Và rồi sau đó, hành trình của những bước chân xanh bắt đầu. Không chỉ trẻ em vùng cao, mà bất cứ nơi đâu người dân đang cần, người dân gặp khó khăn và thậm chí là những vùng nguy hiểm khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ thì những bước chân của các bạn trẻ chúng tôi vẫn có mặt.
Tháng 6.2020, nhóm thiện nguyện "Những bước chân xanh" ra đời. Đây là dự án tập trung giúp đỡ những em nhỏ ở vùng cao. Dự án này đã có sự tham gia của các bạn trẻ có chung tinh thần thiện nguyện, vì cộng đồng, muốn đóng góp sức trẻ để cứu giúp những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu chính của nhóm là giúp các em có điều kiện học tập, đến trường thông qua việc xây trường, xây đường, cải tạo thư viện, tặng sách, vở, những bữa cơm trưa tại trường… Ngoài ra, những hoàn cảnh khó khăn gặp biến cố, tai nạn nhưng không thể xoay sở, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hoặc tương lai, nhóm cũng sẽ có các định hướng giúp đỡ phù hợp tùy theo mỗi trường hợp.
Trong suốt thời gian hoạt động, nhóm luôn nỗ lực hết mình với việc chia sẻ khó khăn với xã hội. Điển hình là việc cứu trợ những nơi cô lập vùng rốn lũ; Chiến dịch "Mùa đông cho em", "Trăm rằm bản cao" ở các vùng Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tây nguyên; chuyến xuyên Việt mang "Tết yêu thương" đến các tỉnh vùng cao; dự án "Con nuôi", "Sức khỏe cho em" ở các tỉnh Tây Nguyên và Hà Giang; Dự án dạy tiếng Anh "Ước mơ xanh" cho các em nhỏ vùng cao; Dự án hỗ trợ cho các trường hợp mồ côi, đặc biệt khó khăn với dự án "Ước mơ xanh" ...
Đó là cả một chặng đường dài, nhiều khó khăn nhưng Long và cả nhóm chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Trong chuỗi hành trình đã qua, có lẽ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất là những đợt cả nhóm đi cứu trợ lũ lụt tại khúc ruột miền Trung. Nhớ lần đợt lũ tại Quảng Bình, hơn 15 ngày liền nhóm chúng tôi dầm mình trong mưa lũ, từ sáng cho đến tận đêm khuya, và động viên nhau cố gắng tiếp cận, mang nhu yếu phẩm trao cho người dân miền Trung, mong họ sớm vượt qua cơn hoạn nạn. Nhiều người hỏi tại sao chúng tôi làm không quản ngày đêm, không quản những khó khăn và hiểm nguy trong mưa lũ để cứu trợ người dân? Câu trả lời của chúng tôi đơn giản là vì miền Trung sinh ra chúng tôi sức dài vai rộng, thì chúng tôi trở về gánh vác phụ miền Trung.
Đó là những ngày nước cao kèm theo gió tạo những con sóng mạnh đập liên tục làm sập nhà và ngập tới nóc. Khi chúng tôi tiếp cận, dù nước đã rút bớt gần 2 m nhưng vẫn lút đầu, mọi nơi chỉ di chuyển được bằng thuyền, đặc biệt những vùng sâu phải có cano mới tiếp cận được. Những ngày ấy là những ngày thật sự vất vả đối với tôi và cả nhóm, giữa mênh mông biển nước, sóng vỗ liên hồi, đôi lúc phải nhìn cột điện để làm dấu, chuẩn bị tâm lý thoát thân ở nơi nước xiết.
Cái lạnh buốt người trong mưa do mất sức, từ sáng cho đến tối, anh em ăn mì gói sống và động viên nhau cố gắng tiếp cận những vùng sâu đang cô lập vì mưa lũ. Có những lúc nước ngập tới cổ, anh em chúng tôi lại bám víu nhau để vượt qua, đi cho đến khi nước chảy xiết quá thì thôi, có khi đói mà mệt quá ăn không nỗi, thiếu ngủ nên mắt cứ lờ đờ nhưng vẫn gắng gượng vì dân đang chờ mình. Cứ vậy đó, cả nhóm động viên nhau cùng chung sức vì miền Trung ruột thịt…
Mỗi chuyến đi đều là những hành trình ý nghĩa đối với Long và bạn bè. Điều ấm áp chính là mình nhìn thấy nụ cười của các em nhỏ, thấy được khát khao đến trường của các em.
Và hành trình này sẽ còn rất dài, chúng tôi vẫn đi, vẫn dấn thân vào những vùng nguy hiểm bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ… bất cứ nơi đâu người dân cần. Chúng tôi vẫn đi vì nụ cười của những em nhỏ vùng cao và cả những khát khao cần được chắp cánh của các em. Và chúng tôi vẫn đi, những bước chân xanh không bao giờ mỏi vì 2 tiếng đồng bào thiêng liêng.
Bình luận (0)