Những cách phòng ngừa say nắng

24/04/2023 09:19 GMT+7

Bổ sung đủ nước cho cơ thể và tránh ra ngoài trời khi nắng nóng là những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa say nắng.

Say nắng là hiện tượng thường gặp vào thời điểm nắng nóng, mùa hè. Khi không được điều trị kịp thời, say nắng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Những cách phòng ngừa say nắng - Ảnh 1.

Để phòng ngừa những hậu quả của chứng say nắng, các chuyên gia khuyên mọi người nên bổ sung đủ nước

Shutterstock

Người trên 65 tuổi và trẻ sơ sinh là những đối tượng đặc biệt dễ bị say nắng. Những người tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời cũng dễ mắc chứng say nắng hơn người thường. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể bị say nắng. Do đó, việc nhận biết được các triệu chứng say nắng là cần thiết để có thể điều trị kịp thời.

Các triệu chứng của say nắng gồm bị sốt cao (da có cảm giác nóng rát khi chạm vào), đổ mồ hôi quá nhiều, chuột rút, mạch và nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, thở nhanh, mất thăng bằng, mất phương hướng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mất nước (khô miệng và khát nước dữ dội), lượng nước tiểu thấp hoặc nước tiểu sẫm màu, hôn mê.

Chạy xe giữa trời nắng gay gắt ở TP.HCM: ‘Tắc đường là ngồi khóc luôn’

Khi phát hiện người có triệu chứng say nắng, việc cần làm đầu tiên là đưa người đó ra khỏi khu vực có nhiệt độ cao, vào phòng mát hoặc đến nơi có bóng râm. Tiếp đến, giúp người bị say nắng hạ nhiệt bằng cách bỏ bớt quần áo không cần thiết, chườm khăn mát vào các vùng sau gáy, trán, nách.

Người bị say nắng thường mất nước nghiêm trọng nên cần bổ sung nước cho họ. Dù người bị say nắng có cảm thấy tốt hơn sau các biện pháp trên, họ vẫn cần phải được đưa đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.

Để phòng ngừa những hậu quả của chứng say nắng, các chuyên gia khuyên mọi người nên bổ sung đủ nước và dùng các loại đồ uống thể thao có chất điện giải nếu có thể. Ngoài ra, mọi người không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, tránh cho trẻ em, người lớn tuổi ở trong các không gian đóng kín như ô tô, phòng kín không cửa sổ. Trong trường hợp nhất định phải ra ngoài, các chuyên gia khuyến cáo nên mặc quần áo chống nắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.