Công nghệ làm mưa kiểu Thái này ra đời từ cách đây... 47 năm (năm 1969) và được áp dụng rộng rãi không chỉ tại Thái Lan mà còn một số nước khác trên thế giới.
Hạn hán hoành hành
Từ những năm 1946, khi nhà vua Bhumibol lên ngôi, Thái Lan đã là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo và 13,5 triệu nông dân (khoảng 80% dân số) được coi là “trụ cột của đất nước”. Tuy nhiên, hầu hết nông dân đều nghèo, làm việc quần quật chỉ vừa đủ ăn. Sống tại vùng nông thôn đường sá đi lại khó khăn, đã vậy họ còn thường xuyên đối mặt với lũ lụt và hạn hán.
Sau khi từ Thụy Sĩ về nước năm 1951, nhà vua liên tục đi đến các vùng sâu, vùng xa trực tiếp gặp gỡ bà con để hiểu rõ khó khăn họ đang gặp phải. Ở mỗi vùng, dựa trên nghiên cứu, uy tín và quyền hạn của mình, ông đều khởi xướng những dự án thực tế để giải quyết khó khăn cụ thể tại đó. Đích thân ông kiểm tra quá trình thực hiện và nghiệm thu kết quả.
Năm 1955, nhà vua đến thăm Isan, vùng đất nghèo thuộc miền đông bắc. Tại đây, ông tận mắt chứng kiến hậu quả của nạn hạn hán đang hoành hành. Lượng mưa ở đây may lắm chỉ đủ để trồng lúa 1 vụ/năm. “Nơi có nước thì lại quá nhiều dẫn đến ngập úng, nơi không có nước lại thiếu trầm trọng dẫn đến hạn hán. Người dân nghèo khổ sống trong tình trạng không điện, nước, khó khăn đến nỗi đàn ông còn khó có thể sống sót”, nhà vua viết trong nhật ký của mình.
Thật ra, nhà vua cũng biết việc quản lý hiệu quả nguồn nước từ lâu đã là vấn đề nan giải của Thái Lan. Tuy vậy, chuyến đi thực địa đó đã khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Ngài quyết định lao vào nghiên cứu, bằng mọi cách để tìm ra giải pháp giúp dân. Và đợt nghiên cứu này cũng là khởi đầu cho ý tưởng: Thay trời làm mưa.
Nhà tạo mưa hoàng gia
Dựa trên nền tảng các phương pháp làm mưa nhân tạo trên thế giới, ông miệt mài nghiên cứu để rồi 14 năm sau, qua không ít lần thất bại, năm 1969 trận mưa nhân tạo kiểu Thái đầu tiên xuất hiện. Theo nhà khoa học Wiraphon Sudchada, trước tiên các máy bay của lực lượng tạo mưa hoàng gia sẽ bay đến nơi khô hạn, phun muối vào các đám mây rồi trộn calcium chloride và calcium oxide phun tiếp lên những đám mây đã ẩm này để làm chúng to hơn và rơi xuống thành mưa. Ngoài ra, để tạo mưa nhanh hơn, họ phun đá lạnh bên dưới các đám mây đó.
Phương pháp làm mưa nhân tạo của vua Bhumibol hiệu quả hơn hẳn các phương pháp trước đây, kể cả phương pháp của Mỹ mà Thái Lan từng áp dụng. Trước đây, quá trình làm mưa chỉ có 2 bước nhưng lượng mưa ít, không đồng đều và không chủ động được khu vực sẽ có mưa. “Mưa nhân tạo kiểu Thái” của vua Bhumibol phải thực hiện nhiều bước hơn: tạo mây, “kích mây nở”, tạo mưa... nhưng ngược lại lượng mưa nhiều gấp đôi, chủ động được mưa hơn ở các tầng mây ấm, mây lạnh.
Sau khi nghiên cứu thành công, chiến dịch “mưa hoàng gia” được phủ rộng trên cả nước với phương châm: “Nơi nào cần mưa, sẽ có mưa”. Những năm 1970, nhà vua nhận được rất nhiều đề nghị “thay trời làm mưa” của nông dân. Đợt hạn hán năm 1972, nông dân trồng trái cây tỉnh Chanthaburi đã vui sướng tột độ khi được vua làm mưa. Họ đã cùng nhau đem đến dâng tặng vua rất nhiều trái cây và thậm chí còn gom góp tiền gửi vua để... mua thêm máy bay làm mưa. Những cơn mưa nhân tạo đã giúp họ giảm thiểu mất mùa, thất thu lương thực, thực phẩm. Vì thế, người dân Thái Lan đã yêu quý gọi ông là “nhà tạo mưa hoàng gia”.
Từ năm 1977 - 1991, mỗi năm lực lượng tạo mưa hoàng gia nhận được đề nghị làm mưa từ khoảng 44/72 tỉnh trên cả nước và hầu hết đều được đáp ứng khi điều kiện cho phép. “Trong lịch sử nước Thái, vua được xem là Chúa tể của xứ sở, người có thể "hô mưa gọi gió" và bảo hộ mùa màng bội thu. Việc nhà vua cố gắng mang mưa đến cho nông dân mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Vì thế, hình ảnh nhà vua từ trên trời nhìn xuống hạ giới trong cơn mưa được sử dụng rất phổ biến trong các tài liệu để tỏ lòng kính yêu đến ngài”, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam Prapas Vipobsophon chia sẻ với Thanh Niên.
Năm 2002, Bộ Công nghệ Thái Lan đã cấp bằng sáng chế - phát minh cho phương pháp làm mưa nhân tạo của nhà vua. Đây là bằng sáng chế - phát minh thứ 4 của ông. Trước đây, ông đã được cấp bằng phát minh dùng dầu cọ làm nhiên liệu chạy máy diesel mà không cần thay đổi chi tiết máy, hiện vẫn được người Thái sử dụng khá phổ biến.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang viếng nhà vua Bhumibol Adulyadej
Sáng 17.10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao nhà nước, Quốc hội và Chính phủ VN tới Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội viếng và ghi sổ tang tưởng niệm nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej.
Thay mặt nhà nước và nhân dân VN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chia buồn sâu sắc tới hoàng hậu, hoàng gia, lãnh đạo và nhân dân Thái Lan; tin tưởng hoàng hậu, hoàng gia và nhân dân Thái Lan sớm vượt qua mất mát to lớn, sớm ổn định cuộc sống người dân, tiếp tục đưa đất nước Thái Lan phát triển mạnh mẽ. Sau lễ viếng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang xúc động ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc nhà vua Bhumibol Adulyadej, vị vua anh minh và tôn kính của nhân dân Thái Lan. Lãnh đạo và nhân dân VN luôn trân trọng những tình cảm tốt đẹp mà nhà vua đã dành cho nhân dân VN, cũng như những đóng góp quý báu của nhà vua cho mối quan hệ hữu nghị, Đối tác chiến lược giữa hai nước VN và Thái Lan. Thay mặt nhà nước và nhân dân VN, chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới hoàng hậu, hoàng gia, chính phủ, hội đồng lập pháp và toàn thể nhân dân Thái Lan trước mất mát vô cùng lớn lao này”.
Theo TTXVN
|
Phạt đến 7 năm tù nếu bán áo đen giá “cắt cổ”
Trong những ngày vừa qua, chủ đề hoàng gia trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Ở tỉnh Phuket và Phang Nga đã xảy ra những vụ biểu tình phản đối những người có ý kiến “không phù hợp” về chế độ quân chủ.
Những người không mặc áo đen cũng bị chụp hình đưa lên các mạng xã hội Facebook, Line để công kích. Sự việc căng thẳng đến nỗi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phải lên tiếng yêu cầu mọi người không nên quá khích đối với những người không mặc trang phục đen.
"Đây là thời điểm để thể hiện tình yêu, sự đoàn kết để giữ xã hội yên bình”, ông nói. Áo đen trong những ngày này luôn trong tình trạng “cháy hàng”, một số nơi giá đã tăng từ 150 baht/cái (100.000 đồng) lên đến gần 500 baht/cái. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết việc bán áo đen với giá “cắt cổ” có thể bị phạt đến 7 năm tù, đồng thời cung cấp đường dây nóng để người dân báo với chính quyền nếu phát hiện trường hợp vi phạm.
|
Bình luận (0)