Những câu chuyên văn hóa Óc Eo mới phát hiện: Ngôi đền thờ Hindu siêu lớn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/05/2022 07:02 GMT+7

Dựa vào hồ nước, các hiện vật kiến trúc, hiện vật tôn giáo tìm thấy, các nhà khoa học cho rằng Ba Thê Óc Eo từng có một ngôi đền thờ Hindu lớn.

Từ phù điêu khắc hình Phật đến cột thiêng

Bức phù điêu khắc hình tượng Phật chùa Linh Sơn Bắc đã mau chóng được Bộ VH-TT-DL công nhận bảo vật quốc gia khi việc khai quật ở đây dừng lại. Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết phù điêu này được tìm thấy ở Ba Thê Óc Eo. Kỹ thuật tạo hình phù điêu vô cùng đơn giản, trên tổng thể chỉ có thể nhìn nhận thấy hình ảnh của Đức Phật ngồi tọa thiền, còn các chi tiết không được tạo tác một cách cụ thể. “Điều đó có thể thấy được đây là một sản phẩm được tạo ra vào thời kỳ mà Phật giáo mới được du nhập nên kỹ thuật điêu khắc và những hình ảnh về nghệ thuật Phật giáo chưa được nhận thức một cách rõ ràng”, hồ sơ bảo vật viết.

Một phát hiện quan trọng khác của cuộc khai quật là một cột biểu tượng siêu lớn. Đây là cột âm cao 60 cm, đường kính cột 20 cm, xây dựng theo kỹ thuật đào hố móng chôn cột dưới lòng đất hình chữ nhật. Bên dưới chân cột đặt 2 thanh gỗ ngắn nằm ngang dài 1,05 m nhằm kê đỡ chống lún cột. Kỹ thuật này được gọi là cột âm hay cột chôn.

(Trái) Bảo vật quốc gia Phù điêu khắc hình tượng Phật Linh Sơn Bắc, (phải) Cột biểu tượng được cho là Cột thiêng

Viện Nghiên cứu Kinh thành cung cấp

“Cột được tìm thấy độc lập, không liên quan đến các kiến trúc nhà ở xung quanh và nằm ở vị trí phía trước (phía đông), cùng hướng và cùng phương vị với di tích đền thờ Hindu giáo ở Gò Nền Chùa nên các nhà khai quật suy đoán rằng, đây có thể là loại hình cột đặc biệt, liên quan đến nghi lễ tôn giáo”, sách Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020 của Viện Nghiên cứu kinh thành nêu.

Cũng theo cuốn sách này, nghiên cứu của PGS-TS Bùi Minh Trí về các loại cột gỗ có trang trí hoa văn, chôn đứng độc lập như cột gỗ ở di tích Giồng Xoài, cách Nền Chùa khoảng 10 km về phía bắc, cho thấy đây là loại cột mang tính chất biểu trưng, biểu tượng, chứa đựng những yếu tố tôn giáo và nằm trong khuôn viên của công trình hay tổ hợp công trình kiến trúc tôn giáo đương thời. “Loại cột gỗ này có thể là một dạng cột trụ được dựng lên như một biểu tượng để tôn vinh vị thần Hindu, Vishnu giống như tính phổ biến của nó tại các đền thờ ở Ấn Độ. Tạm gọi là Cột thiêng”, PGS-TS Trí đánh giá.

Đền thờ siêu lớn

PGS-TS Trí cho biết, trước khi các nhà khảo cổ phát hiện phù điêu khắc hình tượng Phật chùa Linh Sơn Bắc, xung quanh phần lớn đã tìm thấy dấu tích đền thờ Hindu giáo. Sau đó, họ phát hiện phù điêu có khắc hình tượng Phật và một loạt dấu tích tượng Phật bằng đồng. “Những điều này chứng minh đây là một sự dung hợp giữa hai tôn giáo: Phật giáo và Hindu giáo. Đây là phát hiện có ý nghĩa quan trọng. Nó chứng tỏ ở đấy là một trung tâm tôn giáo có sự hỗn dung chứ không tách biệt. Tại trung tâm tôn giáo này, hai tôn giáo sống trong một môi trường hài hòa, trở thành một nơi không thể thiếu trong hoạt động đô thị Óc Eo xưa. Đấy cũng là hai tín ngưỡng tôn giáo của nền văn hóa Óc Eo”, ông Trí phân tích.

Ông Trí cũng chia sẻ thêm về Cột thiêng. Khi công bố nghiên cứu của mình, ông Trí đã vẽ lại cây cột này với màu xanh. “Tôi vẽ cột biểu tượng màu xanh, chôn độc lập. Phát hiện cột này chứng minh có một loạt cột, to - dài - cao, trên đó khắc hình con tiện, khắc hoa văn, thậm chí kể cả linh thú. Cột đứng ở phía trước của một công trình tôn giáo mang tính chất nghi lễ cho một đền thờ thần Shiva. Để so sánh thì nó là một kiểu cột thiêng giống như cột cây nêu, đứng ở một không gian rộng, không đứng ở không gian có nhiều kiến trúc. Phát hiện này cũng chứng minh được sự tồn tại một không gian nghi lễ tôn giáo của văn hóa Óc Eo”, ông Trí nói.

PGS-TS Đặng Văn Thắng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá kết quả khai quật tại di tích Gò Sáu Thuận, Gò Út Trạnh, Linh Sơn, Linh Sơn Bắc đã xác định phía đông sườn núi Ba Thê là một trung tâm lớn của vương quốc Phù Nam và đô thị cổ Óc Eo. Trong không gian của trung tâm tôn giáo lớn này có những ngôi đền Hindu giáo và những ngôi đền Phật giáo, phản ánh sự dung hợp văn hóa rất thú vị.

Ông Thắng cũng nhắc tới bộ sưu tập phù điêu đất nung đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Bảo tàng An Giang, vốn liên quan đến một số công trình kiến trúc đền xây dựng trên sườn núi Ba Thê và trong khu đô thị cổ Óc Eo.

“Các loại phù điêu hay tượng tròn bằng đất nung của văn hóa Óc Eo tìm thấy tại khu vực núi Ba Thê và trên cánh đồng Óc Eo đều có chức năng gắn trên các diềm hay trong các mô típ vòm (gavaksha) của kiến trúc đền Hindu giáo. Từ đây, cho chúng ta thấy một phần nào đó về những sắc thái kiến trúc riêng biệt của các đền trong các trung tâm tôn giáo ở đô thị Óc Eo và Ba Thê”, ông Thắng phân tích.

PGS-TS Thắng cũng đánh giá cao phát hiện về ngôi đền thờ tại Óc Eo - Ba Thê của Viện Nghiên cứu kinh thành. Theo ông, phát hiện này gợi mở về một vấn đề quan trọng rằng, trong không gian thiêng của các khu đền Hindu giáo ở đô thị Óc Eo hay trung tâm tôn giáo Ba Thê chắc chắn có nhiều loại công trình được xây dựng với quy mô, chức năng và hình thái kiến trúc khác nhau. Trong số các công trình đó, có loại kiến trúc đền lộ thiên, nhưng ở đó cũng có những công trình kiến trúc đền được xây dựng kiên cố theo mô hình đền kín và trên công trình này được gắn các loại phù điêu hay tượng mang phong cách đặc trưng của đền Hindu giáo Ấn Độ.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.