Phát hiện độc đáo của nhà khảo cổ Pháp về văn hóa Óc Eo

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
03/08/2021 06:23 GMT+7

Sau hơn 60 năm kể từ thời điểm nguyên tác tiếng Pháp ra đời do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Française d'Extrême Orient - EFEO) ấn hành vào năm 1959, bộ sách quý Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông (gồm 4 tập, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) lần đầu tiên ra mắt độc giả Việt Nam.

Tác giả của Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông là Louis Malleret (1901 - 1970) - một nhà khảo cổ học tên tuổi, nguyên Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - EFEO. Trong vòng hai thập kỷ cộng tác, đồng hành rồi giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Viện (từ 1950 - 1956), Louis Malleret đã thực hiện nhiều chương trình khai quật khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long từ những năm 1937 - 1944, và là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống, đầy đủ về các di chỉ văn hóa Óc Eo.
Bằng nhiều nguồn tài liệu từ Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo (An Giang) hợp tác với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, NXB Tổng hợp TP.HCM đã hoàn thành bản thảo tập 2 của bộ sách có tên gọi Văn minh vật chất Óc Eo với sự tổ chức, biên dịch chu đáo của những tên tuổi: Nguyễn Hữu Giềng, Nguyễn Thị Hiệp, Olivier Tessier để giới thiệu trước đến bạn đọc. Mục đích của việc chọn ra mắt tập 2 bản tiếng Việt theo kiểu “ngược dòng” này thay vì tập 1 theo thứ tự, trước hết là để độc giả trong nước nói chung và các nhà nghiên cứu nói riêng có cơ hội khám phá văn hóa Óc Eo tường tận hơn qua những nghiên cứu khảo cổ học quan trọng của Louis Malleret. Mục đích thứ hai là để thu thập, công bố tư liệu nhằm góp phần vào việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.
Theo bà Vũ Thị Yến - đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM, tập 2 Văn minh vật chất Óc Eo của bộ sách chia làm hai quyển (chính văn và phụ bản). Quyển chính văn dành cho việc khảo sát, khai quật, miêu tả hiện vật và nghiên cứu khảo cổ, gồm ba phần. Đầu tiên giới thiệu các hiện vật là công cụ lao động, sinh hoạt của cư dân thuộc văn hóa Óc Eo, chất liệu được làm bằng đá và xương răng của các loài động vật. Sau đó là chi tiết các hiện vật bằng đất nung bao gồm các công cụ được sử dụng trong hoạt động thủ công nghiệp làm gốm, kim hoàn và các loại đồ gốm được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của cư dân văn hóa Óc Eo. Cuối cùng là những nghiên cứu về kỹ thuật luyện kim đồng và sắt của cư dân cổ cùng các hiện vật được làm bằng kim loại như tượng của các vị thần và Phật, nhạc khí, đồ trang sức và các hiện vật kim loại của nước ngoài được phát hiện ở các di chỉ Óc Eo. Phần phụ bản thu hút sự quan tâm của độc giả với những hình ảnh và chú thích về các dụng cụ, di vật thu thập được từ các cuộc khai quật quần thể di chỉ Óc Eo - Ba Thê cùng một số ảnh chụp, ảnh dập độc đáo từ nguồn ảnh tư liệu quý hiếm của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp.
Những phát hiện thú vị trong Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông cho thấy nguyên Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp Louis Malleret đã dày công nghiên cứu một cách toàn diện và chi tiết nhiều phương diện văn hóa của miền Tây sông Hậu, giúp hậu sinh nhận diện được các loại hình cổ vật Óc Eo, phương thức sản xuất và ảnh hưởng kỹ thuật cũng như mối quan hệ giao thoa văn hóa của cư dân Óc Eo với các nền văn minh khác trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.