Những câu chuyện đẹp góp cho đời: 'Anh hai' của sinh viên làng đại học

Phạm Hữu
Phạm Hữu
14/10/2022 06:00 GMT+7

Từ một sinh viên khó khăn rồi thành công trong khởi nghiệp nên anh Nguyễn Ngọc Huân đã dành trọn thời gian, tình cảm, tiền bạc để giúp đỡ lại cho sinh viên.

Hơn 2 năm nay, mỗi khi có những sự cố, sự kiện ở làng đại học (ĐH) Thủ Đức hầu như anh Nguyễn Ngọc Huân (27 tuổi), công tác tại Trung tâm dịch vụ và xúc tiến đầu tư, ĐH Quốc gia TP.HCM, đều có mặt để giúp đỡ, hỗ trợ miễn phí cho các sinh viên (SV).

Hoạt động hỗ trợ sinh viên của Huân trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh

Phạm Hữu

Đi làm nhiều nghề

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Gia Lai nhưng ngay từ nhỏ chàng trai Nguyễn Ngọc Huân luôn ẩn chứa nhiều ý chí vươn lên. Chàng trai nghèo này đã thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM. Dù nhà không tiền, Huân một mình quyết tâm khăn gói đi học ĐH với nhiều hoài bão. Để được đi học, cậu phải đi làm nhiều nghề, mong sao bám trụ lại thành phố. Từ làm bảo vệ đến phục vụ nhà hàng, xếp sách, giữ xe, phụ giúp các quán ăn… Huân đều làm đủ.

Và rồi đến năm 2017, Huân khởi nghiệp với 4 dự án, đây cũng là ý chí lớn của chàng thanh niên ngày nào.

Ngọc Huân, chàng thanh niên thích làm thiện nguyện

NVCC

Dù mới chỉ thành công từ việc mua bán nhỏ, chàng trai này đã nhìn lại cần phải trả nợ cuộc đời bằng những việc làm thiết thực. “Cơ duyên từ chuyến đi lên vùng Tây Bắc, một lần xe trong đoàn bị hư, mọi người phải xuống xe trong thời tiết giá lạnh, ập vào mắt tôi là cảnh hai đứa trẻ không mặc áo. Trên tay tôi còn cầm đúng hai hộp sữa và xuống ôm chầm lấy bọn trẻ thì suy nghĩ đến chuyện mình phải làm thiện nguyện. Cái thiện nguyện của tôi bắt đầu từ hai hộp sữa đấy”, Huân kể lại.

Từ khởi nghiệp thành công, có lãi, Huân lấy tiền lãi của mình để tiếp tục hành trình thiện nguyện. Anh cũng đã mang áo ấm đến với trẻ vùng cao ngày trở lại... Và đến hẹn lại lên, mỗi năm Huân lại mang quà tặng lên vùng cao Tây Bắc.

Hỗ trợ tối đa cho sinh viên

Sau lần ở vùng cao, Huân trở về với nơi trưởng thành từ thời SV. Năm 2020, Huân thành lập Quỹ thiện nguyện SV, chuyên hỗ trợ cho cộng đồng SV và người dân ở TP.HCM. Nhất là hỗ trợ cho các SV làng ĐH Thủ Đức.

Cụ thể hơn, Huân xây dựng quỹ và hỗ trợ cho các SV gặp khó khăn trong quá trình sinh sống và học tập tại TP.HCM. Anh bắt đầu quỹ cùng những SV làm từ những công việc nhỏ nhất như: phát cháo cho người vô gia cư, thăm trại trẻ mồ côi, giúp người già tàn tật…

Hồi năm ngoái 2021, đó là thời điểm cả nước bùng dịch lớn, Huân đã dành toàn bộ thời gian, công sức, tài sản của mình vì SV. Đầu tiên là hơn 200 chuyến xe ngược xuôi mà Huân tình nguyện chở miễn phí SV rời ký túc xá ra bến xe, sân bay về quê tránh dịch.

Còn những SV không thể về quê, bị kẹt lại, loay hoay vì dịch thì lúc này Huân lại tiếp tục hành trình giúp đỡ tiếp theo. “Lúc đó tôi đăng tin lên nhóm cộng đồng ký túc xá, để lại số điện thoại, trong thời gian ngắn đã có rất nhiều cuộc gọi nhờ hỗ trợ giữ giúp đồ đạc và xin tá túc tại nhà tôi đến hết dịch”, Huân kể lại.

Đến kỳ toàn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, một lần nữa Huân lại tìm SV khó khăn giúp đỡ.

Gần 2.000 SV bị kẹt lại ở làng ĐH Thủ Đức trong đợt dịch được Huân cung cấp đều đặn lương thực mỗi tuần. “Tôi kêu gọi mọi người đóng góp chung tay, cùng SV tình nguyện khác nhập rau, củ, quả trực tiếp từ Lâm Đồng, sau đó tập kết tại khu ĐH Quốc gia rồi mang đi từng ngõ, gõ cửa từng phòng trọ phân phối cho các điểm phong tỏa có SV cư ngụ”, anh nói dù mỗi ngày bận, mệt lả, nhưng anh coi đó là ý nghĩa khi trả nợ cuộc đời.

Một kỷ niệm khác về hỗ trợ SV hồi năm ngoái của Huân là sửa xe máy giúp SV. Lần đó, nhiều xe máy của SV được gửi tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM suốt nhiều tháng bị chết máy, hư hỏng. Do vậy, khi trở lại trường học trực tiếp, SV chật vật đẩy xe máy từ tầng hầm, mang ra bên ngoài sửa chữa. Thấy vậy, một lần nữa anh lại xắn tay áo thành lập nhóm sửa xe lưu động giúp SV 24/24.

Lan tỏa được giá trị nhân văn

Ngọc Huân là người đa tài. Anh vừa khởi nghiệp với nhiều dự án lớn, dành được nhiều giải thưởng quan trọng, vừa làm việc tại một trung tâm của khối ĐH Quốc gia TP.HCM. Để hoạt động thiện nguyện bền vững, Huân cố gắng kinh doanh để sử dụng tiền của bản thân nhiều hơn hoạt động kêu gọi đóng góp. Anh xây dựng phương châm “yêu thương không chỉ là lời nói”. Điều quan trọng ở Huân là những hành động nhỏ, thiết thực nhất, đôi khi nó lại giúp ích cho cộng đồng lan tỏa được giá trị nhân văn.

Huân chia sẻ: “Dù cho công sức, thời gian mình bỏ ra thật nhiều nhưng tôi cảm thấy nó không phí. Điều tôi nhận lại được là con người mình ngày càng phát triển, thay đổi tích cực hơn. Từ một người sống nội tâm, bảo thủ đến người sống có trách nhiệm và hòa đồng với tất cả mọi người”.

Ông Trần Minh Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ và xúc tiến đầu tư, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận những hoạt động thiện nguyện của Huân không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà còn là môi trường năng động giúp SV hiểu hơn về giá trị cộng đồng. Những hoạt động Huân đã đóng góp như dịch Covid-19, ở vùng cao đều là những hoạt động mang tính nhân văn cao, kịp thời nhằm góp phần lan tỏa những hành động đẹp của SV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.