Tổng hợp từ nhiều bài báo viết về cách kiếm, tiết kiệm và đầu tư tiền bạc trong năm 2015, dưới đây là một số gợi ý giúp bạn khởi đầu năm 2016 với nền tảng tài chính cá nhân vững chắc.
Ảnh: Shutterstock |
Xác định mục tiêu tiền bạc lớn và chia sẻ với bạn bè
Chia sẻ các mục tiêu tài chính của bản thân với bạn bè, thậm chí là người xa lạ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, có thể giúp bạn hiểu rõ mục tiêu của mình là gì và cũng giúp bạn trở nên có trách nhiệm hơn với mục tiêu đó. Khi năm mới bắt đầu, bạn có thể cân nhắc chuyện chia sẻ mục tiêu tài chính lên Facebook, Twitter hay một trang mạng thiết lập mục tiêu như Linkagoal.
Tính toán tài sản ròng
Biết rõ mình đang sở hữu những gì là một bước quan trọng để hướng tới việc xây dựng tài sản. Vì thế, hãy dành một chút thời gian, ít nhất là một lần mỗi năm để quan sát các con số, số tài sản và khoản nợ bạn đang có để tìm ra tài sản ròng mình sở hữu.
Tối đa hóa lợi ích công sở
Nếu bạn may mắn đã có một công việc với chế độ đãi ngộ tốt, hãy chắc chắn rằng mình có thể nhận càng nhiều càng tốt các chế độ đó. Bên cạnh tiền lương, bạn nên quan sát kỹ hơn các chương trình về tài chính khi nghỉ hưu, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…
Sử dụng các ứng dụng về tiết kiệm hữu ích
Ứng dụng trên thiết bị di động khiến chuyện bảo vệ tài khoản ngân hàng khỏi kẻ trộm và tiết kiệm tiền trở nên dể dàng hơn. Một số ứng dụng tốt nhất trong khoản này là BillGuard và Key Ring.
Đồng thuận về tài chính với vợ/chồng
Thỏa thuận và phối hợp thói quen chi tiêu, tiết kiệm của bạn và người bạn đời không những giúp mối quan hệ của hai bạn suông sẻ hơn, mà còn có nghĩa là sẽ có nhiều tiền hơn chảy vào tài khoản ngân hàng chung của hai người. Một “buổi họp” hằng tháng để xem xet lại tiền bạc, phát triển kế hoạch tài chính trong 5 năm là hai trong số những cách có thể giúp bạn chi tiêu hằng ngày hợp lý hơn.
Dạy con thói quen tiền bạc thông minh
Các thói quen tiết kiệm lớn bắt đầu từ rất sớm. Chuyên gia tài chính thường khuyên bạn nên bắt đầu nói về tiền bạc và tầm quan trọng của ngân sách đối với trẻ em ngay từ lúc học mẫu giáo. Hướng dẫn và cho phép con trẻ mua, so sánh giá cả khi đi mua sắm có thể giúp chúng nâng cao hiểu biết căn bản về tài chính.
Đơn giản hóa cuộc sống số
Nếu bạn thường bị cám dỗ bởi các email thông báo khuyến mãi, tiết kiệm tuyệt vời, có thể bạn sẽ muốn xem xét việc hủy đăng ký gửi thông báo định kỳ vào hộp thư của các nhà bán lẻ.
Giữ dáng khi đang tiết kiệm tiền
Nếu bạn đang tìm kiếm cách giữ gìn vóc dáng trong lúc vẫn đang tích cực tiết kiệm tiền, một số ứng dụng di động có thể giúp bạn. Runtastic Six Pack và Johnson & Johnson 7-Minute Workout là hai trong số các ứng dụng miễn phí và hữu ích, giúp bạn không thể lấy chuyện đang tiết kiệm hay trời quá lạnh làm lời giải thích cho chuyện không tập thể dục.
Bớt mua quần áo
Quần áo có thể là yếu tố khổng lồ “hút” tiền ra khỏi túi của bạn. Song vẫn có nhiều cách để hạn chế chi tiêu mà không làm mất phong cách thời trang của bạn, chẳng hạn như tận dụng các đợt giảm giá theo mùa, trao đổi quần áo với bạn bè hay sử dụng trang web cho thuê như Rent the Runway để có bộ cánh mặc đẹp trong các sự kiện trang trọng mà vẫn tiết kiệm.
Học cách chi tiêu của những người trẻ
Những người trẻ vẫn đang ở đoạn đường khởi đầu hành trình tài chính của họ. Trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế, nhiều người tiêu dùng trẻ có thể là người tiêu dùng thông minh, sử dụng tối đa các phiếu giảm giá và tiết kiệm. Họ cũng biết cách làm thế nào để cắt giảm các khoản chi phí để dành cho chuyện du lịch.
Hiểu thêm về tài chính
Kiến thức tài chính là yếu tố quan trọng khi giúp một người trưởng thành tích lũy tài sản theo thời gian. Nếu một người hiểu các khái niệm cơ bản khi nói đến tiết kiệm, đầu tư và lãi suất kép, họ sẽ có nhiều khả năng càng ngày càng giàu hơn. Đó là lý do vì sao nỗ lực tự tìm hiểu, tự học về tài chính cá nhân, dù thông qua các chương trình giáo dục tại công sở hay hướng dẫn trực tuyến, đều có ý nghĩa.
Bình luận (0)