội để biến thành giáo trình giảng dạy quý giá.
|
|
NSND Đinh Bằng Phi tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc gia Sài Gòn (năm 1959). Ông từng làm thầy giáo dạy các môn văn, sử, địa, nhưng rất thích tìm hiểu về nghệ thuật hát bội, trực tiếp dựng một số trích đoạn hát bội tuồng lịch sử, dã sử cho học sinh và giáo sinh sư phạm, dịch một số tác phẩm truyện ngắn tiếng Pháp…
Khoảng năm 1986, giáo sư Hoàng Châu Ký vào TP.HCM tìm hiểu về hát bội Nam bộ, nhưng hầu hết nghệ sĩ mà ông từng tiếp xúc chỉ có nghề mà không có lý luận. Theo đạo diễn Thanh Hiệp: "Các nghệ sĩ diễn xưa sao - nay vậy, nghề dạy nghề; chưa kể trình độ học vấn của đa số nghệ sĩ thời ấy thường rất thấp, thậm chí có người còn mù chữ... Vì vậy, khi gặp Đinh Bằng Phi, giáo sư Hoàng Châu Ký đã rất sửng sốt và khâm phục. Trong các cuộc họp, hội thảo, giáo sư Ký đánh giá thầy giáo Đinh Bằng Phi rất cao. Sau đó, giáo sư Trần Văn Khê, NSND Phạm Thị Thành, NSND Trọng Khôi, nhà nghiên cứu Mịch Quang, Bửu Tiến… cũng gặp gỡ và đều rất trân trọng Đinh Bằng Phi. Ông được mời đi diễn, đi dạy, nói chuyện, tham gia hội thảo, được mời dàn dựng, làm cố vấn nghệ thuật...".
|
|
|
Mặc dù gia đình thiếu cảm thông, ngăn cản nhưng trong giới làm nghề, ông lại được nhiều người nể trọng, bởi vốn kiến thức và niềm ham mê học hỏi không giới hạn. Vốn là người “ngoại đạo” đến với nghề, sau hơn 65 năm gắn bó, ông phải liên tục chấp nhận nhiều sức ép, thử thách lòng yêu nghề, sức chịu đựng đối với lựa chọn “bất thường”, thậm chí là bao điều cấm kỵ của người thân…
Điều đặc biệt nữa ở ông là hiếm có tác giả sân khấu nào sau khi đã thành danh ở lĩnh vực sáng tác lại chuyển qua làm diễn viên biểu diễn. Nói vui là ông đến với nghề theo một quy trình ngược: từ làm thầy (thầy tuồng, tác giả) chuyển qua làm trò (diễn viên)… Năm 1971, ông lập Ban Hát bội Đinh Bằng Phi, quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ có tiềm năng: Kim Thanh, Ngọc Khanh, Ngọc Dung, Xuân Quan... Bây giờ họ đều là những tên tuổi của ngành Hát bội TP.HCM và đều được phong danh hiệu NSƯT. Ban hát tuy nhỏ nhưng đi diễn hầu hết các tỉnh thành, gây chú ý trong giới vì cống hiến cho khán giả hàng loạt vở tuồng dài, đặc sắc như: Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Sự tích Trần Huyền Trang, Cánh tay Vương Tá, Trưng Nữ Vương...
|
Hơn 26 năm (từ 1977-2003), ông cộng tác với Đoàn Hát bội TP.HCM (nay là Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM), từ năm 1980 đến trước khi về hưu, ông giữ chức Phó đoàn, phụ trách chuyên môn.
100 bức ảnh do nhà báo – đạo diễn Thanh Hiệp chụp và hình ảnh tư liệu do gia đình cung cấp đã xuất hiện ở triển lãm NSND Đinh Bằng Phi - Một đời theo hát bội trong không gian yên tĩnh, lắng đọng tính nghệ thuật tại Hội Sân khấu TP.HCM, diễn ra từ ngày 18.11.2020 đến 18.1.2021.
Bình luận (0)